“Vàng mười” xứ Đoài

Trần Thư 286 lượt xem 5 Tháng Bảy, 2021

Đá ong xứ Đoài từng được thi sĩ Quang Dũng ví von “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ”. Còn ngày nay, những khối đá ong màu cánh gián ấy lại được ví như “vàng mười” quý giá.

c1 2
Dù khá đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn chọn đá ong để xây dựng biệt thự.

Nói về đá ong, những người thợ xứ Đoài rằng, trước đây gia đình nào nhận được mảnh đất đá ong thì coi như xui xẻo hết mức. Còn giờ đây, đá ong giống như báu vật, được mảnh đất có đá ong thì coi như đổi đời.

Vùng Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất lâu nay vẫn được coi là “miền đá ong” làm nên những đặc sắc có một không hai của vùng đất xứ Đoài xưa.

Trời ban báu vật

c2 1
Khai thác đá ong.

Anh Nguyễn Xuân Biên, người dân xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) nói rằng, trong không gian sống của người xứ Đoài, đá ong hiện hữu mọi nơi từ bức tường, sân nhà, giếng sâu đến chốn thờ tự linh thiêng như đình, chùa, miếu mạo.

Những năm 1980, ngoài việc khai thác đá ong để xây dựng nhà cửa cho gia đình, nhiều hộ dân còn bán vật liệu này ra thị trường. Dần dà, Bình Yên thành nơi chuyên khai thác và kinh doanh đá ong. Khoảng 10 năm trở lại đây, từ những khối đá thuần tuý chỉ là vật liệu xây dựng, người dân xã Bình Yên còn sáng tạo ra nghề điêu khắc mỹ nghệ.

Theo UBND xã Bình Yên, hiện nay địa phương có khoảng 200 hộ sống bằng nghề khai thác đá ong. Trong đó có khoảng 20 cơ sở chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm mỹ nghệ từ vật liệu này. Lại có những nhóm thợ chuyên thi công các công trình kiến trúc cổ bằng đá ong.

Theo những người thợ làm đá lâu năm ở Bình Yên, để làm ra một tác phẩm nghệ thuật từ đá ong phải rất kỳ công. Sau khi khai thác, từ khối đá to, người thợ dùng thuổng pha ra, rồi dùng dao đục đẽo, vạc đá theo trí tưởng tượng.

Đá ong cũng chẳng phụ người, mỗi tháng thợ khai thác đá được trả công hàng chục triệu đồng. Còn thợ điêu khắc thì cao hơn, có người lên tới 20 triệu vì ăn theo sản phẩm.

Tại những vạt đồi hay trong những khu vườn thôn Cánh Chủ, Yên Mỹ, Sen Chi… có thể dễ dàng bắt gặp những người thợ đang xoay trần với đá. Họ hì hục đào, gọt, vận chuyển những khối đá ong có màu vàng sẫm để về chế tác.

Những người thợ ở Bình Yên nói rằng, đá ong có 2 loại chủ yếu là đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới đất. Để có loại vật liệu này, người khai thác phải có có sức khoẻ và tính kiên nhẫn. Với người thợ đào giỏi, cật lực cả ngày cũng chỉ khai thác được 15 – 20 viên là nhiều.

Trong khu vườn chất đầy đá ong, anh Biên vừa thận trọng chạm những nhát thuổng vừa kể về “của trời ban”. Anh nói rằng, để có được những sản phẩm tốt, người thợ phải lựa chọn chất lượng, kích thước đá ong sao cho phù hợp rồi mới đến bước tạo hình, chế tác những chi tiết tinh xảo.

“Ở xứ Đoài, đá ong Thạch Thất thuộc loại già nhất, đá có màu nâu sẫm và cứng, phù hợp cho việc làm cổng nhà, tường rào. Còn đá ong ở Sơn Tây và Ba Vì non hơn một chút, phù hợp chế tác tượng và các sản phẩm mỹ nghệ”, anh Biên cho hay.

Chỉ tay đến một cổng nhà bằng đá ong đang thi công dở, anh Biên nói rằng cổng có thiết kế hình trụ cao đến 4m. Để làm được bức cổng này, nhóm thợ phải chọn loại đá ong già, xây hình vuông. Sau đó mới tiếp tục đẽo gọt thành hình trụ theo như thiết kế. Cuối cùng là đánh bóng để làm nổi bật sắc vàng tươi của đá ong.

“Vàng” nằm trong đất

c3
Đá ong còn được dùng chế tác nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Để có được nguồn nguyên liệu đá ong, nhiều thợ đá phải đi săn lùng, thăm dò các khu vườn và đặt tiền trước. Tùy thuộc vào chất lượng đá ong mà có giá cả khác nhau, đá càng già thì giá càng cao. Thông thường đá ong có 3 lớp, trên cùng là đá non, lớp thân và cuối cùng là phần đá cứng nhất.

Thợ đá thường dùng lớp cuối cùng để chế tác đồ có tính mỹ thuật cao, xây nhà và tường rào. Tuy nhiên một số nơi đá ong chỉ có 2 lớp là đá non trên cùng và lớp thân, cho nên thợ đá phải thăm dò thật kỹ, nếu không sẽ thiệt thòi và thậm chí là lỗ vốn.

Tại khu vực Ba Vì, thợ mua đá ong với giá khoảng 120 – 150 triệu đồng/sào. Sau khi khai thác xong, thợ sẽ hoàn nguyên hoặc để gia chủ làm ao thả cá. Theo nhận định của các thợ đá kinh nghiệm, tài nguyên đá ong ở khu vực xứ Đoài rất dồi dào, nhưng việc khai thác cũng không hề đơn giản.

Đá ong nằm cách mặt đất khoảng 1 – 1,5m. Để giữ lại được nguyên vẹn vẻ đẹp mộc mạc của đá ong sau khi đưa lên khỏi mặt đất, thì việc khai thác đòi hỏi phải trải qua những công đoạn hết sức tỉ mỉ mà không thể can thiệp được bằng máy móc.

Những người thợ địa phương phải dùng dụng cụ đặc biệt có tên gọi là “thó”, xén từng mạch đá theo những kích thước mong muốn để đưa khối đá lên. Tuy nhiên, để tránh lãng phí, người thợ thường xén đá sao cho phù hợp với kích cỡ sẽ chế tác sản phẩm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mười cho biết, nghề điêu khắc đá ong hầu như chỉ làm thủ công, không thể áp dụng máy móc bởi như thế thì “cái hồn của đá” sẽ mất đi, sản phẩm sẽ không còn sức sống và sự độc đáo.

Cũng vì sự công phu đó mà nghề điêu khắc đá ong ít khi “gia truyền” được. Nghệ nhân cũng chỉ có thể sử dụng công nhân để phụ giúp một số công đoạn đơn giản, chứ không thể làm thay mình toàn bộ tác phẩm.

Cho đến nay, nghề khai thác và chế tác đá ong ở Bình Yên cũng như các huyện thuộc xứ Đoài xưa đã phát triển tới mức cực thịnh. Từ các khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn, di tích… đều có mặt thợ đá ong xứ Đoài.

Đắt xắt ra miếng

c4
Đá ong phù hợp với những kiến trúc cổ thuần Việt.

Ngay trên quê hương đá ong, loại vật liệu quý giá này được người dân ưa chuộng dùng để xây dựng biệt thự, đặc biệt là từ đường, nhà thờ dòng họ. Tuy nhiên, phải những gia tộc giàu có mới dám sử dụng, bởi giá một mét tường đá ong cũng xấp xỉ vài triệu đồng. Đắt đỏ là vậy nhưng những người hoài cổ vẫn luôn lựa chọn đá ong như là ưu tiên số 1.

Những viên đá ong vốn xù xì, lồi lõm sẽ được đẽo gọt, mài phẳng. Khi xây thành bức tường, vừa đảm bảo độ phẳng như gạch mà vẫn toát được vẻ mộc mạc, giản dị. Đặc tính của nhà đá ong là mùa hè thì mát mẻ như được ở trong hầm sâu, còn mùa đông lại ấm áp do chất đá dầy, ngăn chặn thoát nhiệt. Ai có được ngôi nhà như thế đều tự hào, và mặc nhiên người ta sẽ đoán ngay chủ nhân là người giàu có, biết chơi.

Ngoài nhà đá ong, tại xã Bình Yên còn trưng bày những mẫu sản phẩm tuyệt đẹp. Giữa những khối đá thô mộc là những tác phẩm đã thành hình. Con sư tử chặn chân lên quả cầu tọa lạc oai vệ cùng những chú chuột, chú trâu ngộ nghĩnh đáng yêu. Thợ đá ong còn chế tác những đầu rồng, voi, hổ và cả những trụ đèn, lộc bình, chậu hoa, giếng nước.

Một giếng nước đá ong có giá từ 50 – 120 triệu đồng, tuỳ thuộc độ nông – sâu và yêu cầu thẩm mỹ. Đối với các tác phẩm rồng phượng, hay sư tử, kỳ lân cỡ lớn có giá lên tới 200 triệu đồng/đôi.

Còn những tác phẩm cỡ nhỏ hoặc trung bình thì giá thành rẻ hơn do việc chọn lựa vật liệu đơn giản. Tuy vậy, mẫu vật đầu rồng thời Lý dù chỉ nhỏ bằng quyển sách nhưng chế tác tinh xảo có giá tới cả triệu đồng.

Ở vùng đất xứ Đoài, các ngôi làng cổ còn lại hầu hết đều được xây bằng đá ong. Đặc biệt đá ong cũng được dùng để xây dựng tường thành cổ Sơn Tây.

Đá ong cũng được dùng để xây chùa Tây Phương cùng nhiều công trình tôn giáo, tâm linh. Thậm chí có những giếng cổ được tạo tác giữa những khối đá ong khổng lồ.

Đá ong quý giá là vậy, được các thế hệ yêu mến là thế, nhưng hiện nay nhiều người vì tính toán lợi nhuận đã đưa máy móc vào đục đẽo để làm ra các sản phẩm hàng chợ. Điều đó đã khiến cho nghề điêu khắc mỹ nghệ đá ong ở Bình Yên, cũng như xứ Đoài giảm uy tín đáng kể.

Không chỉ có thế, vì khai thác đá một cách ồ ạt không theo quy hoạch nên nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt, đẩy mức giá ngày càng cao. Cùng với đó là lối sản xuất sản phẩm đá ong theo kiểu công nghiệp nên chất lượng kém.

Đó cũng là điều mà người xứ Đoài lo lắng nhất, bởi những giá trị tinh hoa cùng nét đặc trưng của nền văn hóa đá ong sẽ dần bị huỷ hoại, mất đi trong tương lai không xa.

“Ngày càng nhiều người tìm đến đá ong, không chỉ để xây nhà mà vật liệu này còn tạo được những sản phẩm mỹ nghệ có tính nghệ thuật cao. Đá ong đúng là báu vật, là món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho xứ Đoài. Tuy nhiên cái gì cũng vậy, khai thác mãi rồi cũng có ngày cạn kiệt. Tôi sợ đến một ngày không xa, đá ong vốn là nét đặc trưng của xứ Đoài sẽ biến mất” – Nghệ nhân Nguyễn Văn Mười.
Theo Giáo dục và Thời đại

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm