Đền Ngọc Sơn

Huyền Linh 87 lượt xem 5 Tháng Ba, 2025

Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) nằm trong quần thể Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Đây là điểm đến không dễ bỏ qua của du khách khi tới Hà Nội.

16 1

Đền Ngọc Sơn nằm trong lòng đảo Ngọc – một doi đất um tùm cây cối nhô lên trên hồ Hoàn Kiếm. Phía ngoài cùng của di tích là nghi môn ngoại trông ra đường Đinh Tiên Hoàng được xây theo dạng trụ biểu, hai bên là tường lửng nối các trụ chính và trụ bên. Ngay sau đó là tháp Bút được dựng trên ngọn núi Độc Tôn, có kiến trúc hình vuông, cao 4m, gồm 5 tầng; đỉnh tháp đắp một ngọn bút lông bằng đá, thân tháp ghi 3 chữ Hán:

“Tả thanh thiên”, nghĩa là “Viết lên trời xanh”.

Sau tháp Bút là nghi môn nội với cửa chính được tạo bởi hai trụ lớn, hai bên đắp nổi hình long môn, hổ bảng tượng trưng cho sự thành đạt. Tiếp đến là một cổng vòm, bên trên có đài Nghiên hình nửa trái đào được tạo từ khối đá xanh đặt trên 3 con ếch đá. Thân đài Nghiên khắc bài minh gồm 64 chữ Hán do Nguyễn Văn Siêu soạn.

Nối bên ngoài khu di tích với khu vực chính của đền Ngọc Sơn là cầu Thê Húc, được sơn màu đỏ tươi, dáng cong, gồm 15 nhịp, mỗi nhịp dài 3m, rộng 2,6m; các thanh bắc cầu được làm bằng gỗ lim, chân cầu làm bằng bê tông. Qua cầu là cổng Đắc Nguyệt xây kiểu 2 tầng 8 mái. Hai bên có 2 cửa giả đắp nổi phù điêu “Long mã Hà đồ” và “Thần quy Lạc thư”. Đi qua cổng là khu kiến trúc chính của đền Ngọc Sơn.

Phía trước đền chính, trông ra mặt hồ là đình Trấn Ba (đình chắn sóng). Đình có mặt bằng kiến trúc hình vuông dựng trên 8 cột bê tông giả gỗ, nằm trên nền cao hơn mặt sân 45cm, có kè đá ngăn sóng. Tiếp đó là khoảng sân lát gạch rồi đến tiền tế gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Mặt trước là hệ thống cửa bức bàn. Phía trong thông với trung đường, được xây cao hơn gian tiền tế khoảng 40cm, gồm 3 gian. Nối trung đường với hậu cung là nhà cầu. Cuối cùng là hậu cung gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.

Đền Ngọc Sơn là nơi thờ Văn Xương Đế Quân (vị thần chủ quản khoa cử, văn chương), Đức thánh Trần Hưng Đạo…; có các ban thờ Phật và hệ thống Tam tòa Thánh Mẫu… Việc phối thờ các vị thần, Phật, thánh như vậy cho thấy quan niệm “tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo) của người Việt.

Ngoài ra, trong khuôn viên đền Ngọc Sơn còn có các công trình khác như nhà tả – hữu vu, nhà kính thư, nhà hậu – nơi trưng bày hai tiêu bản cá thể rùa hồ Gươm.

Bài viết cùng chủ đề:

    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...

Được quan tâm