Trở về
Dì Lan về, mọi người đến chật nhà. Người đến để chia vui, động viên, kẻ đến vì hiếu kỳ, xem sau chừng ấy năm ăn “cơm trại” dì khác bao nhiêu. Dì cười với hàng xóm, nhưng còn vẻ u sầu, đôi mắt vẫn thế – lúc nào cũng long lanh, ngân ngấn nước. Dì rót nước luôn tay và trả lời câu hỏi của từng người. Chỉ có thằng Hân vẫn đứng từ rất xa ngó vô nhà một cách lạ lẫm.
Mọi người trong nhà ngó ra vẫy tay bảo: Vào với mẹ đi! Mẹ cháu về đấy!
Dì Lan đợi chờ đầy cảm động. Giọt nước mắt trào khỏi mi. Dì đã xa con mấy năm rồi còn gì, nhưng thằng Hân vẫn đứng ngoài cổng một chặp rồi quay người lặng lẽ đi.
Mãi đến khuya, mọi người mới về hết, dì lục lại những tấm hình khi gia đình còn đủ đầy. Trong hình, vợ chồng dì Lan ôm hai đứa con trai của mình là Minh và Hân, hôn lên mái tóc khét nắng của tụi nó.
Hân làm quen với tiệm xăm từ hồi học cấp hai. Hân bảo, cứ 5 lần thấy cha đánh mẹ là sẽ xăm một hình mới, hoặc một nét mới. Hai cổ tay của Hân đều có hình một dãy số rất dài. Ngôi nhà Hân từng ở có ô cửa sổ lủng lỗ, nắng rơi rớt xuống nền nhà những chấm li ti như vì sao trên bầu trời. Mỗi lần tỉnh giấc, Hân có cảm giác mình đang trong thước phim quay chậm, ngược về những ngày thơ bé… có ba, có mẹ, anh Minh và mình…
***
“Còn thương tui hông?”
Vợ Minh hỏi câu đó lần đầu tiên vào một buổi sáng sương vẫn đọng trên vòm lá trước hiên nhà. Minh ăn vội tô mì, để kịp giờ đi làm, rồi thoáng nghĩ vợ mình nay hỏi gì kỳ cục. Lúc xô nước tưới rau của bà Ba đầu hẻm tạt ướt một vạt áo, Minh mới chợt nhớ tối qua lúc say rượu có lớn tiếng quát mắng vợ.
Thương một người là như thế nào, đến giờ Minh vẫn chưa định nghĩa chính xác được. Có tình thương mỉm cười vui vẻ khi nhìn họ quay lưng bước đi. Có tình thương nhìn người ra đi mà nước mắt ngắn dài quay đầu không dám nhìn. Có tình thương nửa muốn người ta tương lai đầy hào quang, nửa muốn nói đừng bỏ mình, ở lại đây đi…
Ở nhà, mẹ Minh không bao giờ hỏi ba câu này. Ba lấy mẹ năm mẹ mười tám. Mẹ bị chai rượu tạt trúng đầu lúc mới mừng sinh nhật tuổi hai mươi được vài ngày. Hôm đó, mẹ gọi điện hỏi sao ba không về ăn cơm trúng lúc ba đang hẹn bạn đi nhậu. Rồi, mẹ không hỏi ba bất kỳ câu nào nữa.
“Chạy” là từ đầu tiên Minh học được. Mỗi khi ba cầm chai rượu đi tới đầu ngõ, mẹ sẽ hét lên: “Chạy đi!”, rồi đẩy Minh và Hân ra khỏi cửa sau. Tiếng loảng xoảng ráo riết sau lưng. Hai anh em cắm cúi co giò chạy đến mướt mồ hôi.
“Mỗi lần thấy ba chuẩn bị động tay, động chân thì phải chạy thật nhanh, đừng quay đầu lại”, Minh nói với Hân.
Đến tuổi lập gia đình thì người Minh đã đầy sẹo. Có vết sẹo do miếng chai, có vết sẹo do gậy đánh rát quá mà thành.
Hồi mười tuổi, lúc được giao bài tập làm văn về nhà với đề “Tả ba của em”, Minh phải chạy tuốt lên xóm trên ngồi cả buổi ở nhà chú Sơn chạy xe lam, đợi chú chở hàng về để xin quá giang lên nhà dì tận ngoài thị xã. Đó chỉ là cái cớ để Minh ngồi trên xe quan sát chú Sơn, ghi lại những chi tiết đẹp nhất, mộc mạc nhất để đưa vào bài làm văn của mình. Bài văn được chín điểm. Cô giáo phê câu đại ý: “Em có một người cha thật tuyệt vời”.
Tụi bạn đọc bài Minh xong cũng tỏ ra ganh tị. Ngoài tả về công việc lái xe lam, trong bài Minh đã tả về người cha biết yêu thương, chăm sóc gia đình, đi làm kiếm tiền mua bánh, mua sữa cho con, rồi dạy cho con tập xe đạp, chở con đi tắm biển như cách chú Sơn dành cho vợ con mình. Minh nhìn lại bài làm văn rồi cười trừ…
Chưa ai nói Minh biết về khái niệm yêu thương. Mẹ không dạy, ba không dạy. Minh còn chẳng bao giờ biết được ba có thương mẹ không nữa kia…
Thằng bé con Minh thiếu sữa mẹ, gào suốt đêm. Trong mơ, Minh thấy mình như còn năm, sáu tuổi, được mẹ ôm vào lòng, rồi gào với ba một câu gì đó. Rồi tiếng Minh gào lên khi bị người đàn ông lớn nhất gia đình ném chai rượu trúng chân. Những hình ảnh cứ chớp tắt trong giấc mơ, rồi Minh bừng tỉnh. Thằng bé vẫn còn thút thít, vợ Minh gục cạnh chiếc nôi của con. Minh chọt chọt chân con mình, nghĩ đến bàn chân đầy sẹo lớn sẹo nhỏ đã khiến mình chỉ dám mặc quần dài suốt thời niên thiếu.
***
Mấy mươi năm kết hôn là chừng ấy thời gian dì Lan bị chồng đánh đập, bạo hành. Cuộc hôn nhân buồn với người chồng bạo lực đã đẩy dì Lan vào thế cùng quẫn. Ngày toà án mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử dì Lan với tội danh: Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đối với những người chứng kiến, có lẽ đây là phiên toà khá đặc biệt. Hai vết sẹo trên cổ dì Lan là do người chồng dùng ngón tay xiết và ấn mạnh đến mức chảy máu. Hơn nữa, lúc ấy dì Lan đang mắc các chứng bệnh cao huyết áp, sức khoẻ yếu vì cú sốc, nên được toà cho ngồi suốt phiên xử.
Mang tội giết chồng, giết cha của con mình. Minh là anh nên hiểu chuyện, hiểu được những khổ nhọc và uất ức mà mẹ đã chịu mấy chục năm qua. Còn thằng Hân thì giận không nhìn mặt mẹ cũng từ dạo đó. Suốt những năm tháng dì ở trong trại giam, ngoài họ hàng và Minh ra, Hân chẳng đến thăm mẹ được một lần.
Dì Lan không khóc hay than vãn một lời như thể đã chuẩn bị tất cả để chấp nhận. Thậm chí, dì không thèm cúi mặt khi gặp những lời đàm tiếu. Từ ngày trở về, dì cùng vợ chồng Minh nương tựa nhau sống lầm lũi. Dì mở tiệm may nhỏ chỉ đủ cho cuộc sống tằn tiện qua ngày. Những đêm mưa lớn, dì ngồi ôm sấp quần áo của thằng Hân nhìn nước nhỏ tong tong vào chiếc chậu đặt giữa nhà.
Thấm thoắt năm năm trôi qua, người ta quên hẳn đi cái quá khứ của dì. Chỉ có thằng Hân là còn giận mẹ nó. Dì đón thằng Hân từ nhà chị ruột về ở cùng, nhưng nó nhất quyết không chịu. Cho dù cả họ hàng, làng xóm thuyết phục thế nào nó cũng không nghe. “Con không đi với người này đâu!” – Nó chỉ vào dì Lan và bảo thế. Dì Lan ôm, nó đẩy ra. Dì không giận nó, mà chỉ tự trách mình…
***
Tan làm, vợ chồng Minh vừa đến nhà thì thấy rất đông người nhốn nháo trước cửa. Minh cố len vào thì thấy người ta khiêng mẹ trên cáng. Mặt mũi đã tím tái. Minh không hiểu chuyện gì cả, thấy họ hàng đang khóc lóc: “Em ơi, sao em lại làm như thế hả em? Em còn mấy đứa nhỏ, còn anh, chị nữa mà…”. Nghe mọi người xì xầm, Minh lờ mờ hiểu ra hình như mẹ uống thuốc ngủ tự vẫn.
Vì không nhận được sự tha thứ của thằng Hân, nên dì Lan đã tìm đến cái chết. Dì cảm thấy mình có lỗi vì đã khiến con mình không có cha.
Minh hộc tốc về tìm Hân, nhưng không thấy nó đâu. Minh ngồi chờ mà lòng nóng như lửa đốt, liền chạy vào viện. May mắn sao, khi Minh đến nơi mẹ đã tỉnh. Tiếng mẹ khóc và nói với họ hàng:
– Thằng Hân chắc sẽ không bao giờ tha thứ cho em đâu. Bao năm qua em đợi, em thuyết phục mãi mà nó đâu chịu chấp nhận một người mẹ như em.
Minh biết mẹ ít khi khóc. Minh lặng người đi thì bị kéo áo. Thằng Hân đã đứng phía sau nghe hết tự bao giờ. Mắt nó đỏ hoe. Nó kéo Minh trở ra:
– Sao em chưa vào với mẹ đi?
– Không! Cứ để cho mẹ bình tâm lại đã.
– Em có tha thứ cho mẹ không? Minh hỏi.
– Làm con đâu được phán xét cha mẹ, đúng không anh?
Không ngờ nó nghĩ được nhường ấy.
Dù không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng sức khỏe dì Lan sút đi nhiều. Thằng Hân ngày nào cũng vào với mẹ. Cái thái độ lạnh lùng, xa lạ thường ngày của nó cũng mất hẳn. Dì Lan nhìn nó cảm động:
– Con hãy tha thứ cho mẹ…
Nó cũng sụt sùi theo:
– Con chẳng cần gì đâu, bây giờ con chỉ cần mẹ thôi. Con chỉ cần mẹ khoẻ lại, gia đình mình lại bên nhau như trước…
Dì Lan ôm Hân, nó gục đầu vào lòng dì khóc nức nở. Từ ngày dì Lan về đến giờ đã gần chục năm, nhưng lần đầu tiên thằng Hân khóc trong lòng dì. Chỉ vì cố chấp mà suýt chút nữa thì Hân bỏ qua điều nó khao khát từ lâu. Một khoảng trống được lấp đầy trong trái tim của mẹ…/.
Theo Báo Quãng Ngãi
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị biểu tượng kiến trúc chùa Khmer
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở vùng ĐBSCL, nổi bật với sự phong phú của nền văn hóa Khmer, đặc biệt là các chùa Khmer với hệ thống biểu tượng kiến trúc độc đáo. Những biểu tượng này không chỉ phản ánh tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Khmer, còn là di sản...
Làng Tà Lài đẹp như phim của Ká Tuyền mang giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa ở Đồng Nai
Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng. Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần...
Nét đẹp buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài
Phác họa nét đẹp cuả buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài, triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” của hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa...
Ghé thăm làng nón Tây Hồ – Biểu tượng đậm chất thơ
Chiếc nón bài thơ xứ Huế là biểu tượng tinh tế của vùng đất cố đô, nơi giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật được gìn giữ trọn vẹn. Khi nhắc đến Huế, làng Tây Hồ nổi bật lên với nghề làm nón bài thơ truyền thống, không chỉ là công việc mà...
Làng chuyên nghề đảo nước, lọc ruột tại Quảng Nam
Làng hến Tân Phú (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) nằm bên dòng sông Trường Giang thơ mộng, bao đời nay gắn liền với nghề khai thác và tách ruột hến, tạo việc làm cho hàng trăm người dân. Thôn Tân Phú có hơn 330 hộ dân nhưng có trên 150 gia...