Trạm Tấu, chốn bồng lai giữa đại ngàn Tây Bắc

Trần Hùng 164 lượt xem 3 Tháng Năm, 2021

Trạm Tấu, tên vùng đất mới nghe qua đã gợi lên trong tâm hồn chúng ta sự xa xôi, hùng vĩ và bí hiểm. Thật vậy, nếu ai đó chinh phục được vẻ đẹp vùng đất này chắc hẳn đã khám phá được chốn “tiên cảnh” giữa đại ngàn Tây Bắc…

1 scaled
Chiếc cầu treo dẫn vào bản làng Trạm Tấu

Những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ

Trạm Tấu là huyện vùng cao nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, cách TP. Yên Bái trên 100km, giáp với Mường La, Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La. Nơi đây là vùng đất định cư, sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Nùng, Hà Nhì… Ai đặt chân đến Trạm Tấu đều ấn tượng với hình ảnh những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những triền núi cao và những bản làng nằm khiêm nhường dưới chân núi trong bảng lảng mây trời.

Đến Trạm Tấu vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm đều có cái thú rất riêng, bởi với đặc trưng là vùng đồi núi cao nên khí hậu nơi đây quanh năm ôn hòa, mát mẻ, không khí trong lành, cảnh sắc tươi đẹp, chim muông phong phú…

 Vào độ tháng 9, tháng 10, Trạm Tấu hiện ra là một thiên đường ruộng bậc thang với sắc vàng trải dài trên những sườn núi, tạo nên những đường viền uốn lượn chạy tít tới chân trời. Vào mùa này, du khách chỉ cần chạm tới vùng đất Trạm Tấu đã thấy sự hiện diện của ruộng bậc thang. Tiết trời mùa Thu mát mẻ hòa vào hương thơm của lúa khiến cho con người như ngất ngây trong không gian tràn ngập sức sống. Chỉ cần dừng chân ở một điểm nào đó trên cung đường Trạm Tấu, du khách đều có thể thả hồn mình vào sóng lúa bậc thang tuyệt đẹp để lắng nghe những thanh âm trong trẻo của núi rừng, của ruộng đồng.

 Mùa này, Trạm Tấu có một đặc sản mà mỗi khi nhắc đến vùng đất này đều không quên đó là táo mèo hay còn gọi là quả sơn tra. Vào độ giữa Thu, táo mèo trên rừng chín rộ, thơm lừng, đó là thời điểm đồng bào Mông ở Trạm Tấu đeo gùi lên núi hái táo rồi chiều về bày bán ngay tại chợ phiên phố núi.

2
Ruộng bậc thang, một không gian kỳ vĩ ở Trạm Tấu.

Chinh phục những đỉnh núi cao

 Ấn tượng đối với du khách khi đến Trạm Tấu còn là cơ hội để chinh phục những đỉnh núi cao ngất trời, để khám phá vẻ đẹp nơi đây. Trên cung đường ấy, đỉnh Tà Xùa vốn được xem như “sống lưng khủng long” của vùng Tây Bắc sẽ đem đến cho con người những trải nghiệm đáng nhớ.

 Núi Tà Xùa là một trong mười ngọn núi cao nhất Việt Nam, thuộc xã Bản Công của huyện Trạm Tấu. Vào bất kể mùa nào, Tà Xùa luôn là điểm hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm khám phá. Để lên được đỉnh Tà Xùa, du khách phải vượt qua cung đường mòn hết sức hiểm trở, khó đi, rậm rạp. Khi lên đến nơi, cả một không gian kỳ vĩ, bao la với biển mây bồng bềnh hiện ra trước mắt. “Sống lưng khủng long” là một đỉnh núi chạy dài, nhô lên cao giữa khoảng không với xa xa là những triền núi bao quanh khiến cho con người cảm nhận nơi đây như con vật khổng lồ đang quẫy mình giữa biển mây. Thời điểm kỳ thú nhất là lúc bình minh và chiều về. Đây là lúc biển mây quanh “sống lưng khủng long” bồng bềnh, vương vất quanh những ngọn núi. Sự kỳ vĩ của núi non, vẻ đẹp tinh khôi của mây trời và những tia nắng vàng xuyên qua biển mây khiến cho không gian trở nên bồng bềnh, hư ảo. Con người có cảm giác như lạc vào chốn tiên cảnh giữa đại ngàn.

3
Biển mây bồng bềnh quanh những triền núi trên đỉnh Tà Xùa (Ảnh TL)

Khám phá những bản làng

Trạm Tấu còn hấp dẫn du khách bởi sự bình yên và đậm chất Tây Bắc của những bản làng vùng cao. Đến đây, du khách có cơ hội được hòa mình vào không gian sống của bản làng xã Tà Si Láng. Nằm ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, xã Tà Si Láng có diện tích 9.000ha, gồm 5 bản là: Tà Cao, Xá Nhù, Chống Chùa, Làng Mảnh và Lã Tà. Từ bao đời nay, người Mông gắn bó như máu thịt với mảnh đất này. Nằm vắt vẻo trên đỉnh Tà Cao, Tà Si Láng nằm lọt thỏm dưới hẻm núi và những vạt rừng xanh thẳm. Tà Si Láng có những con đường nhỏ xinh quanh co theo những cánh đồng dẫn vào các bản. Trên đường đi có những con suối chảy qua với những chiếc cầu treo vững chãi. Bên sườn núi là bản làng của đồng bào Mông với những căn nhà gỗ tựa lưng vào núi. Chiều về, mây núi sà xuống như choàng một chiếc khăn mềm mại tạo nên vẻ đẹp hư hư thực thực cho vùng đất này.

4
Một góc bản bản Cu Vai (Ảnh Tư liệu)

 Ngược đường lên xã Xà Hồ, du khách còn được khám phá một “thiên đường bị lãng quên”, đó là bản Cu Vai. Nếu nhìn từ trên cao xuống, Cu Vai tựa như một tổ chim khổng lồ nằm vắt vẻo trên đỉnh núi. Nơi đây là không gian sinh sống của đồng bào Mông. Vượt qua con đường dốc núi hiểm trở, Cu Vai hiện ra là một bản làng tựa như một thế giới riêng. Giữa bản là con đường nhỏ, hai bên là những căn nhà của đồng bào nối nhau liên tiếp tạo nên những dãy nhà chạy dọc trên đỉnh núi. Cuộc sống của đồng bào nơi đây quanh năm làm bạn với mây trời, từ lời ăn, tiếng nói, nụ cười như hòa điệu với mây núi.

Xuống núi, du khách sẽ được ngâm mình trong suối khoáng nước nóng tự nhiên ở Trạm Tấu để xua tan đi bao mệt nhọc. Tiếp tục hành trình sẽ là những điểm khám phá tiếp theo ở vùng đất Trạm Tấu như bản Mù với hai con suối lớn là suối Làng Kè, suối Mù Cao, khám phá bản Háng Tề Chơ, bản làng xa xôi của Trạm Tấu, ngắm thác nước Háng Tề Chơ tựa như dải lụa trắng vắt từ trên đỉnh núi xuống. Dừng chân ở các bản làng, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn bản địa đậm đà hương vị Tây Bắc như măng rừng, rau dớn, vịt nướng lá mắc mật, cá suối lam, xôi nếp nương, rượu ngô… để có những trải nghiệm trọn vẹn và ý nghĩa về vùng đất Trạm Tấu đầy quyến rũ.

Theo baodantoc

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm