Phục dựng điện Kính Thiên: Nhanh nhưng phải cẩn thận

Hồng Đào 66 lượt xem 23 Tháng Tư, 2021
dien kinh thien 1
Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ vừa được khai quật tại khu vực chính điện Kính Thiên – Ảnh: T.ĐIỂU

Quyết tâm này tiếp tục được các nhà khoa học nâng lên đặt xuống tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021 diễn ra ngày 22-4 tại Hà Nội.

Phải làm bằng được

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Sơn – nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – bày tỏ nỗi trăn trở cũng là suy nghĩ của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý việc muốn nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, nhưng 20 năm đã trôi qua chưa có kết quả.

Theo ông Sơn, với cách làm hiện nay thì “cuối thế kỷ cũng không xong”. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, thì cho rằng nghiên cứu không thôi là không đủ mà phải có ý chí “làm bằng được” và phải chấp nhận không quá cầu toàn, nếu không thì thêm 20 năm nữa cũng không xong.

“Nếu cứ khai quật mãi, nghiên cứu mãi sẽ đi đến kết quả khảo cổ học, có thể in sách. Nhưng chúng ta không cầu toàn được, bởi làm sao biết mặt mũi điện Kính Thiên thời Lý Trần. Chỉ có thể phục dựng được từ thời Lê Sơ, còn điện chính thời Lý Trần phải để con cháu 100 năm nữa làm”, ông Đông nói.

bo chi huy phao binh xua 1
Năm 1886, quân đội Pháp đã xây dựng một tòa nhà 2 tầng ngay trên chính nền điện Kính Thiên để làm Bộ chỉ huy pháo binh – Ảnh tư liệu

Ông Trần Đình Thành – phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa – cho biết sau gần 20 năm, với nguồn tài liệu tương đối tốt, nay các ý kiến khá thống nhất giữa nhà quản lý và các nhà khoa học là “cần nhanh chóng phục dựng điện Kính Thiên”.

Ông cho biết gần đây cả Chính phủ và TP Hà Nội đều thể hiện ý chí muốn tập trung vào phục dựng lại điện Kính Thiên, mong muốn giai đoạn 2021-2025 sẽ có dự án cấp chính phủ hoặc TP Hà Nội phục dựng được điện Kính Thiên. Đây cũng là mong mỏi của nhân dân, du khách.

“Đề án cũng như quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt, trong đó có kế hoạch xây dựng điện Kính Thiên. Các nhà khoa học nên có đề án để chạy theo chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm của Chính phủ để làm luôn. Nếu không tranh thủ ngay trong kế hoạch trung hạn lần này thì phải 5 năm tới mới lại có cơ hội trình.

TP Hà Nội cũng thống nhất sẽ đầu tư cho điện Kính Thiên nên đề nghị các giáo sư có đề án rất cụ thể, tập trung vào việc khôi phục”, ông Thành nói.

khai quat
Khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021 mang đến nhiều khám phá mới – Ảnh: T.ĐIỂU

Khẳng định rất ủng hộ phục dựng điện Kính Thiên, nhưng TS Phạm Lê Huy, khoa Đông phương học – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, nói việc phải làm nhanh rất quan trọng và không thể đòi hỏi chính xác 100% nhưng nếu vội quá cũng không được.

“Chúng ta đã có hai bài học quốc tế nổi bật, như việc Trung Quốc phục dựng lại cung Đại Minh. Sau khi khai quật khảo cổ mới phát hiện họ đã phục dựng sai”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, cần phải đẩy nhanh việc phục dựng điện Kính Thiên nhưng cũng phải rất cẩn thận, phải đẩy mạnh khai quật khảo cổ học kết hợp nghiên cứu lịch sử.

Kết luận hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – cho rằng quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội gần đây về việc phục dựng điện Kính Thiên là một thuận lợi cho các nhà khoa học.

Trước đây, Hội đồng tư vấn văn hóa và khoa học của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã bàn phải lập một bộ phận nghiên cứu về việc khôi phục điện Kính Thiên, bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn.

Ông Cường cho rằng cần thúc đẩy việc thành lập bộ phận này, đồng thời tiếp tục làm các khai quật khảo cổ và tìm trong tư liệu lịch sử của Việt Nam và nước ngoài để phục vụ việc phục dựng điện Kính Thiên.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên Thiên An thời Lý, Trần.

Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.

Sau ngày 10-10-1954, khi quân ta vào tiếp quản thủ đô, khu vực này trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng.

Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại một phần diện tích khu vực trung tâm (trục chính tâm) thành cổ Thăng Long – Hà Nội cho UBND TP Hà Nội quản lý. Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Theo Tuổi trẻ

Bài viết cùng chủ đề:

    6 5

    Luỹ tre, cây đa, giếng nước, cổng làng

    Trong quá trình đô thị hóa, người ta phải chấp nhận nhiều sự thay đổi cho phù hợp với nhịp sống chung của xã hội. Nhưng chắc chắn một điều, các biểu tượng văn hóa làng quê Việt như cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình cổ kính… đã ăn sâu vào tiềm thức,...
    3 16

    Cổng làng trong phố: di sản kiến trúc cần được gìn giữ

    Giữa nhịp sống hối hả của phố phường, giữa những tòa nhà cao tầng, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Nhắc đến cổng làng là nhắc đến một biểu tượng độc đáo của văn hóa làng quê Việt. Báu vật của thời gian Đi giữa...
    2 13

    Thảm thực vật đẹp mê mẩn trên đường trekking đỉnh Lùng Cúng

    Chọn lối trekking leo đỉnh Lùng Cúng ít người biết tới, đoàn khách du lịch bao gồm nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cung hết sức bất ngờ với cảnh sắc xuyên suốt cung đường mòn.  Lùng Cúng (thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là điểm cao nhất trong dãy Hoàng Liên...
    9d6f8fb2 b00f 4932 ad4d 367cc2ca12e4

    Kiến trúc điêu khắc độc đáo của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi ở Nam Định

    Nam Định – Mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện có giá trị kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan tiêu biểu và hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật lịch sử quan trọng. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện...
    1

    Những cây di sản ở xã Hải Bắc

    Trước những đổi thay của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, xã Hải Bắc (Hải Hậu) vẫn lưu giữ được nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Những cây di sản nơi đây không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị...

Được quan tâm