Phát huy giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Huyền Linh 105 lượt xem 23 Tháng Bảy, 2024

Để phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, các cấp, ngành cũng cần chú trọng tới việc làm thế nào để giữ gìn nét đẹp của văn hóa làng quê Việt Nam, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nông thôn truyền thống và NTM. Có như vậy, mới giữ được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, đồng thời tạo ra những yếu tố hiện đại, phù hợp với nhu cầu con người và xu thế phát triển.

Trong dòng chảy của văn hóa, nông thôn xưa nay luôn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, đa dạng, phong phú. Những giá trị truyền thống đó chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh, là bản sắc vững bền của văn hóa làng xã ở nông thôn. Vì thế, xây dựng NTM không thể là công việc một sớm, một chiều, mà cần có những bước đi cụ thể, mang tính bền vững, trong đó việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống là hết sức quan trọng, nhằm tạo ra một mô hình NTM phát triển hài hòa, bền vững và có sự tương hỗ giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa.

Nói như ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa; tổ chức cộng đồng khác với nông thôn của vài chục năm trước. Một nông thôn chứa đựng những điều tốt đẹp nhưng cũng chứa đựng cả những bất cập. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, hiện đại, cần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp, đồng thời dần loại bỏ những thói quen, hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp…

4 10
Cây Muỗm 350 năm tuổi ở đình Ngò (thôn 1, Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường trao bằng công nhận Cây di sản.

Đô thị hóa nông thôn, vẫn giữ được dáng vẻ, nét đẹp vốn có của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều đó có nghĩa, quá trình xây dựng NTM thực chất chính là quá trình xây dựng văn hóa ở nông thôn trong giai đoạn mới. Nói, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn thực sự là nền tảng, là động lực cho mục tiêu xây dựng nông thôn Hà Nam ngày càng phát triển bền vững là vậy.

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Tính đến 30/6/2024, tỉnh Hà Nam đã công nhận cho 100% số xã (83/83 xã) đạt chuẩn NTM; 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 19 xã đạt NTM kiểu mẫu; Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố, thị xã) đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020;130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 32 triệu đồng/người/năm; nghèo đa chiều ước còn 2,2%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt khoảng 93,7%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 94,3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 99,6%…

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, các xã đã huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới đưa vào sử dụng trên 70 km đường giao thông nông thôn, 460 phòng học các cấp, 1 trụ sở UBND xã, 4 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 11 nhà văn hóa thôn, 3 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, từng bước thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết rác thải sinh hoạt… đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Cùng với quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn, các hoạt động văn hóa ở khu vực nông thôn cũng ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng; công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM và đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, hiệu quả.

Tuy nhiên, trước những tác động của đời sống hiện đại, sự sáp nhập về địa giới hành chính, văn hóa làng xã Hà Nam đang đối diện nhiều thách thức. Không ít giá trị từng được xem là tiêu biểu của cộng đồng làng, xã nay được nhìn nhận như những rào cản trên con đường phát triển. Thêm nữa, sự du nhập những yếu tố văn hóa ngoại lai cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm phai nhạt nét đặc trưng của văn hóa làng, xã. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự lan tỏa của mạng xã hội, không cần ra khỏi làng, người dân vẫn có thể tiếp cận với rất nhiều giá trị văn hóa trong nước và trên thế giới. Bên cạnh những yếu tố tích cực như làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân thì sự du nhập của văn hóa ngoại lai cũng có ít nhiều những tác động tiêu cực trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền. Vậy làm sao vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, vừa thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM theo hướng hiện đại?

Khi bàn về văn hóa làng, trước hết chúng ta cần phải hiểu, nhà – làng – nước là những thực thể gắn bó chặt chẽ với nhau từ xưa đến nay và sau này cũng sẽ thế, không thể tách rời. Đó chính là khối đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh Việt Nam. Làng chính là căn cốt của nước Việt. Nếu không giải quyết tốt sự phát triển của làng, thì sẽ không tạo được động lực thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Nhận định về vấn đề này, nhà văn Lê Thanh Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội văn xuôi (Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam) cho rằng: Thực tế, đời sống văn hoá ở nông thôn hiện nay rất phong phú, tích cực không còn khoảng cách xa so với thành phố như trước. Tuy nhiên, nó vẫn mang màu sắc văn hoá đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó là nền văn hoá làng xã. Vấn đề hiện nay là, một số tiêu chí mục tiêu phấn đấu NTM, các làng, xóm, cụm dân cư văn hoá… chưa đi vào thực chất mà vẫn dưới dạng phong trào. Các chỉ tiêu này từ khi ra đời và mãi đứng yên trước sự thay đổi cuộc sống đang diễn ra từng ngày, từng giờ cho nên các tiêu chí cũng cần thay đổi theo cho phù hợp với đời sống hiện đại. Khái niệm văn hoá rất rộng, các vỉa tầng cũng rất sâu và cuộc sống hiện đại đang tiệm cận rất gần với lối sống văn hóa hiện đại. Thay đổi một vài tiêu chí là cần thiết, phù hợp…

Mỗi địa phương có một xuất phát điểm về kinh tế và văn hóa khác nhau, điều quan trọng là làm thế nào để huy động được sức mạnh nội sinh trong dân, để người dân được nói lên tiếng nói của mình, được tham gia, đề xuất kế hoạch xây dựng kinh tế, văn hóa phù hợp với điều kiện của địa phương. Bởi, nguồn nội lực đủ mạnh chính là nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển ở các vùng nông thôn, bảo đảm hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Theo Hà Nam Online

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm