Trước những đổi thay của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, xã Hải Bắc (Hải Hậu) vẫn lưu giữ được nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Những cây di sản nơi đây không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái, mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bao thế hệ dân làng qua năm tháng.
Danh hiệu Cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam triển khai công nhận từ năm 2010. Sau hơn 22 năm, cả nước đã có hàng nghìn cây di sản thuộc gần 100 loài được công nhận, riêng tỉnh Nam Định đã có hàng trăm cây, trong đó xã Hải Bắc được công nhận có 7 cây di sản, là 1 trong những xã có nhiều cây di sản nhất tỉnh. Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa, cây đề đứng sừng sững ngay trước cổng làng và nhà văn hóa xóm 10 đã trở nên gần gũi, thân quen và là một phần ký ức của mỗi người dân Hải Bắc. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2015, 2 cây bồ đề, cây đa tía, cây đa long trong khuôn viên Đền Trần Hưng Đạo, xóm 10 và cây nhãn nằm trong di tích lịch sử Đền – Chùa Xã Hạ là 5 cây đầu tiên của huyện được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã”. Ngay khi được công nhận là cây di sản, các cây cổ thụ được UBND xã giao cho Ban quản lý di tích và các Tiểu ban quản lý cây di sản ở dưới xóm trực tiếp chăm sóc, bảo vệ. Với tuổi đời từ 200-500 năm, những di sản ấy đã đồng hành với bao thế hệ, chứng kiến những thời khắc quan trọng của mảnh đất Hải Bắc, từ cái nôi cách mạng của huyện Hải Hậu trong quá khứ, đến khi trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới hôm nay. Điều đặc biệt, 5 cây di sản được tôn vinh lại nằm trong chốn linh thiêng, ở vị trí đắc địa có không gian rộng rãi thoáng đãng, bên cạnh cây cầu uốn cong và dòng sông Đông Cường xanh mát, một làng quê thanh bình vẫn còn lưu giữ đầy đủ hình ảnh “cây đa – bến nước – sân đình”.
Đến năm 2018, cũng tại xã Hải Bắc, 2 cây thị ở đình làng xóm 12 tiếp tục được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh cây di sản. Đây là những cây cổ thụ được các bậc tiền nhân trồng trong khuôn viên ngôi đình cổ Giáp Tây – nơi thờ nhị vị Bà chúa Thổ. Theo các bậc cao niên trong xóm cho biết, 2 cây thị được trồng cùng thời gian xây dựng đình Giáp Tây (khoảng năm 1511), có tuổi thọ gần 500 năm. Đây cũng là những cây mang ý nghĩa tâm linh, nên thường xuyên được người dân trong vùng đến chiêm bái. Các cây di sản không những là chứng tích thời kỳ khai hoang lấn biển mà còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân xã Hải Bắc nói riêng, huyện Hải Hậu nói chung. Trong kháng chiến chống Pháp, dưới gốc các cây cổ thụ đã diễn ra nhiều trận đánh chống càn của du kích địa phương. Trên đỉnh 2 cây thị, tháng 8 năm 1945, Việt Minh treo cờ đỏ, kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Nơi đây còn là địa điểm thành lập đội du kích Võ Thành năm 1947, anh dũng chống càn bảo vệ xóm làng. Trong thời kỳ chống Mỹ, du kích xã và bộ đội địa phương chọn các cây di sản làm chòi trinh sát, báo động máy bay địch cho nhân dân xuống hầm trú ẩn và lực lượng trực chiến sẵn sàng chiến đấu, là địa điểm tập kết và giao quân hàng năm của huyện Hải Hậu. Nơi đây cũng là địa điểm đặt trụ sở làm việc đầu tiên của huyện Hải Hậu, năm 1888…
Nhận thức rõ giá trị, vai trò của cây di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những cây này đã được các cấp, ngành, nhân dân xã Hải Bắc nói riêng, huyện Hải Hậu nói chung tự giác, tích cực tham gia. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hải Bắc cho biết: “Với 7 cây di sản được công nhận, cán bộ, nhân dân trong xã luôn tự hào vì đã giữ gìn, bảo tồn được những “báu vật” có giá trị lịch sử và sinh vật học cao. Việc gìn giữ, phát huy giá trị những cây này không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ, mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử”. Việc 7 cây cổ thụ tại xã Hải Bắc được công nhận là cây di sản Việt Nam còn góp phần lưu giữ những nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm. Không chỉ tôn vinh những giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa, việc công nhận cây di sản còn góp phần khuyến khích sự tham gia sâu rộng của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên.
Cây di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, các cây di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí lớn, trong khi việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhiệm. Để tiếp tục bảo vệ, lưu giữ các cây di sản Việt Nam, cấp uỷ, chính quyền xã Hải Bắc tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín thực hiện tuyên truyền sâu rộng công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản đến mỗi người dân, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan xung quanh khu vực. Khuyến khích các thôn, xóm đưa nội dung bảo vệ cây di sản, cây cổ thụ vào hương ước, quy ước, tiến tới xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ cây cổ thụ và cây di sản. Tăng cường phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn cây di sản, di tích – danh thắng, từng bước hình thành ý thức quý trọng cây cổ thụ, cây di sản cho các tầng lớp nhân dân./.