Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) luôn tự nhận mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở một làng biển có nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc như Lễ hội cầu ngư, chèo bả trạo, hội đua thuyền… Từng chứng kiến sự phát triển rồi mai một dần các điệu hát chèo bả trạo, ông Vũ Huy Bình dành quãng đời còn lại để phục hồi nghệ thuật chèo bả trạo, gom lại thành tuyển tập “Âm vang một vùng biển”.
“Nhóm lửa” cho nghệ thuật chèo bả trạo
Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình (72 tuổi) đã dành hơn 50 năm cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ông luôn tự hào khi sinh ra và lớn lên trên quê hương có nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc như Lễ hội cầu ngư, Giỗ Thần Nam Hải, chèo bả trạo , múa Gươm, Hội đua thuyền, Lễ Đưa Linh,… Ông vừa hoàn thành cuốn tuyển tập “Âm vang một vùng biển”, ghi chép và phục dựng lại nghi thức “Lệ Thanh Minh”, “Lễ Đưa Linh”, Hội bài chòi, Chèo bả trạo… các bài văn tế và các trò chơi dân gian truyền thống. Ông thành lập câu lạc bộ “Văn nghệ dân gian” tại địa phương và củng cố lại dàn nhạc bát âm để phục vụ cho hoạt động này.
Chặng đường hình thành tuyển tập “Âm vang một vùng biển” là nỗi lòng và tâm huyết của Nghệ nhân ưu tú cả đời gắn bó với nghệ thuật văn hóa truyền thống. Ông Bình nhớ lại, khi còn trẻ, ông theo cha và anh trai đi xem các ngày lễ hội của làng. Ông còn nhớ những câu hò chèo thuyền “Thuyền ta vượt sóng ra khơi/Vẫy vùng sông nước biển trời mênh mông/Mịt mùng khói tỏa vầng trăng/Gió hiu trước mặt mây giăng biển trời/…” Những câu hò, câu chèo đã nuôi dưỡng tâm hồn ông cho đến khi lớn lên rồi mang duyên nợ với nghề. Ông Bình cho biết: “Tôi đã có những năm làm diễn viên không chuyên, rồi làm công tác văn hóa ở xã, ở huyện. Sau đó chuyển công tác vào các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông làm trong ngành văn hóa rồi lại về quê làm phát thanh-truyền hình cho đến lúc về hưu năm 2013”.
Khi về hưu, có nhiều thời gian, ông Bình thường xuyên gặp các bô lão trong làng để sưu tầm, ghi chép lại những bài hát chèo nhằm phục hồi lại các điệu hát chèo bả trạo. “Chèo bả trảo đa phần truyền miệng nên bản gốc không còn nhiều. Các cụ chỉ nhớ được vài câu, nhớ câu nào thì hát ra câu đó để tôi chép lại. Sau đó, tôi lại phải nhờ một người thầy hiểu chữ Hán Nôm dịch ra chữ quốc ngữ. Nhờ có bản dịch, tôi bắt đầu biên soạn trong suốt thời gian dài”, ông Bình cho biết.
Cơ duyên lớn nhất là khi ông gặp gỡ Đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đà Nẵng- VTV Đà Nẵng (nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng), do Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao làm Trưởng đoàn về làm phim tại vùng cửa biển Sa Cần. “Khi biết anh Giao muốn tìm làng biển có cả lăng thờ Thần Nam Hải, chèo bả trạo, múa Gươm, tôi đã nghĩ ngay đến làng biển quê mình và hứa sẽ đưa anh về làng biển quê tôi. Dịp đó là ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm 1995, ngày Giỗ Thần Nam Hải của vạn chài, Đoàn làm phim đã về trước đó 5 ngày để phối hợp cùng tôi tổ chức, quay phim”, ông Bình nhớ lại.
Ông Bình cho biết, Đoàn làm phim đã thực hiện bộ phim tài liệu “Biển hát”, công chiếu nhiều lần trên kênh VTV 3- Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là lần đầu tiên văn hóa truyền thống, văn hóa làng biển được khán giả, bà con quê hương tiếp cận gần hơn, nhanh chóng lan tỏa, vươn xa trong cộng đồng.
“Âm vang một vùng biển” giữ lại cho đời sau
Lật cuốn “Âm vang một vùng biển”, ông Bình giải thích, chèo Bả Trạo thường diễn ra tại Lăng thờ “Thần Nam Hải” hoặc cửa biển. Một kịch bản chèo bả trạo có 4 lớp gồm: Tạ ơn thần Nam Hải; Đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá; Thuyền gặp con sóng ba đào và cầu cứu thần Nam Hải; Thuyền cập bến bình yên. Những người cầm đầu đội bả trạo này là tổng tiền (tổng mũi, tổng hậu (tổng lái) và tổng thương (tuần thuyền). Nhiệm vụ tổng tiền là lo việc nhìn trời trăng mây nước, nhìn sao nhìn núi để đưa thuyền đi đúng hướng, tìm đúng luồng cá, cũng là người có vai trò quan trọng trong đội chèo bả trạo.
Phục dựng và bảo tồn chèo bả trạo cũng như các bài chòi, nghi lễ truyền thống làng biển đã được ông Bình giữ gìn và khôi phục lại. Hằng năm, vào ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch, vạn chài Hải Ninh lại tổ chức “Lễ hội cầu ngư” và “Giỗ Thần Nam Hải”, đến nay đã có 40 người biết hát chèo bả trạo, hát dân ca, bài chòi và tổ chức các trò chơi dân gian. Những thành công ban đầu là tiền đề khơi dậy sức sống nghệ thuật dân gian, để loại hình nghệ thuật thật sự sống được trong đời sống của người dân, giúp thế hệ trẻ yêu thích và nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những gì cha ông để lại.
Theo baodantoc.vn