Làng chài nhớ thương…

trần lâm 116 lượt xem 18 Tháng Mười, 2023

Làng chài bình dị đã gắn bó với tôi từ những ngày còn thơ ấu, tôi theo mẹ mua cá về bán ở góc chợ nhỏ mái rạ liêu xiêu.

Cuộc mưu sinh của hai mẹ con tôi bắt đầu từ khi trời còn chưa tỏ mặt người, mẹ thức dậy trước để chuẩn bị đầy đủ thau, rổ, đôi quang gánh… cho buổi đi chợ. Tôi thức dậy sau, kịp khoác lên mình chiếc áo ấm cho đỡ lạnh. Thông thường, tôi và mẹ sẽ tranh thủ đến bến cá sớm hơn để xách những thùng nước biển chuẩn bị sẵn trước khi thuyền cập bến. Ngày đó, bến cá vẫn còn hoang sơ, chỉ là bãi biển xanh với hàng cát trắng dài, muốn đưa cá vào bờ ngư dân phải chèo lái những chiếc thuyền thúng.

1
Cuộc sống mưu sinh của người dân làng chài . Ảnh: Bá Ngọc

Thuyền vừa cập bến cũng là lúc những giỏ cá tươi được đưa lên bờ. Mọi người xúm lại, tranh nhau để chọn mua cho mình những giỏ cá ngon ưng ý. Mẹ và tôi cũng chen ngang vào giữa đám đông. Vợ chủ thuyền đã đợi sẵn và chuẩn bị giấy bút để ghi lại số lượng các giỏ cá. Cuộc thách giá của chủ thuyền và sự ngả giá của người mua diễn ra trong tích tắc, để cá tươi được nhanh chóng mua về cho kịp bán. Mẹ tôi cũng nhanh tay mua được giỏ cá mình ưng ý, vì nếu lỡ chần chừ chậm chân một chút thôi là sẽ không còn cá để mua. Trong lúc mẹ và tôi đang vội vàng rửa cá cho kịp giờ ra chợ thì nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chú chủ thuyền. Dường như hiểu được sự gấp gáp trong công việc bán buôn, chú nhanh tay rửa cá cùng tôi và mẹ.

2
Sự kiên cường và mạnh mẽ của những con người nơi đầu sóng ngọn gió.

Trên đoạn đường phụ mẹ gánh cá mang ra chợ bán, tôi ngửi được mùi thơm của cá từ các lò hấp, mùi tanh nồng của cá cơm mới phơi. Những con cá cơm sau khi được phơi khô hoặc hấp chín sẽ được các thương lái mang sang các tỉnh xa để bán. Khắp làng chài còn phảng phất hương thơm của một loại nước mắm gia truyền. Đó là thứ mùi đậm đà, nồng nàn, vướng vít lòng tôi để mỗi lần đi xa quê, tôi luôn nhớ mà tìm về. Sau thời gian dài buôn bán ở làng chài, mẹ tôi học được cách muối nước mắm từ những con cá cơm. Tôi theo mẹ buôn bán từ nhỏ nên cũng biết được các công đoạn để làm ra những chai nước mắm hấp dẫn.

Nuôi dưỡng tâm hồn người con xứ biển

Mưu sinh ở làng chài, mẹ học được cách làm món gỏi cá cơm để về trổ tài cho cả nhà. Mẹ chọn những con cá cơm than to và tươi ngon nhất, bỏ đầu, ruột, xương cá rồi rửa sạch. Sau đó, cho cá vào tô nước chanh pha loãng, ngâm đến khi thân cá ngả màu trắng rồi vớt ra, để ráo. Trong lúc mẹ sơ chế cá, tôi phụ mẹ thái mỏng hành tây rồi trộn cùng với giấm, đường, nước cốt me. Điểm đặc biệt để tạo nên hương vị đặc trưng chính là nước lèo được làm từ chính đầu, ruột và xương của cá cơm. Đem tất cả chúng hòa với một ít nước rồi luộc, lọc lấy nước cốt, thêm vào tỏi, hành phi cùng sốt cà chua thái nhuyễn, nêm nếm vừa ăn. Cuối cùng, trộn cá tươi với đậu phộng rang, hành tây cắt nhỏ cùng ít rau thơm, rau quế và vài lát ớt mỏng. Gỏi cá cuốn bánh tráng cùng rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, cả nhà ai cũng thích ăn.

3
Trẻ con gỡ lưới thu hoạch cá khi thuyền cập bến.

Làng chài thân thương của tôi, không chỉ là nơi mẹ tôi tất tả mưu sinh, mà ở đó, tôi còn học được bài học về lòng kiên cường, mạnh mẽ. Mỗi khi trăng rằm hay biển động ít cá, mẹ sẽ ở nhà. Không được ra làng chài vào những ngày ấy, dường như lòng mẹ dâng lên nỗi trống trải, tay chân cứ bứt rứt không yên. Chính sự chân chất, mộc mạc của làng chài đã nuôi dưỡng tâm hồn những người con xứ biển như tôi biết yêu hơn quê hương xứ sở, yêu biển cả mênh mông. Làng chài qua bao đời nay vẫn luôn dang tay ôm lấy những mảnh đời bình dị…

Trần Thị Thắm

Bài viết cùng chủ đề:

    2 14

    Cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế

    Ai về cầu ngói Thanh Toàn Cho em về với một đoàn cho vui Ca dao xứ Huế Thời Thuộc địa, một công chức người Pháp ở Huế, ông Edmond Gras, chịu khó đi tìm xem cầu ngói Thanh Toàn (cầu mái ngói) cách xa thành phố khoảng 10km. Ông đi ngựa cùng với một...
    tapchidangnho d5d503c8de8e37d06e9f

    Tục lệ Cúng Đất ở Huế

    Mẹ già lút cút lui cui Mua gà cúng đất đất xui mẹ giàu (Ca dao Huế) Hiện nay trong nhiều gia đình ở Huế vẫn duy trì tục Cúng Đất một cách thành kính. Lễ cúng này thường diễn ra vào tháng Hai hay tháng Tám âm lịch. Phải nói rằng Cúng Đất biểu...
    1 13

    Hồn quê

    Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng gà trống gáy vang trời, tiếng gà mái mẹ cục tác dẫn đàn con đi bới đất kiếm ăn là chúng tôi biết chắc rằng mặt trời phải lên cao tận đỉnh đầu. Nghe tiếng lọc cọc từ chiếc giỏ xe gắn hờ hững trước càng xe đạp, anh...
    4 10

    Phát huy giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

    Để phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, các cấp, ngành cũng cần chú trọng tới việc làm thế nào để giữ gìn nét đẹp của văn hóa...
    1 30

    Phiên chợ vùng cao

    Chợ vùng cao Tây Bắc thường họp từ 5 giờ sáng đến 15 – 16 giờ chiều thì chợ tan. Đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái… đều nô nức xuống chợ. Để đến được chợ, người dân phải dậy từ rất sớm và chủ yếu là đi bộ . Giữa mùa...

Được quan tâm