Kiến trúc độc đáo về cầu ngói 5 thế kỷ ở đất Thành Nam

Hoài Linh 208 lượt xem 15 Tháng Mười Hai, 2023

Trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, cầu ngói là công trình kiến trúc dân gian đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Ở đất Thành Nam hiện vẫn còn cây cầu ngói cổ kính, tuổi đời 5 thế kỷ với kiến trúc độc đáo.

Nếu như Hội An nổi tiếng chùa Cầu, tại Ninh Bình nổi tiếng cầu ngói Phát Diệm,… thì cầu ngói chợ Lương chính là di tích lịch sử nổi tiếng của mảnh đất Thành Nam. Với hơn 500 năm tuổi, vượt theo dòng thời gian, cầu ngói Chợ Lương vẫn giữ trọn vẹn được nét đẹp xưa, với kiến trúc độc nhất vô nhị theo chiều dài lịch sử.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cầu ngói chợ Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bắc qua sông Trung Giang, cách chùa Lương khoảng 100m. Cầu ngói cũng nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, từ lâu đã gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích nổi tiếng gần xa, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sỹ. Lịch sử của chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước ở vùng biển Hải Hậu.

gh
Cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bắc qua sông Trung Giang, cách chùa Lương khoảng 100m.

Cầu được xây dựng vào thời Lê, được mệnh danh là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Cây cầu từng đi vào câu ca:

 “Quần Anh nổi tiếng từ xưa Biển đình

Phong Lạc bia chùa Phúc Lâm

Khách về khách vẫn hỏi thăm

Nước chè cầu ngói, tơ tằm chợ Lương”.

Theo các tư liệu cổ, lúc đầu, cây cầu này chỉ đơn giản một cọc, chưa có mái ngói mà chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế kỷ XVII, cầu được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để phù hợp với cấu trúc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Cuộc trùng tu lớn nhất là vào năm 1922, cầu được lợp ngói.

wq1
Toàn bộ cầu gồm 9 gian uốn cong tựa cầu vồng, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân.

Toàn bộ cầu gồm 9 gian uốn cong tựa cầu vồng, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp vững chãi. Cùng với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung cầu cong cong uốn lượn mềm mại.

Hệ thống mái cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, từ xa nhìn lại như hình con rồng đang vươn mình bay lên. Cầu mặc dù được chạm, khắc đơn giản song vẫn thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền và bàn tay tài hoa của người thợ xưa với các hàng soi, đường chỉ ở các vì kèo, các con bảy, hàng xà, ván bưng tạo hình con bướm; đầu con song tạo dáng lá đề.

Lòng cầu rộng 2m gồm nhiều thanh gỗ lim trên hàng dầm uốn cong. Sàn cầu có nhiều thanh gỗ ngắn hơn được vuốt tròn cạnh tạo thành những điểm gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng được uốn cong theo thành cầu.

qqww
Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp vững chãi. Cùng với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung cầu cong cong uốn lượn mềm mại.

Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song dáng lá đề. Hành lang là nơi du khách và người dân có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước.

Cầu ngói chợ Lương còn gây ấn tượng đặc biệt với hình tượng cuốn thư trên hành trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” (tức cầu xã Quần Phương).

Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu. Cầu ngói là nơi đi lại và dừng chân để khách bộ hành nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước, làng quê. Vào mùa hè, cây phượng cạnh cầu ngói nở hoa đỏ rực càng làm cho cây cầu thêm nên thơ, hữu tình. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.

rty
Với những giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, cầu ngói chợ Lương đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1990.

Với những giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, cầu ngói chợ Lương đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1990.

Không chỉ là công trình kiến trúc cổ, những cây cầu ngói ở đất Thành Nam còn rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá. Vì vậy, nhiều năm qua, các địa phương luôn quan tâm trùng tu tôn tạo và gìn giữ giá trị của cầu ngói.

Trải qua thời gian với bao biến đổi thăng trầm, những cây cầu với mái ngói cổ kính vẫn vững chãi, trơ gan cùng tuế nguyệt, trở thành biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người dân tỉnh Nam Định.

Theo Báo Gia đình & Sức khỏe

 

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm