Khu vườn thơ Châu Hương Viên: Di tích hay phế tích?

Trần Thư 150 lượt xem 4 Tháng Sáu, 2021

Châu Hương Viên – khu vườn thơ từng ghi dấu Vĩ Hương thi xã và Hương Bình thi xã, nơi gắn bó tên tuổi danh nhân xứ Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị được công nhận di tích lịch sử gần 2 năm trước. Kể từ đó, di tích trong tình trạng phế tích này vẫn đằng đẵng nỗi xót chờ được tu bổ, hoặc chờ sập đổ.

Mái hiên trước cũng tàn lụi, trơ lại phần gỗ mủn mục
Mái hiên trước cũng tàn lụi, trơ lại phần gỗ mủn mục

Di tích hay phế tích

Từ con phố Nguyễn Sinh Cung chạy dọc sông Hương qua phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, từ bao nay có một phố nhỏ rẽ qua “đảo ngọc” Cồn Hến mướt xanh mang tên Ưng Bình – một thi sĩ, danh nhân xứ Huế.

Ưng Bình tức Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình. Ông sinh ra tại thôn Vĩ xứ Huế, là một vương tôn của nhà Nguyễn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Đây là gia đình có truyền thống văn chương.

Theo các tài liệu, Ưng Bình tốt nghiệp Trường Quốc học Huế năm 1904, sau đó đỗ đầu kỳ thi Ký Lục. Năm 1909, ông đỗ cử nhân Hán học và bắt đầu con đường quan lộ. Từ Ký Lục, Ưng Bình được bổ làm tri huyện, thăng tri phủ, rồi lần lượt thăng Viên ngoại, Thị lang, Bố Chánh Hà Tĩnh, Tuần phủ Phú Yên, Phủ doãn Thừa Thiên. Năm 57 tuổi (1933) ông hồi hưu, được thăng hàm Thượng Thư Tri Sự. Năm 1943, ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ. Ông là người đứng đầu thi đàn Vĩ Hương thi xã (1933-1945) và Hương Bình thi xã từ 1951 cho đến cuối đời. Thi đàn Hương Bình thi xã đặt tại khu vườn nổi tiếng mang tên Châu Hương Viên.

Là nhà thơ nổi tiếng xứ Huế, Ưng Bình để lại cho đời gần 2.000 bài thơ bằng quốc ngữ và chữ Hán. Ông cũng được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba. Ưng Bình có những đóng góp to lớn cho văn hóa Huế, ca Huế, đặc biệt là công lao hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Tác phẩm của Ưng Bình có mặt nhiều nơi, từ câu hò giã gạo ở các làng quê đến những buổi ca Huế thính phòng sang trọng, ca Huế trên sông Hương…

Cụ Ưng Bình và một người con trước cổng Châu Hương Viên một thuở. Ảnh: tư liệu
Cụ Ưng Bình và một người con trước cổng Châu Hương Viên một thuở. Ảnh: tư liệu

Ghi nhận những đóng góp nổi bật đó, dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Ưng Bình (1877-1997), chính quyền thành phố Huế đã đề xuất lấy tên ông đặt tên đường phố. Đến năm 2001, đề xuất này đã thành hiện thực khi UBND tỉnh TT-Huế ra quyết định về việc đặt tên đường Ưng Bình ở Huế. Theo đó, con đường nối từ điểm đầu đường Nguyễn Sinh Cung đến điểm cuối gặp bờ sông Hương (băng qua Cồn Hến, Vĩ Dạ) có chiều dài 450m, rộng 7m, có tên Ưng Bình.

Cách đường Ưng Bình không xa hướng về cuối dòng Hương phía chợ Dinh nổi tiếng một thời (Phú Thượng, huyện Phú Vang) là Châu Hương Viên – nơi gắn bó những ngày tháng cuối đời và nghiệp thi phú văn nghệ sau khi rời chốn quan trường của cụ Ưng Bình. Nếu con đường mang tên Ưng Bình là sự tri ân, vinh danh về một nhân vật tài hoa, có nhiều đóng góp cho văn hóa Huế thì Châu Hương Viên với tình trạng hiện nay là một nỗi buồn nhuốm màu lãng quên của thời gian và con người.

Trước khi được công nhận là di tích lịch sử vào cuối năm 2019, Châu Hương Viên là một phế tích hoang tàn đổ nát đến nao lòng. Tình trạng này vẫn chưa có gì thay đổi cho tới hôm nay, thậm chí có thể trầm trọng hơn. Báo chí một thời liên tiếp lên tiếng kêu cứu, xót thương cho một công trình hoang phế từng một thời gắn bó với danh nhân đất Huế. Để rồi ngay như Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ sau khi tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn về hiện trạng đáng báo động của Châu Hương Viên cũng phải sốt ruột và tìm về thăm, kiểm tra vào tháng 10/2019. Lần về thắp nén nhang tưởng niệm người xưa giữa chốn đổ nát hoang tàn đó, ông Thọ đã chỉ đạo ngay các đơn vị liên quan sớm xác định lại cụ thể và chính xác diện tích Châu Hương Viên; nghiên cứu, khảo sát toàn bộ công trình để sớm có phương án trùng tu, nhằm cứu lấy một địa chỉ văn hóa bị xuống cấp. Không lâu sau đó, Châu Hương Viên được công nhận di tích lịch sử…

Trước đó, vào tháng 11/2020, HĐND tỉnh TT-Huế từng ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh TT-Huế, đơn vị đã tổng hợp danh mục công trình này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, dự án sẽ sớm được bố trí vốn để thực hiện trong thời gian tới.

Trước đó, trong dịp lễ giỗ cụ Ưng Bình diễn ra hơn hai năm trước (4/2019), các nghệ sĩ Huế khi về thăm, dâng hương tưởng niệm người xưa đã không nén được nỗi xót xa trước cảnh hoang phế, đổ nát của một nơi vốn là thi đàn “Hương Bình thi xã” do chính cụ Ưng Bình chủ trì. Khuôn viên bị biến dạng, thu hẹp đi rất nhiều bởi tình trạng lấn chiếm sau khi Châu Hương Viên không có người coi sóc trong một thời gian rất dài đến cả nửa thế kỷ. Ngôi nhà rường ba gian hoang phế, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ngói lợp phía mái sau rơi rụng gần hết, nên ban thờ đặt di ảnh cụ Ưng Bình phải dịch chuyển dựng tạm về dưới phần mái phía trước ngôi nhà, làm nơi hương khói cho thi sĩ, danh nhân này. Lần đó, khi thắp nén hương lên ban thờ làm bằng chiếc bàn cũ dựng tạm trong ngôi nhà đổ nát, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Võ Quê và nhiều anh chị em văn nghệ sĩ Huế đã không cầm được nước mắt.

Cứu Châu Hương Viên, bao giờ?

Tháng 4 vừa qua là dịp kỷ niệm tròn 60 năm ngày mất của cụ Ưng Bình. Các nghệ nhân, nghệ sĩ Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng lại về Châu Hương Viên để dâng hương, tưởng niệm thi sĩ, danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị tại ngôi nhà hoang phế ở địa chỉ 355 đường Nguyễn Sinh Cung, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Những bài bản ca Huế với giai điệu đượm buồn ngân lên trong căn nhà đổ nát càng khiến nhiều người nhói lòng xót xa ngậm ngùi…

Tôi rời Châu Hương Viên với nỗi ám ảnh về sự đổ nát, hoang lạnh cùng câu hỏi bao giờ nơi đây được “cứu”? Mang nỗi lòng người dân đến gặp các cơ quan chức năng địa phương, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho hay, dự án trùng tu, bảo tồn di tích Châu Hương Viên hiện được Sở này phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện công tác chuẩn bị, các thủ tục đầu tư cũng đã hoàn thành. “Chúng tôi mong UBND tỉnh quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để dự án có thể triển khai ngay trong năm 2021 này”, Giám đốc Phan Thanh Hải đề nghị.

Theo Tiền Phong

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm