Đề xuất các giải pháp tạo lập không gian kiến trúc bền vững cho cộng đồng cư dân làng cổ Phong Nam

Hoài Linh 249 lượt xem 12 Tháng Một, 2024

Đặt vấn đề

Xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc luôn được chính phủ quan tâm1, nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa, kiến trúc, tạo lập được những không gian kiến trúc, đô thị bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

23A12085 02
Bản đồ Thôn Phong Nam, Xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Nguồn: Tác giả)
23A12085 03
Ảnh chụp vệ tinh thôn Phong Nam giai đoạn 2002-2015-2023 (nguồn: Google map)

Trước bối cảnh đó, Đà Nẵng đã có những chính sách phát triển đột phá, mạnh mẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, sáng tạo và đổi mới các sản phẩm, không ngừng học tập kinh nghiệm để phát triển ngày càng bền vững. Thành phố (TP) đã có nhiều giải pháp đồng bộ trên khắp các quận huyện với mục tiêu nghiên cứu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương, nhiều sản phẩm du lịch được đầu tư, các công trình văn hóa lịch sử được tôn tạo, hệ thống giao thông được kết nối… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

23A12085 01
Các di tích tiêu biểu trên địa bàn Thôn Phong Nam

Nằm ở phía Tây TP, là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, huyện Hòa Vang đã xây dựng kế hoạch và quyết tâm phát triển thành Thị xã vào năm 20252. Trong đó, nhấn mạnh đến nhân tố con người là then chốt, văn hóa và bản sắc là quan trọng. Chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ3 đã được những kết quả nhất định. Trong đó có nội dung nghiên cứu và tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử của Làng cổ Phong Nam nơi có nhiều công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, cảnh quan và đời sống sinh hoạt truyền thống đặc sắc… cần được nghiên cứu và bảo tồn. Bài báo mong muốn chỉ ra các giá trị đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan Làng cổ Phong Nam, đề xuất các giải pháp tôn tạo cảnh quan và tạo lập không gian kiến trúc bền vững cho cộng đồng dân cư.

Giới thiệu chung

23A12085 04
Đường bao quanh Làng Phong Nam (Nguồn: Tác giả)

TP Đà Nẵng có 06 quận và 02 huyện. Trong đó, Hòa Vang là huyện nông nghiệp4 có diện tích 733,17 km2; dân số: 151.159 người, mật độ dân số: 206 người/km2. Hiện nay, huyện Hòa Vang gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã5 với nhiều di tích lịch sử – văn hóa6, lễ hội văn hóa truyền thống7 và các thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng8.

Làng cổ Phong Nam thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang trong lịch sử phát triển là nơi có kinh tế trù phú, là một trong những làng cổ còn giữ được các giá trị văn hóa lịch sử và ít bị biến đổi trong quá trình đô thị hóa. Vì vậy, huyện Hòa Vang quyết tâm tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử của Làng cổ Phong Nam trở thành thế mạnh và đặc trưng, là điểm đến du lịch, quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện theo hướng bền vững.

Thôn Phong Nam có diện tích 1,62km2 hiện có 848 hộ (hơn 3185 nhân khẩu) được chia thành 10 tổ dân cư, nằm ở Trung tâm xã Hòa Châu. So với cách đây hơn 20 năm thì thôn Phong Nam đã có những thay đổi vượt bậc về hạ tầng, hiện trạng nhà ở và điều kiện đô thị… theo hướng ngày càng khang trang, hiện đại.

Hạ tầng giao thông với 01 tuyến đường chính rộng 5,5m dài 1,4km; 66 tuyến đường bê tông nhỏ thôn, xóm (24 kiệt và 42 hẻm rộng từ 3m đến 5m có tổng chiều dài 3.770m); tỷ lệ cây xanh hai bên đường đạt 85 %. Thôn có 3 tuyến đường giao thông nội đồng bao bọc quanh làng tạo thành hình vòng tròn nhìn tầm mắt ra đồng lúa bạt ngàn, xanh mướt, với các khóm tre xanh, hàng cau, chè Tàu và các loại cây truyền thống khác đã tạo nên điểm nhấn nổi bật, thuận lợi trong việc giữ gìn nét đẹp của làng quê và xây dựng mô hình “Làng trong phố, phố trong làng”. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng tác động không nhỏ đến các công trình, di tích lịch sử; không gian cảnh quan làng quê nông thôn bị biến đổi, nhiều đặc trưng văn hóa làng Việt dần bị thay thế; kiến trúc thiếu đồng nhất và không tạo được tổng thể hài Hòa với thiên nhiên… đó là điều lo lắng nhất của chính quyền và người dân Làng cổ Phong Nam nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung.

Các giá trị văn hóa của làng cổ phong nam cần được gìn giữ

Lịch sử hình thành

Làng cổ Phong Nam là một phần phía Nam của làng Phong Lệ, trước đây từng có tên gọi là “Đà Ly xứ”, “Nam giáp Trà Kiệu, Bắc giáp Sơn Trà, Tây giáp Núi Chúa và Đông giáp Ngũ Hành Sơn”. Nhưng do không còn giữ được sắc phong và các tài liệu khác nên hiện nay ngay cả những người cao tuổi nhất trong làng cũng không thể nhớ và biết về lịch sử lập làng mình. Họ chỉ còn nhớ và biết một số điều do truyền khẩu. Làng có thờ ba vị tiền hiền – là những người có công “khai hoang lập đất” cho làng, sau đó, có thêm mười ba tộc họ nữa gồm 4 tộc Lê, 5 tộc Ngô, tộc Phùng, Ông, Nguyễn, Võ; sau này có thêm 4 tộc họ nữa là: 2 tộc Trần, tộc Phan, tộc Bùi. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), tên Đà Ly đổi thành làng Phong Lệ, năm Thành Thái thứ 8 (1896), Phong Lệ được chia thành hai làng là Phong Bắc và Phong Nam. Việc chia tách làng Bắc, Nam trên lĩnh vực hành chính nhưng mọi sinh hoạt cộng đồng thờ cúng cũng như nam công dân đến tuổi đều nhận ruộng công điền tại Phong Nam… tất cả đình chùa, miếu võ, nhà thờ Tiền Hiền đều xây dựng tại Phong Nam.

Công trình kiến trúc

  • Làng Phong Nam hiện nay còn nhiều đình, miếu, nhà thờ, nhà cổ như: Đình Thần Nông10; Miếu Thái Giám, Nhà thờ Tiền Hiền (thờ 17 Chư phái tộc), Lăng Âm linh, Cồn Thần, Miếu bà Giàng… gắn với các lễ hội, tích xưa của dân làng. Hiện nay, tại làng còn 05 nhà cổ11 với lối kiến trúc nhà 03 gian, mái ngói lợp âm dương, nền đất, trụ gỗ hoặc đá được chạm khắc kỳ công. Ngoài các nhà cổ, ở làng Phong Nam còn có gần 125 nhà ba gian, một số nhà có kết hợp nhà ba gian và nới thêm một phần nhà có tầng, gác để ngôi nhà kiên cố thích ứng với khu vực trũng lụt, bão.
23A12085 05
Công trình nhà cổ tại thôn Phong Nam (nguồn: Tác giả)
  • Đình Thần Nông (hay còn gọi là Đình Phong Lệ): Được xây dựng vào cuối đời vua Minh Mạng bằng tranh, tre, nứa, lá. Năm 1933, thực dân Pháp xây dựng đường sát ngang qua trước mặt đình nên dân làng bàn nhau di dời đình về vị trí hiện nay. Sau đó, ngôi đình mới được xây dựng lại một cách kiên cố theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, với hệ thống vì kèo, cột gỗ được chạm khắc kỳ công.
23A12085 06
Đình thần Nông làng Phong Lệ (Nguồn: Tác giả)

Hình thức kiến trúc của đình theo hình chữ Đinh, gồm tiền đường, hậu tẩm và 5 gian thờ. Ngoài cùng là tiền đường, hai bên trái phải là gác chiêng, gác trống. Kết cấu bên trong đình là cột kèo bằng gỗ, có tấm Hòanh phi lớn sơn son thếp vàng có 03 chữ Hán “Phong Lệ Đình”, ở giữa chính điện thờ tiền hiền và hậu hiền là người có công khai khẩn, canh tác, khai cư lập địa. Sau cùng là phần hậu tẩm thờ thần Thành Hòang làng tức là Thần Nông – vị Tổ sư của ngành nông nghiệp.

23A12085 07
Mái đình thần Nông Phong Lệ (Nguồn: Tác giả)

Các góc của mái đình được trang trí uốn theo hình tượng cong của chiếc sừng trâu, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa đây là làng mang đặc trưng về nông nghiệp truyền thống khác với mô-típ truyền thống kiểu “Đầu đao” hoặc “Mũi thuyền” – Đây được xem là nét riêng về tạo hình của làng Phong Lệ. Trên các bờ nóc được trang theo kiểu “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng) và các họa tiết dây lá hoặc hình kỷ hà thi công đắp nổi kết hợp khảm sành sứ giúp họa tiết được bền, đẹp với thời gian. Với những đặc điểm đó, năm 2001, Đình được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật TP và đến năm 2007, Đình được công nhận di tích văn hóa – lịch sử cấp TP.

  • Nhà thờ Tiền Hiền: Làng Phong Lệ có thể được xây dựng12 khoảng năm 1582 tại một địa điểm đầu làng Phong Lệ về phía Tây, gian giữa thờ ba vị Tiền Hiền, hai gian tả hữu thờ 13 vị hậu hiền của quý Tộc, về sau tịnh hữu phát triển thêm 4 họ nữa là: Nhị Trần (có 2 họ Trần); Tộc Phan và Tộc Bùi. Những tộc họ đến sau tuy chưa có bài vị trong nhà thờ nhưng đều có nêu tên trong các bài văn tế cúng Xuân Thu nhị kỳ và chạp mã thường niên.
23A12085 10
Đền thờ tiền hiền Phong Lệ (Nguồn: Tác giả)

Ngoài Nhà thờ Tiền hiền, các chư phái tộc khác cũng có nhà thờ riêng như: Nhà thờ Lê tứ phái, nhà thờ tộc Ngô Văn, Ngô Văn 1, Ngô Văn 2, Ngô Tấn, Ngô Tất, Tộc Võ, Tộc Trần, Tộc Ông, Tộc Lê Văn.

23A12085 08
Các nhà thờ Tộc tại thôn Phong Nam (nguồn: Tác giả)
  • Miếu Thái Giám: Được xây dựng sau Đình Thần Nông, là nơi thờ thần Bạch Mã (vị thần giúp đỡ cho nhân dân sinh sống nghề sông biển);
23A12085 09
Miếu Thái Giám và cây Trâm trên 100 tuổi (nguồn: Tác giả)
  • Làng Phong Lệ trong lịch sử phía Đông giáp biển có một bộ phận cư dân thường đi biển, đi buôn bằng đường sông và đánh bắt cá trên sông nên dân làng lập miếu Thái Giám, thờ thần Bạch Mã mục đích nhờ thần giúp đỡ cho ngư dân làm ăn được mùa, hành nghề sông nước được tai qua, nạn khỏi (Lễ cúng được tổ chức hằng năm, vào mồng mười tháng 7 âm lịch). Cạnh Miếu có cây Trâm (Chim chim) là cây cổ thụ trên 100 năm tuổi tỏa bóng mát tăng thêm vẻ uy nghi.

Làng nghề truyền thống

Các nghề thủ công như: Tráng bánh, mì quảng, bánh ít lá gai, đan lát (tre) và các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi… vẫn còn duy trì với khoảng 400 hộ sản xuất theo mùa vụ. Trên địa bàn thôn có chợ quê Phong Nam, nơi diễn ra các hoạt động giao thương của bà con nhân dân mua bán các loại rau củ quả. Tình hình đời sống nhân dân ổn định, người dân vẫn còn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng, là cơ sở thuận lợi cho việc khôi phục, tôn tạo làng cổ Phong Nam trong giai đoạn hiện nay.

23A12085 11
Đời sống của người dân thôn Phong Nam (Nguồn: DAU-CEN)
23A12085 12
Đời sống của người dân thôn Phong Nam (Nguồn: DAU-CEN)

Lễ hội

Làng Phong Lệ có lễ hội đặc sắc là Lễ hội rước Mục Đồng tại Đình Thần Nông (trung tâm diễn ra các hoạt động). Cứ mỗi 3 năm (Tam niên nhứt lệ trùng với các năm Tý-Ngọ-Mẹo-Dậu), làng Phong Lệ lại tổ chức rước Thần Nông một lần vào mùng một tháng 4 Âm lịch với hoạt động rước kiệu Thần Nông dạo chung quanh cánh đồng làng trong 2 ngày 3 đêm, đêm thứ 3 sau lễ rước là hát Mục đồng.

23A12085 13
Các hoạt động trong lễ rước Mục đồng tại thôn Phong Nam (Nguồn: Báo Đà Nẵng)

Lễ rước với 52 mục đồng mạnh khỏe luân phiên cầm 26 cây cờ xếp thành hai hàng rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Đi đầu là một vị Trùm bành (còn gọi là Trùm mục), tay cầm phèng la (sênh) đánh hiệu lệnh hai tiếng kép, một tiếng đơn lẻ, giúp việc cho Trùm bành còn có Trùm chỉ, và Trùm phụ lo việc sắp xếp hàng ngũ, nhắc nhở nhau khi rước Mục đồng dạo trên cánh đồng. Theo sau kiệu là đàn trẻ em chăn trâu, mặt mày lúc nào cũng tươi vui. Người Phong Lệ quan niệm rằng, vào ban đêm thanh vắng, việc rước thần dạo đồng sẽ thuận lợi hơn, đám ruộng nào may mắn được thần dạo qua, năm ấy chắc chắn sẽ được mùa bội thu.

Sau lễ, mọi người cùng tập trung về đình làng để cùng nhau sinh hoạt các trò chơi dân gian trong lễ hội như rồng rắn lên mây, cờ gánh, đánh cụm, đẩy cây, đấu vật, chơi ô làng, kéo co, đập om…, và hưởng lộc của thần. Sau 70 năm gián đoạn, Lễ hội rước Mục đồng đã được phục dựng vào năm 2007 nhưng do nhiều yếu tố khách quan, Lễ hội rước Mục Đồng không được duy trì và đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Một số giải pháp tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa

Xây dựng chủ trương, chính sách

Bối cảnh xã hội và điều kiện kinh tế phát triển, người dân Phong Nam chủ yếu tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, không thường xuyên có mặt tại địa phương và không tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, các giá trị văn hóa gắn với nông nghiệp, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy niềm tự hào của người dân về những di sản văn hóa cộng đồng mà họ đang có. Bởi vì, người dân là chủ thể chính trong việc tạo dựng, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Đây là việc làm rất khó, đòi hỏi các chính sách phát triển kinh tế xã hội đảm bảo người dân được hưởng lợi và tăng thu nhập, đảm bảo đời sống kinh tế… từ đó hiểu ra và chung tay giữ gìn các giá trị văn hóa đang có.

Vì vậy, chính quyền cần xây dựng mô hình quy hoạch tổng thể, chi tiết làng Phong Nam để thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

  • Sưu tầm, nghiên cứu, tôn tạo các giá trị lịch sử văn hóa của làng cổ Phong Nam, làm giàu thêm bản sắc văn hóa, lịch sử… trở thành điểm đến có ý nghĩa;
  • Hệ thống thông tin các công trình cổ trên địa bàn, từng bước tôn tạo, phục dựng và tổ chức, bố trí không gian cảnh quan phù hợp với quy mô công trình, tổ chức thêm các công trình phụ để phục vụ du khách và các hoạt động dịch vụ được thuận lợi;
  • Phục dựng các lễ hội văn hóa như Lễ hội Mục đồng, sân khấu hóa các lễ hội để biểu diễn phục vụ du khách và giới thiệu với người dân;
  • Xúc tiến các hoạt động du lịch với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhu cầu của du khách;
  • Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá… khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của làng Phong Lệ trong cộng đồng dân cư.

Giải pháp kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật

Về phát triển giao thông tiếp cận và giao thông nội bộ: Trong hoạt động và phát triển đô thị, giao thông kết nối đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, cần thiết phát quy hoạch lại hệ thống giao thông nội bộ với các giải pháp giao thông tĩnh và hướng lưu thông phù hợp… tạo điều kiện để các phương tiện giao thông công cộng, cá nhân tiếp cận nhanh từ TP Đà Nẵng nhưng đảm bảo kết nối trong khu vực Làng cổ; cần tổ chức các giao thông xanh, không gian đi bộ với các trục cảnh quan kết nối các công trình văn hóa, di tích và nhiều sản phẩm du lịch khác.

Về cảnh quan, cần chú trọng tôn tạo hệ thống cây xanh đặc trưng, phát triển cây bản địa và các lũy tre, hình thành đường giao thông bao quanh tạo cảnh quan gắn không gian sinh hoạt với các cánh đồng lúa, hoa màu… nét đặc trưng của làng quê Việt; tạo dựng các điểm dừng chân có kiến trúc đẹp, thân thiện với thiên nhiên để du khách được trải nghiệm, khai thác các cánh đồng không đủ điều kiện canh tác chuyển đổi chức năng để tạo lập các không gian làng quê đặc sắc, tổ chức các hoạt động gắn liền với nông thôn Việt để thu hút khách du lịch.

23A12085 15
Giao thông tiếp cận và giải pháp cảnh quan thôn Phong Nam (Nguồn: Tác giả)

Về hình thức kiến trúc, quy hoạch: Hạ tầng Làng cổ Phong Nam được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân được cải thiện, nhà cửa ngày càng khang trang, tiện nghi là tín hiệu tốt. Nhưng quá trình đô thị hóa cũng đã làm không gian xanh, không gian cảnh quan tự nhiên dần bị thu hẹp, nhất là các cảnh quan đặc trưng của làng Việt như lũy tre, hàng chè tàu làm hàng rào.

Vì vậy, cần thiết phải đầu tư quy hoạch lại hệ thống nhà ở nông thôn với các mô hình nhà ở thân thiện, phù hợp với điều kiện khí hậu, có giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân… hướng đến xây dựng nông thôn kiểu mẫu, văn minh, hiện đại trong tương lai. Đồng thời, từng bước cải tạo và chỉnh trang các công trình kiến trúc vừa được xây mới nhưng không phù hợp với một không gian làng cổ. Tập trung phục hồi và tôn tạo hệ thống cây xanh, phát triển hạ tầng xanh, không gian cây xanh tự nhiên để che lấp các điểm hạn chế mà công trình kiến trúc, hạ tầng xám hiện có… cố gắng tạo lập được không gian cảnh quan nông thôn, hài Hòa giữa kiến trúc và môi trường, tạo được bản sắc riêng của Làng cổ Phong Nam.

23A12085 14
Minh họa thiết kế nhà ở nông thôn Việt Nam (Nguồn: Tạp chí kiến trúc)

Kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các trường đại học tham gia đóng góp ý tưởng thông qua các cuộc thi về thiết kế nhà kiểu mẫu cho nông thôn mới thể hiện được đặc trưng truyền thống, khai thác được nét đặc trưng riêng.

Về hạ tầng xử lý chất thải: Hệ thống thu gom chất thải rắn trên địa bàn thôn đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, hệ thống nhà ở, đường xá chưa tổ chức thu gom hiệu quả hệ thống nước thải sinh hoạt, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm, nhiều nơi còn đọng nước, mùi hôi thối ảnh hưởng đến khu dân cư. Đây là vấn đề cần có các giải pháp căn cơ, kịp thời để tạo môi trường sống tiện nghi cho người dân, không ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác du lịch trong thời gian đến. Bên cạnh đó, cần xây dựng các đánh giá về tác động môi trường khi mở rộng các hoạt động khai thác du lịch, để Phong Nam thật sự bền vững trong tương lai.

Phát triển kinh tế xã hội

Để thôn Phong Nam phát triển bền vững, yếu tố kinh tế và thu nhập của người dân cần được quan tâm. Có như vậy, người dân cảm thấy tự hào về không gian văn hóa đặc sắc, tính kết nối và đặc trưng quan hệ hàng xóm láng giềng được gìn giữ, nhưng cũng yên tâm về điều kiện kinh tế, thu nhập… cần thiết tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân theo hướng khai thác nơi ở gắn với môi trường sinh thái và văn hóa làng đặc sắc, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập.

23A12085 16
Phát huy làng nghề truyền thống phát triển đời sống cộng đồng (Nguồn: sưu tầm)

Kết luận

Có thể thấy, hoạt động tôn tạo, gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống là vô cùng khó, nhưng để gìn giữ được các giá trị văn hóa, bản sắc của một ngôi làng cổ còn khó hơn gấp nhiều lần. Chính quyền và người dân Thôn Phong Nam luôn mong muốn giữ gìn các giá trị tốt đẹp về truyền thống của làng Việt, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực… Vì vậy, nhằm thực hiện quá trình tôn tạo đòi hỏi việc quy hoạch một cách có định hướng cho khu vực Làng cổ Phong Nam, bao gồm kế hoạch chi tiết về sử dụng không gian, tài nguyên và cơ sở hạ tầng trong cộng đồng để đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Có thể thấy, cần tập trung một số vấn đề sau:

  • Xác định việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và không gian cộng đồng trong khu vực như nhà ở, công viên, trường học… trong đó tập trung tạo các không gian mở, hạn chế khép kín bằng tường rào cổng ngõ phân cách cứng… như sử dụng hàng cây, tường rào thấp, không gian cây xanh…;
  • Đảm bảo hệ thống hạ tầng gồm điện chiếu sáng, cấp thóat nước, viễn thông hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiện nghi và an ninh trật tự của người dân;
  • Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tận dụng khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường và từng bước cải thiện các vấn đề môi trường đang tồn tại;
  • Tập trung phát triển, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy doanh nghiệp; cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân.

23A12085 17

Đặc biệt, cần nhất là việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng, triển khai và thực hiện các chính sách. Qua đó, khuyến khích tương tác xã hội và kết nối, tạo ra các không gian gặp gỡ và giao lưu, thúc đẩy tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa người dân, chính quyền và các chuyên gia. Có như vậy, việc tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa của Làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện được, đảm bảo sự thống nhất và đáp ứng thực sự nhu cầu phát triển của cộng đồng trong tương lai.

Theo Tạp chí Kiến Trúc

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm