Việt Nam đang tích cực phối hợp với phía Ấn Độ triển khai dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản giao Sở VHTT&DL, UBND huyện Duy Xuyên có ý kiến về đề nghị của Bộ VHTT&DL về việc triển khai Ý định thư về bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn.
Đồng thời, có ý kiến về đề nghị của Bộ VHTT&DL và đề xuất cơ quan đầu mối của tỉnh triển khai bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn; tham mưu UBND tỉnh phúc đáp Bộ VHTT&DL.
Trước đó, Bộ VHTT&DL có công văn số 3505 gửi UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, ngày 1/8/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ VHTT&DL được Chính phủ ủy quyền ký và trao Ý định thư về bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn với Chính phủ Ấn Độ.
Tại công văn này, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND Quảng Nam là cơ quan đầu mối phối hợp với Bộ VHTT&DL làm việc trực tiếp với cơ quan đầu mối phía Ấn Độ để triển khai các nội dung trong Ý định thư.
Hồi tháng 7/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ VHTT&DL, theo đó thống nhất với Ý định thư về dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F tại khu đền tháp Mỹ Sơn của phía Ấn Độ đề xuất.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn được bảo tồn nguyên vẹn theo Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO năm 1972 cũng như các văn bản liên quan của Chính phủ Việt Nam.
Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc tế nên các công trình kiến trúc ở các nhóm tháp: B, C, D và nhóm tháp G tại Mỹ Sơn được gia cố, chống đỡ cấp thiết, tái định vị, tu bổ và trùng tu.
Đặc biệt, dự án hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ trong công tác bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, K, H tại Mỹ Sơn, Quảng Nam, giai đoạn 2016 – 2022 đã đạt được những kết quả tích cực. Các nhóm tháp A, K, H sau khi trùng tu được các chuyên gia trong nước, quốc tế và du khách đánh gíá cao.
Ngày 21/12/2020, Thủ tướng hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân.
Chính phủ hai bên đã ký kết 7 thỏa thuận, bản ghi nhớ và 3 chương trình tăng cường hợp tác song phương. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ thống nhất tài trợ “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị Nhóm tháp F thuộc Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam”.
Sau Tuyên bố tầm nhìn chung giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ triển khai nội dung đã được thống nhất.
Trong giai đoạn từ 2020 – 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã đón và làm việc với đoàn chuyên gia của Cơ quan Khảo sát và Khảo cổ Ấn Độ (ASI) liên quan đến việc xây dựng báo cáo Dự án trùng tu và bảo tồn nhóm tháp F tại Di sản văn hóa Mỹ Sơn.
Công việc này tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh vào năm 2023, đầu năm 2024 khi các phía Ấn Độ cử nhiều lượt chuyên gia đến khảo sát, lập hồ sơ dự án.
Riêng từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 đoàn chuyên gia đã quay lại Mỹ Sơn thu thập các dữ liệu cần thiết để lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn ba nhóm tháp E, F và A’.
Nhóm chuyên gia đã thực hiện các công việc như đo vẽ, ghi chép đánh giá hiện trạng, chụp ảnh, quay flycam, chụp scan 3D và sử dụng một số công nghệ hiện đại để thu thập thông tin dữ liệu làm cơ sở khoa học phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn.
Những nhận định sơ bộ được rút ra sau đợt khảo sát là hầu hết các di tích (trừ tháp E7 đã được Viện Bảo tồn di tích trùng tu năm 2011 – 2013), các công trình còn lại ở khu E, F và A’ đang trong tình trạng hư hại nhiều.
Điển hình là tháp F1 có niên đại thế kỷ VIII – IX, bề mặt gạch đã chuyển màu vàng nhạt, mủn, nhiều nơi có đấu hiệu hoàn thổ. Các góc tháp đều tách rời khỏi khối kiến trúc, độ cấu kết gạch yếu dễ dàng tách khỏi khối chỉ với một va chạm nhẹ. Nhiều khe nứt dài và sâu, xiên từ trong ra ngoài; tường bao nhiều đoạn gãy đứt xô lệch khá nghiêm trọng.
Để giữ tháp không sụp đổ, từ nhiều năm trước, Ban quản lý di sản văn hoá Mỹ Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan hàn khung sắt bao quanh để níu giữ tường tháp chống ngã đổ, đồng thời dựng mái tôn che chắn bên trên hạn chế mưa nắng tác động.