‘Đại sứ du lịch’ của làng bản ở Sa Pa

Hoàng Thơ 167 lượt xem 17 Tháng Mười, 2023

Đau đáu với những giá trị văn hóa dân tộc Giáy của mình đang dần mai một, tiếc nuối vì nhiều lợi thế phát triển du lịch của các làng bản ở Sa Pa vẫn còn bị bỏ ngỏ…, cô gái Vũ Thị Ngọc Hướng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã trở thành người đầu tiên ở Sa Pa tổ chức các tour du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Mô hình đã góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Sa Pa và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

z4790667167326 b4edebbbcfcc588d62c0e2708c20374e
Xã Tả Van phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Trở lại để dựng xây

Vũ Thị Ngọc Hướng (dân tộc Giáy, 24 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Năm 2017, tốt nghiệp Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, Hướng thi đỗ vào Đại học Hà Nội với chuyên ngành Nghiên cứu phát triển – Khoa Quốc tế học.

Vừa học vừa làm, ngay từ năm thứ 2 đại học, Hướng bắt tay vào kinh doanh các mặt hàng nông sản nổi tiếng của quê nhà. Hướng cho biết, công việc kinh doanh khá thuận lợi và trong quá trình này cô nhận thấy khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những vấn đề lớn lao. Chính những điều nhỏ bé gắn với đời sống hằng ngày, những thứ mà Hướng vô cùng hiểu rõ lại là lợi thế quan trọng để cô nâng tầm giá trị và biến thành sản phẩm giới thiệu đến mọi người. Với triết lý kinh doanh đó, năm 2021, sau khi tốt nghiệp Đại học, khác với bạn bè cùng trang lứa lựa chọn Hà Nội hay các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm, Hướng đã trở về quê hương với mong muốn làm sao để du lịch có thể nuôi sống được người dân địa phương.

Hướng trở về quê nhà đúng thời điểm COVID-19 bùng phát để lại nhiều hệ lụy khiến du lịch Sa Pa rơi vào tình cảnh vô cùng ảm đạm. “Cái khó ló cái khôn”, Hướng trở thành người tiên phong ở Sa Pa đưa các tour du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa dưới hình thức online (du lịch trực tuyến) vào hoạt động để du khách trải nghiệm về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ đây, chỉ với chiếc điện thoại cũ, Hướng đã đưa hàng nghìn du khách khám phá vùng đất Sa Pa qua màn hình trong mùa dịch.

Tour du lịch trực tuyến của Hướng có 3 dạng, gồm: tour theo lịch trình có sẵn vào sáng Chủ nhật hằng tuần; tour nhóm đi theo yêu cầu của khách hàng; tour đi theo yêu cầu của cá nhân với chi phí thấp từ 50 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/lần. “Du khách xem video thường bất ngờ khi thấy một Sa Pa rất khác về cả phong cảnh và văn hóa”, Hướng chia sẻ.

Đề tài mà Hướng theo đuổi rất phong phú, rộng lớn và có sức hấp dẫn lâu dài, gắn liền với những đặc trưng văn hóa của người Giáy ở Sa Pa. Những video chân thực, dung dị về cuộc sống, văn hóa của người Giáy như: làm khâu nhục, làm cốm, bánh chưng gù, mâm cơm cúng truyền thống của người Giáy, trang phục của người Giáy… thông qua phần mềm Zoom, Google Meet giúp người xem trải nghiệm trọn vẹn hành trình du lịch online một cách hào hứng.

Chị Vàng Thị Nguyên, thôn Tả Van Giáy chia sẻ, Hướng động viên chúng tôi vận dụng những tài nguyên có sẵn của mình như hiểu biết về văn hóa, nghề truyền thống, ẩm thực, âm nhạc…vào làm du lịch bằng cách ghi hình lại hoạt động thường ngày trong cuộc sống để chia sẻ đến du khách. Cách làm này đã giúp nhiều người dân ở làng bản có thêm thu nhập trong giai đoạn COVID-19 cũng như sau đó.

Hướng cho biết, thực tế đã chứng minh du lịch trải nghiệm online là một phương thức truyền thông hiệu quả cho tour thực tế. Bởi vì, 80% du khách đã lựa chọn đi thực tế sau khi tham gia tour online của Hướng.

Trong năm 2021, dự án “Du lịch trải nghiệm online cùng người bản địa Sa Pa” của Hướng đã xuất sắc đoạt một trong 5 giải Vàng của cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”. Đây là cuộc thi khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương do Tổ chức phi chính phủ Aide et Action Quốc tế tại Việt Nam (AEA) cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hòa Bình phối hợp tổ chức.

Giới thiệu đến du khách một Sa Pa nguyên bản

Tả Van vốn là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Sa Pa với cảnh quan thơ mộng cùng nét văn hóa đặc sắc. Do đó, từ du lịch trải nghiệm văn hóa online (du lịch trực tuyến) đến du lịch thực tế bản địa luôn là ý tưởng được Hướng cũng như các bạn trẻ ở Sa Pa ấp ủ xây dựng để thu hút du khách.

Sau thành công của mô hình “Du lịch trải nghiệm online”, năm 2022, khi dịch bệnh kết thúc, Hướng cùng nhóm bạn của mình tiếp tục hợp sức xây dựng mô hình kinh doanh khởi nghiệp mới: “Sa Pa Local – Người bản địa Sa Pa” với 4 thành viên trực tiếp tham gia điều hành các tour du lịch trải nghiệm thực tế.

Sau dịch, lượng khách đến Sa Pa bùng nổ. Các tour du lịch thực tế của Hướng đã đón nhận số lượng các đoàn du khách tăng cao. Điều đặc biệt là nhóm của Hướng không xây dựng tour một cách đại trà mà thiết kế những tour du lịch thực tế riêng, phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng nhóm du khách nên được nhiều du khách đón nhận nhiệt tình.

Hướng cho biết đã gặp nhiều người đến đầu tư làm du lịch ở địa phương mà không hiểu văn hóa các tộc người ở đây hoặc hiểu một cách nửa vời nên mới có chuyện kiến trúc nhà của người Giáy nhưng lại có những họa tiết trang trí của người Mông, Dao hay tình trạng biến tướng, thương mại hóa các dịch vụ khiến khách hiểu sai lệch về văn hóa. Do vậy, đội ngũ mà Hướng xây dựng đều là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở Sa Pa có thế mạnh riêng, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa, du lịch địa phương với mạng lưới cộng tác gồm hơn 20 hướng dẫn viên và đối tác cung cấp dịch vụ du lịch trên khắp Sa Pa.

Chị Nguyễn Ngọc Linh đến từ Thừa Thiên – Huế chia sẻ, trước đây, gia đình chị đi du lịch tự túc như “cưỡi ngựa xem hoa”, không cảm nhận được gì nhiều. Lần này, chị quyết định chọn tour của Hướng sau khi được một số bạn bè giới thiệu. Gia đình chị được trekking (đi bộ đường dài) qua những cung ruộng bậc thang vàng óng tuyệt đẹp của Tả Van, được cùng bà con địa phương thu hái lúa, làm cốm, làm bánh cúng rằm tháng 8, lên núi hái thuốc cùng đồng bào Dao Tả Phìn… “Các bạn hướng dẫn viên của Sa Pa Local không chỉ mang đến cho gia đình tôi những trải nghiệm quý giá và độc đáo về phong tục, ẩm thực địa phương mà còn tư vấn và giải đáp các thắc mắc của du khách một cách rất chi tiết, thỏa đáng”.

Ngoài điều hành “Sa Pa Local”, Hướng còn là chủ nhân của kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa” với hàng chục ngàn lượt người đăng ký. Thông qua kênh, Hướng giới thiệu đến du khách một Sa Pa nguyên bản với những địa điểm mà chỉ dân bản địa mới biết như địa danh Séo Mý Tỷ đầy huyền bí, chăm sóc sức khỏe kiểu người Dao, trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân địa phương, hướng dẫn phân biệt thịt trâu gác bếp thật và giả…Kênh của Hướng nhận được nhiều lượt thích, chia sẻ và ủng hộ từ những người đam mê du lịch. Cô được cộng đồng mạng và bà con dân bản ưu ái gọi là “”Đại sứ du lịch” của bản.

“Trên hành trình thực hiện ước mơ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhóm của chúng em vẫn tin rằng chính tình yêu dành cho quê hương sẽ giúp vượt qua mọi trở ngại và hy vọng tinh thần ấy cũng sẽ truyền cảm hứng tới các bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa tự tin khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương”, Hướng chia sẻ.

Hương Thu

Nguồn: TTXVN

Bài viết cùng chủ đề:

    9 1

    Giá trị biểu tượng kiến trúc chùa Khmer

    Tỉnh Vĩnh Long nằm ở vùng ĐBSCL, nổi bật với sự phong phú của nền văn hóa Khmer, đặc biệt là các chùa Khmer với hệ thống biểu tượng kiến trúc độc đáo. Những biểu tượng này không chỉ phản ánh tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Khmer, còn là di sản...
    10 1

    Làng Tà Lài đẹp như phim của Ká Tuyền mang giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa ở Đồng Nai

    Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng. Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần...
    5 1

    Nét đẹp buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài

    Phác họa nét đẹp cuả buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài, triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” của hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa...
    1 8

    Ghé thăm làng nón Tây Hồ – Biểu tượng đậm chất thơ

    Chiếc nón bài thơ xứ Huế là biểu tượng tinh tế của vùng đất cố đô, nơi giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật được gìn giữ trọn vẹn. Khi nhắc đến Huế, làng Tây Hồ nổi bật lên với nghề làm nón bài thơ truyền thống, không chỉ là công việc mà...
    1 2

    Làng chuyên nghề đảo nước, lọc ruột tại Quảng Nam

    Làng hến Tân Phú (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) nằm bên dòng sông Trường Giang thơ mộng, bao đời nay gắn liền với nghề khai thác và tách ruột hến, tạo việc làm cho hàng trăm người dân. Thôn Tân Phú có hơn 330 hộ dân nhưng có trên 150 gia...

Được quan tâm