Đặc sắc tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Nam bộ

Trần Hùng 165 lượt xem 14 Tháng Năm, 2022

Cuối tháng 3-2022 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý đệ trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang nói riêng và tín ngưỡng Bà nói chung ở Nam bộ.

31
Một góc Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (tỉnh An Giang)

Nam bộ là vùng đất mới, trong quá trình khai hoang mở đất của cư dân cũng là quá trình họ mang theo những hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền quê hương khác nhau khi đến cư ngụ tại đây. Ngoài ra, do Nam bộ là vùng văn hóa đặc thù của cả nước với các đặc điểm tự nhiên: nhiều sông ngòi, kinh tế chủ đạo là nông nghiệp lúa nước và nghề nuôi trồng thủy hải sản nên những hình thức tín ngưỡng sẽ có những đặc thù, dấu ấn riêng, trong đó tín ngưỡng Bà.

* Nhiều truyền thuyết ca tụng quyền năng cao quý của Bà

Bà chúa Xứ được gọi với nhiều tên khác nhau như: Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Chúa xứ Nương nương, Chúa xứ Thánh nương nương; Nương nương… Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam, Ngô Đức Thịnh có viết: “Mẫu có gốc từ Hán Việt, tiếng Việt là Mẹ. Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều để chỉ một người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của con đối với người sinh ra mình. Ngoài ý nghĩa xưng hô thông thường, từ Mẫu và Mẹ còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh, chẳng hạn: Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ… là các vị thần linh gắn với các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ được người đời gán cho chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Đó là trời, đất, sông nước, rừng núi”.

Theo PGS-TS Trần Hồng Liên, Hội Dân tộc học và nhân học TP.HCM, trong hội thảo khoa học Tín ngưỡng thờ mẫu tại Đồng Nai, căn cứ vào các huyền thoại và truyền thuyết về Bà Chúa Xứ, cho thấy trong quan niệm của người dân có tín ngưỡng, Bà Chúa Xứ là một vị tiên nữ từ trên trời xuống hạ giới. Quyền năng của Bà rất lớn nên tùy theo từng địa phương, cư dân đặt miếu thờ Bà với đức tin khá khác biệt nhau: có nơi tôn thờ bà như một vị Thành hoàng bổn cảnh, có họ tên, như trường hợp miếu Bà ở H.Long Đất (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), có nơi xem Bà là Bà Chúa Ngọc, như trường hợp ở xã An Thủy, xã An Thuận, H.Ba Tri (tỉnh Bến Tre), ở TT.Chợ Vàm, H.Phú Tân (tỉnh An Giang); hay cư dân vạn chài đã xây dựng miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Long ở H.Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) đã xem Bà như vị thánh mẫu bảo hộ người đi biển… Qua đó cho thấy, phạm vi cai quản của Bà rất rộng, quyền hạn của Bà rất lớn. Nhiệm vụ của Bà vì vậy cũng đa đạng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: bảo vệ biên cương; bảo hộ và che chở cho dự sống cư dân; ban phát tài lộc…

Tại Đồng Nai, đối tượng thờ là các Bà Chúa Xứ nói riêng, các Mẫu nói chung… khá phổ biến với nhiều danh xưng, thần hiệu. Có thể kể đến như: Nữ Oa Thánh Mẫu được thờ ở đình Bình Thiền (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa); Bà Chúa, Chúa Xứ thánh Mẫu được thờ riêng biệt tại miếu Bà Chúa Xứ (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), miếu Bà (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), miếu Bà (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) và thờ phối tự tại nhiều đình làng như: đình Bình Tự, đình Bình Thiền, đình Tân Lại…; Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ trong miếu của chùa Tịnh Châu Như Ý (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa); miếu Bà Thủy (xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch); Bà Thiên Hậu đươc thờ chính tại Thiên Hậu cổ miếu (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), Thiên Hậu cung (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa)…

Hình tượng Bà Chúa Xứ trong tâm thức của những người đi khai hoang, mở cõi đã đưa đến nhiều huyền thoại và truyền thuyết khác biệt nhau, phản ánh một bức tranh đa dân tộc, đa tôn giáo, và đa văn hóa của vùng đất Nam bộ. Mặc dù được định danh dưới bất cứ tên gọi nào, nhưng trên thực tế, với quyền năng và những sự bảo hộ sâu rộng của Bà đối với cư dân vùng đất mới, Bà đã được người dân Nam bộ dành cho một vị trí tối cao trong tâm thức. Quyền năng của các Bà nói lên khát vọng, mong ước có được một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của những di dân đến vùng đất mới sinh sống, lập nghiệp.

Đa dạng các hình thức thờ Mẫu ở Nam bộ

Ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu, được gọi là đạo Mẫu, với hình thức từ Tam Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu) đến Tứ Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn). Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ nữ thần đã được phát triển, nâng cao địa vị các nữ thần.

32
Thiên hậu cổ miếu (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) – nơi thờ Bà Thiên Hậu

Có thể kể đến là những nữ thần có liên quan 4 yếu tố: Trời, Đất, Nước, Rừng – 4 yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp nói riêng, và sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của con người nói chung. Ngoài ra, còn có các Bà Ngũ Hành với 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ cũng là đối tượng được thờ khá nhiều. Bà Ngũ Hành là cách gọi dân gian khá phổ biến, ngoài ra còn có các tên gọi như: Ngũ hành nương nương, Ngũ hành tiên nương, Ngũ hành thánh phi…

Ở miền Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ đơn thuần là sự lưu giữ, kế thừa từ tín ngưỡi thờ Mẫu, đạo Mẫu ở miền Bắc, mà còn có sự chuyển hóa trong quá trình hình thành và phát triển.

Theo đó, mặc dù trong các thần hiệu được tôn xưng, các bài vị có nhắc đến Thần, Thánh Mẫu, Nương Nương… nhưng trong dân gian, người dân địa phương vẫn gọi một cách gần gũi là thờ Bà. Tục thờ các Bà ở Nam bộ mang tính mở, người dân tôn thờ các vị thần, các Bà, các Mẫu và cầu mong được đáp ứng những ước vọng mà không đặt nặng nguồn gốc của đối tượng thờ…

Tùy thuộc vào đối tượng thờ của mỗi miếu mà trong năm có những ngày cúng khác nhau. Thông thường, các ngày mùng Một, ngày Rằm trong tháng, ngày Tết, các miếu mở cửa cúng bằng cách dâng hương, đăng, hoa quả. Một số miếu Bà được cúng tế với lễ phẩm theo lệ…

Đối với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch) hằng năm được thực hiện theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nam bộ này là lễ hội truyền thống được giữ gìn từ nhiều năm qua, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân tại Châu Đốc, tỉnh An Giang, mà còn người dân khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước hướng về tưởng nhớ, bái vọng và nguyện cầu.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang đã sẵn sàng cho Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27-5 tới (nhằm ngày 22 đến 27-4 âm lịch) với các nghi lễ truyền thống.

Theo Báo Đồng Nai

 

Bài viết cùng chủ đề:

    2 14

    Cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế

    Ai về cầu ngói Thanh Toàn Cho em về với một đoàn cho vui Ca dao xứ Huế Thời Thuộc địa, một công chức người Pháp ở Huế, ông Edmond Gras, chịu khó đi tìm xem cầu ngói Thanh Toàn (cầu mái ngói) cách xa thành phố khoảng 10km. Ông đi ngựa cùng với một...
    tapchidangnho d5d503c8de8e37d06e9f

    Tục lệ Cúng Đất ở Huế

    Mẹ già lút cút lui cui Mua gà cúng đất đất xui mẹ giàu (Ca dao Huế) Hiện nay trong nhiều gia đình ở Huế vẫn duy trì tục Cúng Đất một cách thành kính. Lễ cúng này thường diễn ra vào tháng Hai hay tháng Tám âm lịch. Phải nói rằng Cúng Đất biểu...
    1 13

    Hồn quê

    Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng gà trống gáy vang trời, tiếng gà mái mẹ cục tác dẫn đàn con đi bới đất kiếm ăn là chúng tôi biết chắc rằng mặt trời phải lên cao tận đỉnh đầu. Nghe tiếng lọc cọc từ chiếc giỏ xe gắn hờ hững trước càng xe đạp, anh...
    4 10

    Phát huy giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

    Để phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, các cấp, ngành cũng cần chú trọng tới việc làm thế nào để giữ gìn nét đẹp của văn hóa...
    1 30

    Phiên chợ vùng cao

    Chợ vùng cao Tây Bắc thường họp từ 5 giờ sáng đến 15 – 16 giờ chiều thì chợ tan. Đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái… đều nô nức xuống chợ. Để đến được chợ, người dân phải dậy từ rất sớm và chủ yếu là đi bộ . Giữa mùa...

Được quan tâm