Giữa nhịp sống hối hả của phố phường, giữa những tòa nhà cao tầng, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Nhắc đến cổng làng là nhắc đến một biểu tượng độc đáo của văn hóa làng quê Việt.
Báu vật của thời gian
Đi giữa phố đông, chúng ta vẫn bắt gặp những cổng làng còn lại với thời gian, giữa một Hà Nội đang ngày một hiện đại, đổi mới, như cổng làng Yên Phụ (quận Tây Hồ), cổng làng Đại Từ (quận Hoàng Mai), cổng làng Trung Tự (quận Đống Đa), cổng làng Cốm Vòng (quận Cầu Giấy)… Đặc biệt, nhắc tới phố Thụy Khuê, là con phố có nhiều cổng làng nhất.
Ngoài những cổng làng đặc biệt nêu trên, Hà Nội còn hàng trăm cổng làng khác cũng rất đẹp và mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng mỗi làng quê, lối phố. Mỗi cổng làng được xây dựng, trang trí khác nhau nhưng đều toát lên sự uy nghiêm mà gần gũi. Những cổng làng ấy xuất hiện bên cạnh những công trình hiện đại như một sự khẳng định về vị thế, uy quyền của cộng đồng dân cư, nhưng ta cũng thấy ở đó một cảm giác thân thuộc, ấm áp vô cùng. Nếu là người sống bên trong cổng làng ấy ta sẽ hiểu được hình ảnh cổng làng quan trọng như thế nào.
Cũng nhờ có những cổng làng mà giữa phố đông ta vẫn có cảm giác mình không bị cuốn trong nhịp sống hối hả này. Những cổng làng vẫn neo giữ tâm thức chúng ta vào ý nghĩ mình còn có những nền tảng văn hóa nhất định.
KTS Nguyễn Địch Long – Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người có nhiều nghiên cứu về cổng làng cho hay: Hà Nội từ 5 cửa ô nối đến những làng cận đô thành mạng lưới giao thông dày đặc, ở đó đã tồn tại gần 300 cổng làng Việt cổ. Số cổng làng tuy đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai nhưng Hà Nội vẫn đứng đầu so với các tỉnh, thành trong khắp cả nước, trong số đó, rất nhiều cổng đã tồn tại trên 100 năm, mang trong mình giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt.
Theo Tiến sĩ của Vũ Thị Thu Hà, người từng làm luận án tiến sĩ với đề tài “Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” thì: “Cổng làng là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, có vai trò và chức năng thể hiện khát vọng, ước mơ người dân trong làng. Ngoài sự tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của con người thì cổng làng còn là vách ngăn, một thứ phân tầng của xã hội Việt Nam. Nó là sự phân định giữa bên trong và bên ngoài”… Như vậy, cổng làng là một bộ phận đặc trưng để nhận diện của làng này so với làng khác, cũng là một phần hồn cốt không thể tách rời của ngôi làng ấy.
Quỹ di sản bình dị giữa không gian đô thị
Trong cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” do tác giả Vũ Kiêm Ninh – Hội Văn nghệ dân gian chủ biên đã sưu tầm, thống kê ở 12 quận, huyện: Hoàn Kiếm (2 cổng), Ba Đình (4 cổng), Cầu Giấy (9 cổng), Đống Đa (1 cổng), Hoàng Mai (7 cổng), Long Biên (6 cổng), Tây Hồ (10 cổng), Thanh Xuân (2 cổng), huyện Đông Anh (22 cổng), huyện Thanh Trì (17 cổng), huyện Từ Liêm (18 cổng). Đó là con số từ chục năm trước. Còn theo những nhà nghiên cứu, yêu Hà Nội thì chắc chắn thực tế còn phải nhiều hơn thế.
Nội thành Hà Nội vẫn còn rất nhiều những cổng làng như thế, ngoại thành lại càng nhiều hơn. Cho dù đó là những cổng làng từ xưa còn lại hay là những cổng làng mới được tu sửa, thì cũng là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu khi chúng ta nhắc về Hà Nội. Tuy nhiên, trong cơn lốc đô thị hóa, quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng ngày nay còn sót lại phải chen chúc, o ép với những kiến trúc đủ hình đủ dạng xung quanh. Điều này khiến chúng ta thấy cần phải “có trách nhiệm” với những tác phẩm kiến trúc đặc biệt này.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Hiện tại, việc xây sửa không chú ý đến tính toàn thể này, đâu cũng đua to, đua sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hóa nội tại.
Có thể nói, sự “vào cuộc” của các kiến trúc sư với cổng làng Hà Nội là rất hào hứng. PGS.TS Phạm Hùng Cường, Đại học Xây dựng từng có đề xuất: “Công trình xây mới cần được chỉ dẫn để bảo đảm về hình thái, quy mô phù hợp với tinh thần của di tích gốc. Ví dụ, cổng làng được xác định là thành tố có giá trị về tinh thần, củng cố quan hệ cộng đồng nên khuyến khích xây dựng lại”.
Cổng làng Hà Nội là công trình mang dấu ấn, bản sắc văn hóa, hồn thiêng và là niềm tự hào đối với mỗi người dân quê hương. Cổng làng, một công trình khắc ghi bao nét tài hoa, cao sang và thịnh vượng của làng mà biết bao thế hệ cha ông dày công tạo dựng để lại cho con cháu. Uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cháu con hôm nay cần giữ gìn để cổng làng-một di sản văn hóa, một dấu ấn thiêng liêng, một hồn quê sâu nặng đã gắn bó bao đời với quê hương được trường tồn và phát triển.