Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 30 hội quán lớn nhỏ, hầu hết đều có lịch sử lâu đời. Trong đó, một số hội quán nổi tiếng được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Số khác xây dựng vào cuối thế kỷ XIX hoặc gần nhất cũng là đầu thế kỷ XX. Các hội quán phân bổ rộng khắp thành phố, nhưng tập trung đông đúc và được nhiều người biết đến nhất là trên địa bàn quận 5, một phần quận 6, quận 8 và quận 10…

Về kiến trúc, các hội quán của người Hoa thường được sơn màu đỏ, vì trong quan niệm của họ, màu đỏ là màu của may mắn và hạnh phúc. Hệ mái thường được dựng thành nhiều lớp chồng lên nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Những phong cách kiến trúc của từng hội quán người Hoa cũng được tạo tác và trang trí theo những mô thức truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ tạo nên nét đặc sắc riêng.

Một trong số hội quán lâu đời và nổi tiếng điển hình của đồng bào người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh phải kể đến như: Hội quán Phước An, dân gian hay còn gọi là Chùa Minh Hương, tọa lạc tại đường Hồng Bàng, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Hội quán có khuôn viên gần 1.000 m2 hiện lên như một khoảng lặng giữa khu vực thương mại sầm uất bậc nhất phía Tây – TP. Hồ Chí Minh. Hội quán do nhánh người Hoa Minh Hương xây dựng từ năm 1865, đến năm 1902, công trình được xây dựng lại với quy mô như ngày nay.

1 4
Hội quán Phước An được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, Nghĩa An là hội quán cổ có kiến trúc hoa mỹ bậc nhất của người Hoa ở vùng đất Chợ Lớn. Nghĩa An vốn là tên một vùng đất thuộc Quảng Đông, Trung Quốc. Trong quá trình di cư, một bộ phận lớn người Hoa đến từ vùng Nghĩa An đã phát triển thành một cộng đồng đông đảo ở đất Chợ Lớn. Họ đã lập ra Hội quán Nghĩa An làm nơi hội họp, thờ cúng và thể hiện văn hóa tâm linh của mình. Do vị thần được thờ chính trong hội quán là Quan Công, nên Hội quán Nghĩa An còn có tên miếu Quan Đế hay chùa Ông.

2 4
Hội quán Nghĩa An được xây dựng từ trước thế kỷ 19, công trình đã được trùng tu lớn vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984 và mới đây nhất là vào năm 2010.

Không chỉ mang phong cách kiến trúc Phúc Kiến độc đáo, Hội quán Hà Chương ở Chợ Lớn còn là nơi sở hữu những kiệt tác điêu khắc đá cổ có một không hai. Hội quán do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến xây dựng làm nơi hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng. Diện tích khuôn viên hội quán khoảng 1.500 m2 được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, đá, gạch, ngói. Kỹ thuật tạo dáng mái và trang trí Hội quán Hà Chương mang nét đặc trưng của nhóm người Hoa Phúc Kiến với các đỉnh mái võng xuống, còn các đầu đao, đầu đỉnh mái thì cong vút tạo cho hội quán có dáng một con thuyền.

3 1
Được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, theo các văn bia, tên hội quán được đổi là Hà Chương từ năm 1848 thay cho tên cũ là Thương Châu.

Hội quán Tuệ Thành, hay còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh vừa là hội quán, vừa là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa – Quảng Đông, được xây dựng vào năm 1760. Từ đó đến nay, đã được trùng tu nhiều lần. Hội quán Tuệ Thành thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng một số hiện vật quý trong miếu.

4 2
Ngày 07/01/1993 Hội quán Tuệ Thành được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, mang trong mình nhiều biến động của thời cuộc các hội quán của người Hoa vẫn ở đó, góp phần vào sự hình thành và phát triển bản sắc độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh hoa lệ, các hội quán còn là biểu tượng như một nét chấm phá trong bức tranh phồn hoa, một nốt trầm đắt giá trong bản ngân nga của nhịp sống.

Theo THỜI BÁO TÀI CHÍNH VIỆT NAM