Rộn ràng tò he lên phố

Trần Hùng 274 lượt xem 2 Tháng Sáu, 2022

Không chỉ là thứ quà bình dị gắn liền với tuổi thơ con trẻ, nghề nặn tò he cũng dường như đã vượt ra ngoài giới hạn của một nghề mưu sinh…

Giờ đây, những con tò he đầy màu sắc đã được nhiều người biết tới hơn và trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, mang bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt.

41
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh bày những con tò he lên sạp hàng trên phố đi bộ.

Xanh đỏ sạp tò he cuối tuần

Cứ đều đặn vào 3 giờ chiều ngày thứ sáu, ông Nguyễn Văn Đĩnh lại nổ xe máy ra khỏi nhà, bắt đầu “hành trình” từ ngoại thành về trung tâm Hà Nội. Năm nay đã 65 tuổi, ông Đĩnh là một trong số 21 nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được thành phố cấp thẻ để tham gia trình diễn, quảng bá văn hóa cổ truyền, phục vụ du khách ở phố đi bộ Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần.

“Buôn có bạn, bán có phường” – cùng đi với ông Đĩnh có vài người nữa cũng là những nghệ nhân của làng nghề. Họ cùng nhau thuê một nhà trọ trên phố Bạch Đằng để cất đồ đạc và ngủ lại trong ba tối cuối tuần. Mất chừng 2 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 30km, khoảng 5 giờ chiều, họ đến phòng trọ. “Chúng tôi chỉ tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát, còn phải chuẩn bị đồ nghề cho kịp mở hàng lúc 7 giờ tối, khi phố đi bộ mở cửa”, ông Đĩnh nói.

42
Các em nhỏ trải nghiệm nặn tò he.

Một tuần làm việc của những nghệ nhân Xuân La bắt đầu từ tối thứ Sáu và kết thúc vào khoảng 10 giờ đêm ngày Chủ nhật. Họ trở về nhà trọ ngủ lại và sáng thứ Hai lại trở về Xuân La bằng xe máy. Tuy nhiên, một số người còn trẻ vẫn thường về nhà vào đêm trước và trở lại vào sáng hôm sau, với chặng đường hơn trăm cây số mỗi ngày.

Được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội bố trí nằm đối diện với đền Ngọc Sơn, khu vực những sạp tò he dịp cuối tuần thu hút khá đông du khách. Trẻ em, thanh niên và người nước ngoài thường nán lại để ngắm những chú tò he xanh, đỏ ngộ nghĩnh và rất sống động. Khi được du khách yêu cầu nặn cái gì, các nghệ nhân đều đáp ứng được ngay. Dưới bàn tay “ma thuật” của các nghệ nhân, những cục bột màu vô tri vô giác đã nhanh chóng tạo thành những hình tượng bắt mắt, sinh động. Không chỉ quyến rũ trẻ em, người lớn cũng vô cùng thích thú, thán phục với tài nghệ của những nghệ nhân Xuân La.

Chỉ vào sạp hàng với hàng trăm sản phẩm, ông Đĩnh cho biết, mỗi con tò he thành phẩm được bán đồng giá 20 nghìn đồng “theo quy định của Ban”. Khách muốn được trải nghiệm tự tay làm các sản phẩm tò he cũng sẽ được đáp ứng. Với mỗi khay bột nặn giá 20.000 đồng, du khách có thể nặn tò he theo mẫu hoặc tùy theo trí tưởng tượng, với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Đây là trải nghiệm thú vị, thu hút nhiều em nhỏ, nhưng cũng không hiếm những bạn trẻ tham gia, như một cách để xả stress.

Bên cạnh sạp hàng của ông Đĩnh là sạp của các nghệ nhân Đặng Văn Kha, Đào Văn Hồng, Đặng Văn Khương… Họ đều là những người đã gắn bó với tò he từ khi mới 6 – 7 tuổi, cùng tham gia trình diễn tại phố đi bộ từ những ngày đầu tiên. “Thu nhập từ làm tò he ư? Chỉ thêm thắt thôi, nghề chính của chúng tôi vẫn là nông nghiệp. Chúng tôi lên đây làm, mệt nhưng mà vui. Và quan trọng nhất là làm vì đam mê” – anh Đặng Văn Kha chia sẻ.

43
Nghệ nhân Đặng Văn Kha trình diễn một sản phẩm tò he

Tre chưa già, măng đã mọc

Là đất làng nghề, ở Xuân La hầu như ai cũng biết nặn tò he. Trẻ con ở Xuân La mới 4 – 5 tuổi đã làm quen với những con tò he, lên đến 14 – 15 tuổi là có thể ra đường kiếm sống bằng nghề.

Theo ông Đặng Văn Tẫn – Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La, thôn có hơn 4.000 dân thì 2/3 trong số này biết nghề và số người thạo nghề lên tới hàng nghìn. Đây là nghề “cha truyền con nối”, nên nhiều gia đình 2-3 thế hệ làm nghề, như ông Nguyễn Văn Đĩnh là cha ruột của “kỳ nhân tò he” Nguyễn Văn Thành nổi danh trên báo chí gần đây.

CLB làng nghề hiện có 150 thành viên tham gia, hầu hết là người còn khá trẻ, trong khi nhiều người đứng tuổi nắm giữ những tinh hoa của nghề, CLB chưa thu hút được. Chính bởi vậy, số người được phong danh hiệu nghệ nhân chính thức không nhiều nhưng những “nghệ nhân làng” thì không đếm xuể.

Theo nghệ nhân Đặng Văn Khương, điểm đặc biệt của tò he là có thể đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người chơi, họ thích hình gì các nghệ nhân sẽ nặn hình đó nhưng lại không ai giống ai.

Nghề này mỗi người lại có một hoa tay riêng. Bây giờ ra đề nặn con rồng chẳng hạn, 100 người nặn không ai giống ai. Cứ nhìn sản phẩm cũng biết được là hàng nhà ai”, ông Khương nói.

Còn theo ông Tẫn, nghề nặn tò he ở Xuân La đã có tuổi đời trên 300 năm. Đến nay, về cơ bản các nghệ nhân của làng vẫn giữ được những nét cổ truyền và đặc biệt là “bí quyết” làm bột từ xưa truyền lại. Tuy nhiên, một số công đoạn đã được “cải tiến” cho hợp thời.

Bây giờ làng nghề vẫn sử dụng bột gạo nếp nhưng các màu thì được thay thế bằng phẩm màu, thế nên chúng tôi khuyến cáo không ăn sản phẩm. Cũng có một cái khác là ngày xưa các cụ nặn tò he trên vòng nứa, nay làng nghề làm que tre, gắn con giống lên đó rất tiện”, ông Tẫn nói.

44
Du khách hào hứng chọn mua sản phẩm tò he.

Ông Tẫn cho biết, cách đây chừng hơn chục năm, các loại đồ chơi giá rẻ và độ bền cao của Trung Quốc tràn ngập, nghề nặn tò he đứng trước nguy cơ mai một. Mà “điểm yếu” của tò he chính là không bền, chỉ chơi được vài ngày là hỏng. Quyết tâm khắc phục điều này nhưng cũng phải mất nhiều năm, các nghệ nhân Xuân La mới tìm ra cách thức làm bột nặn có thể chống mốc và bảo quản tò he lên đến vài năm.

Cũng trong trào lưu “làm mới” tò he, các nghệ nhân Xuân La đã thử nghiệm nhiều hướng đi khá táo bạo. Dễ nhận thấy nhất là họ không chỉ nặn những con giống quen thuộc như 12 con giáp, hoa lá như xưa mà các sản phẩm phong phú, hiện đại hơn nhiều. Các nghệ nhân làng Xuân La cũng đã biến tấu ra những sản phẩm mới lạ như: Tranh tò he, tò he trong hộp gỗ, tò he trong cốc thủy tinh, tò he khổng lồ…

Về không gian làm nghề, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh, người làng Xuân La hiện có mặt trên khắp cả nước biểu diễn phục vụ du khách, đặc biệt là các không gian phố đi bộ ở Hà Nội, TP.HCM. Những con tò he xanh đỏ cũng đã được giới thiệu sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Campuchia…

45
Nghệ nhân Đào Văn Hồng nặn con rồng.

“Tò he là loại hình thủ công truyền thống, chủ yếu làm theo hình thức cá nhân, bày bán linh hoạt nên đã có một thời người ta coi đây là loại hàng rong và bị cấm đoán, xua đuổi. Thú thật, đã có những thời điểm, tò he tưởng chừng bị quên lãng. Nhưng ở Xuân La hiện nay, tre chưa già, măng đã mọc. Chúng tôi có hơn 300 em đang theo học 8 lớp dạy làm tò he, chưa kể hàng trăm em khác học tại nhà từ cha mẹ. Tôi tin rằng, nghề nặn tò he sẽ không bao giờ mai một mà sẽ giữ được những giá trị đích thực của mình trong tâm hồn người dân Việt”, ông Tẫn chia sẻ.

Theo Công Luận

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm