Đền thờ nữ tướng Thiều Hoa ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ quê tôi nằm cạnh dòng sông Hồng nước cuộn đỏ phù sa. Ngôi đền cổ kính là một hình ảnh vừa gần gũi thân quen, lại vừa thiêng liêng, ghi dấu niềm thương nỗi nhớ cho bao nhiêu thế hệ những người con xa quê.
Nữ tướng Thiều Hoa là một trong những vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Theo thần tích, Thiều Hoa sinh ra ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, xứ Hưng Hóa tức là huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Khi bà 16 tuổi thì cha mẹ mất, bà rời động Lăng Sương đi tìm cảnh Phật làm nữ tu hành. Qua nhiều nơi nhưng khi đến làng tôi thì dừng lại tu tập tại chùa làng.
Trong cuộc chiến đánh đuổi giặc Hán xâm lược, bà được phong làm Tiên phong hữu tướng và cùng với các tướng sĩ anh dũng lập nhiều chiến tích, làm cho giặc phương Bắc kinh hồn bạt vía. Khi cuộc chiến đã giành thắng lợi, đất nước thái bình, Hai Bà Trưng xưng Vương và đã phong cho nữ tướng Thiều Hoa là Đông cung Công chúa, nhưng bà không màng phú quý, xin được lui về nơi quê nghèo là trang Song Quan (Tức xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay) sống cùng dân chúng và tu tập tại ngôi chùa làng mang tên Phúc Khánh Tự.
Cũng theo thần tích thì bà Thiều Hoa mất vào ngày 21 tháng 7 năm Tân Sửu (tức năm 41). Một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, Thiều Hoa đang đi dạo chơi ven cánh đồng làng, bỗng một cơn giông kéo đến bất ngờ, trời đất tối sầm lại, sấm sét đùng đùng rồi mưa trút xuống như thác đổ. Khi mưa giông đã ngớt, dân làng đi tìm thì thấy bà đã qua đời. Sau khi bà mất, Trưng Vương đã truy phong cho bà là Phụ Vương Công chúa và truyền cho dân làng lập đền thờ. Nhân dân trang Song Quan lúc ấy rất đau buồn và tiếc thương đã suy tôn bà là Đức thánh mẫu Đệ nhất Đại Vương, lập đền thờ, xây lăng mộ và thờ cúng rất tôn nghiêm.
Vào thời nhà Trần, trước khi đi đánh giặc Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông có qua đền và thắp hương tại lăng mộ nữ tướng Thiều Hoa cầu bà âm phù và đề thơ như sau:
“Thiên sinh Thánh nữ sử vị thần
Vạn cổ cương thường tại thử thân
Giang thượng thổ đội thu nguyệt ảnh
Vãng lai nhân viết nữ vương phần.”
Tạm dịch là:
Trời sinh Thánh nữ để làm thần
Muôn thủa cương thường nặng tấm thân
Một nấm bên sông trăng chiếu sáng
Chính là phần mộ nữ tướng quân.
Trong năm, ngoài những dịp cầu cúng, tế lễ nhỏ thì đông vui nhất là ngày hội làng. Hội làng tôi được tổ chức vào ngày 12 – 13 tháng Giêng (Âm lịch), lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao của nữ tướng Thiều Hoa.
Những người đi làm ăn hay sinh sống xa quê thường rất nhớ ngày hội làng, có thể ngày Tết họ không về quê mà lại dành thời gian để về quê hương vào ngày hội. Những ngày hội, trên khắp đường làng người xe đông vui tấp nập với đủ các sắc màu của áo quần, cờ hoa rực rỡ, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng làm cho mùa xuân thêm ấm áp. Hội làng là dịp để người ta gặp gỡ nhau, anh em từ các nơi có cớ để mà tụ hội, họ mời cả bạn bè đồng nghiệp về dự như là niềm tự hào về vùng đất nơi mình sinh ra.
Đầu tiên là nghi thức rước kiệu từ đình ra đền. Đi trước là đoàn quân cầm cờ gồm các nam thanh nữ tú mang trang phục xưa, theo sau là đội cầm gươm và binh khí, đoàn khiêng hương án và kiệu là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, các bô lão và dân làng đông đúc bước theo sau. Nhìn từ xa, đoàn rước kiệu nổi bật giữa cánh đồng làng, cờ bay phấp phới trong nắng xuân, đoàn người như một nét vẽ đa sắc màu trên nền xanh của lúa.
Phần tế lễ trước đền được các cụ lão làng tiến hành rất trang nghiêm thành kính. Trước hương án khói hương nghi ngút, cụ chủ tế đứng nghiêm cẩn hành lễ, các cụ lão làng khác cùng thực hiện các nghi lễ theo phong tục cổ truyền. Người làng tôi và du khách thập phương đứng xung quanh, vây kín vòng trong vòng ngoài, ai cũng chăm chú nghển cổ theo dõi.
Có cụ ông vừa xem tế lễ vừa vuốt chòm râu trắng như cước, mắt lim dim như đang nhẩm tính những mùa lễ hội đã qua. Có cụ bà miệng nhai trầu bỏm bẻm, bà cụ cười vui lắm, như là hồi tưởng lại thời còn son trẻ trong ngày hội năm nào khi bắt gặp ánh mắt của chàng trai xóm bên đang say đắm nhìn mình. Những em bé với đôi mắt đen láy lạ lẫm nhìn quanh, dường như chưa hiểu chuyện gì nhưng cái miệng thì cười có vẻ thích thú lắm. Những trai gái đang phơi phới tuổi xuân thì niềm vui thật là náo nức, họ đi hội phần vì xem hội, nhưng phần nhiều là để hò hẹn và trao nhau nụ cười, ánh mắt, lời yêu. Cứ thế, hòa cùng với tiếng nhạc lễ, tiếng trống rộn ràng là lòng người mang những niềm riêng tạo nên ngày xuân thật là ý nghĩa!
Phần kéo quân và ném phết có lẽ được mọi người hào hứng đón chờ nhất. Sau khi tế lễ xong, hai đội quân được dẫn đầu bằng hai lão làng tráng kiện, tay cầm cờ đuôi reo hò vang như hai lão tướng dẫn đoàn quân cầm cờ và binh khí chạy ba vòng ngược chiều nhau xung quanh đền. Tiếng hò reo vui lắm, tiếng hưởng ứng của dân làng cũng vang lên làm náo động cả một khúc sông. Theo các cụ già trong làng thì phần kéo quân và ném phết là hình thức mô phỏng việc luyện quân của nữ tướng Thiều Hoa thủa trước. Khi cụ chủ tế cầm quả phết đỏ mang ra lò phết ở phần đất rộng trước đền thì tất cả mọi người đều hướng về phía ấy. Cụ chủ tế được che lọng vàng và bảo vệ bởi đám trai làng xiết tay nhau thành vòng tròn xung quanh cho tới khi quả phết được cụ chủ tế thả vào lò Phết.
Quả phết đơn giản chỉ là một vật hình tròn bằng gỗ sơn đỏ có đường kính chừng 10 cm nhưng tương truyền hễ ai có được quả phết thì sẽ gặp may mắn, khỏe mạnh cả năm. Vì thế mà các chàng trai ai ai cũng hào hứng dùng sức khỏe để giành phết về mình. Trong hai ngày lễ hội có tất cả 6 quả Phết và 3 quả Chúi (quả chúi tương tự như quả phết nhưng có kích thước nhỏ hơn) được đưa ra để các chàng trai cùng thử sức. Điều khiến cho lễ hội trở nên hấp dẫn chính là ai cũng có quyền giành lấy phết, không phân biệt trai làng hay người nơi khác, trẻ già đều có thể tham gia miễn là có sức khỏe.
Mỗi lần quả phết đưa ra, đám đông tranh giành náo nhiệt dưới bãi sông quyết liệt bao nhiêu thì trên con đê làng chật cứng người lại reo hò vang dội bấy nhiêu. Đứng xem mà người ta hồi hộp y như mình đang tham ra để có được phết vậy, tim họ cũng rung lên theo từng nhịp di chuyển của đốm đỏ ấy. Khi một chàng trai có được một quả phết, mọi người cũng reo hò, trầm trồ khen ngợi, những nụ cười tan vào nắng xuân phơi phới. Cũng trên con đê làng, giữa đám đông ai đó chợt nhận ra nhau họ ồ lên vui mừng vỗ vai, bá cổ nhau, cái tình quê ngấm vào từng câu nói, góp vào hội làng một dư vị thân thương.
Hội làng mỗi năm chỉ tổ chức một lần, nên ngôi đền cổ mỗi năm cũng chỉ một lần đông vui như thế. Hội đã tan nhưng những dư âm còn đọng lại trong lòng người với bao điều cảm xúc thiết tha nồng ấm. Một buổi chiều dẫn con mình đi thăm đền, kể cho con nghe về vị nữ tướng được dân làng thờ phụng. Chẳng biết lũ trẻ có hiểu gì không nhưng chúng hướng đôi mắt trong veo nhìn tôi đầy chăm chú, hệt như tôi hồi nhỏ được người lớn kể chuyện làng, kể về nữ tướng Thiều Hoa để sau này mang niềm tự hào về quê hương mình.
Ngôi đền vẫn ở đó mang nét trầm mặc cổ kính làm nên một phần hồn làng. Thăm đền, trong tiếng gió rì rào tôi nghe như có tiếng quân reo, tiếng hào hùng vọng lại tự ngàn xưa!
Theo Dân Việt