Hừng đông ửng trên mặt hồ Tịnh Tâm, Thành nội Huế. Khí trời tinh sương mát lạnh. Người đi thể dục thích thú hít thở hương sen trắng tinh khiết tỏa ngát. Giống sen quý của cung đình xưa.
Câu chuyện tìm kiếm và phục hồi được bốn giống sen cung đình, sau nhiều năm tưởng chừng tuyệt chủng được người trong cuộc kể lại thật bất ngờ. “Mấy chục năm rồi chừ mới thấy lại sen trắng trên hồ Tịnh Tâm. Họ trồng răng mà bông quý nở khắp như ri, tuyệt quá”, cụ ông Nguyễn Văn Lân sống gần hồ chia sẻ.
Sen trắng nở khắp hồ sau mấy mươi năm
Hồ Tịnh Tâm vốn là thắng cảnh nổi tiếng, được vua Thiệu Trị xếp vào “thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp kinh đô). Góp phần cho tiếng tăm khu hồ chính là loài sen trắng – danh thơm sen “ngự” được trồng trên đó.
“Sen Tịnh Tâm”, cả hoa lẫn hạt từ xưa đã là một thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng, suốt mấy mươi năm ba hòn đảo vốn là “vườn ngự” trong cảnh hoang tàn, cỏ dại mọc đầy. Còn mặt hồ thì đầy rác rưởi, nước đen bốc mùi.
Theo TS Lê Công Sơn – chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đáy hồ Tịnh Tâm được người xưa đổ mấy lớp bùn và cát khá sâu, có lẽ để trồng sen “ngự” và sen đã phát triển rất tốt, thơm nổi tiếng.
Về sau, Tịnh Tâm trở thành một “họng chứa nước thải của Thành nội”, ô nhiễm nghiêm trọng. Người ta trồng rau muống nổi, cũng có trồng sen hồng cao sản nhưng rất “phập phồng” vì sen dễ chết…
Nay ai cũng cảm thấy ngạc nhiên bởi mặt hồ phủ đầy sen, hoa nở trắng muốt, mê mẩn lòng người. Tái hiện sen “ngự” cho Tịnh Tâm là một người phụ nữ: bà Nguyễn Thị Huệ – giám đốc Công ty Hữu cơ Huế Việt.
Hẹn gặp ngay đảo Bồng Lai giữa hồ, bà đang cùng mấy nữ nhân viên làm trà sen. Đó là loại trà quý đã được ướp với nhụy sen từ trước, họ cho vào hoa đang hé nở trên mặt hồ, dùng nửa lá sen bó lại rồi để qua đêm. Thành phẩm cho vào bì hút chân không, đủ chế 1 ấm trà và có thể cấp đông dùng trong 6 tháng.
Sen trắng hồ Tịnh Tâm hiện gồm 2 loại sen “ngự”, được bà Huệ lấy giống từ hồ Hà Sen ở di tích quốc gia làng cổ Phước Tích. Hồ này bà thuê trồng sen trắng vào năm trước, trở thành điểm ngắm cảnh và “sống ảo” đang thu hút giới trẻ khi ghé thăm ngôi làng cổ nổi tiếng này.
Khi trồng, bà Huệ đã vào trung tâm di tích lấy hai giống sen trẹt lồi và trẹt lõm – xuất xứ từ cung đình ngày xưa mà trung tâm này phục hồi và nhân giống thành công mấy năm trước đó.
Năm 2020, bà Huệ đặt vấn đề trồng sen trắng với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, lãnh đạo trung tâm nói sẽ tạo điều kiện nhưng không đảm bảo sen có sống hay không. Bà Huệ đi một vòng hồ, nhìn bèo, rác, nước nôi ô nhiễm cũng thấy lo nhưng: “Mình thấy hồ Tịnh Tâm cần có sen trắng cho nên quyết định liều”.
Bà dồn lực lượng dọn bèo, rác, đầu tư cải tạo đáy hồ bằng men vi sinh và phân hữu cơ rồi thả giống xuống. “Hằng ngày chạy ra, thấy lá nhú lên là khấp khởi, rồi lá trồi lên mặt nước thì quá vui, rồi một cái búp mọc lên là sung sướng lắm. Chừ thì cả hồ sen nở trắng, rất hạnh phúc” – bà Huệ bày tỏ niềm vui.
Bất ngờ tìm giống sen “ngự”
Nói đến di tích Huế là nói đến hệ thống cảnh quan, tất cả các công trình đều gắn liền với mặt nước. TS Lê Công Sơn cho biết: “Theo một số tài liệu trước đây, tất cả ao hồ thuộc di tích trồng toàn sen trắng, mà nổi tiếng nhất là hồ Tịnh Tâm”.
Quyết tâm tái lập giá trị đặc trưng này, năm 2007 trung tâm đã thực hiện đề tài nghiên cứu phục hồi giống sen trắng, ông Sơn là người chủ trì. Theo một số thông tin từ xưa, sen trắng trồng trong chốn cung xưa từng có ít nhất bốn giống: trẹt lồi (mặt gương lồi), trẹt lõm, trẹt mặt nhăn và trắng bộp.
Nhóm bắt tay vào nghiên cứu, tất cả ao hồ di tích Huế đều vắng bóng sen trắng. Thật may, nhiều chùa ở Huế vẫn còn trồng loại sen trắng trẹt mặt nhăn và trở thành giống xuất xứ cung đình đầu tiên được đưa về nghiên cứu, gieo trồng. Trong khi tiếp tục tìm thêm giống khác có một nông dân chuyên trồng sen sống gần hồ Tịnh Tâm cung cấp thông tin thêm hai giống quý nữa.
Ông Sơn kể: “Lúc đó chúng tôi đến hỏi, ông cụ nói một ngôi chùa dưới xã Thủy Dương (giáp TP Huế) hiện còn hai giống sen trắng “nguyên bản sen Đại nội” rất đặc biệt. Tôi chạy về tìm ngay.
Sen trắng trong ao của chùa có đến hai loại từng trồng trong các ao hồ cung đình là trẹt lồi và trẹt lõm, thiệt là may mắn. Hai giống sen quý được đưa về di tích gieo trồng. Còn một giống trắng bộp nữa, nhóm nghiên cứu tìm khắp nơi nhưng tìm mãi vẫn bặt vô âm tín”…
Sau một thời gian kiếm tìm tưởng vô vọng, lần tìm thấy giống sen trắng bộp quý giá ngay tại lăng vị vua sáng lập nhà Nguyễn cũng thật bất ngờ đến mức kỳ lạ.
“Đoàn thanh niên của trung tâm lên lăng Gia Long dọn dẹp tổng vệ sinh, phát dọn cây cỏ. Khi phát dọn những cây bụi um tùm ven hồ Dài trước lăng vua, thật bất ngờ mấy bạn phát hiện giữa những đám cây bụi có một đám sen rộng chỉ vài mét vuông, lá mọc khá nhiều nhưng chỉ có bông duy nhất rất to, trắng muốt.
Thấy lạ, chúng tôi cho chụp ảnh đem về đối chiếu, so sánh và hỏi các nghệ nhân. Các bác bảo đây là loài trắng bộp cần tìm, ít hoa nhưng hoa rất lớn như vậy. Đúng là quá bất ngờ và may mắn” – ông Sơn kể.
Trung tâm cũng cho trồng các giống tìm được tại một số ao hồ thuộc di tích. Những giống sen quý này phát triển èo uột, cho dù trước đó sen hồng và sen cao sản từng sống tốt. “Chúng tôi nghiệm ra sen trắng này rất thích sạch sẽ, cần môi trường dinh dưỡng cao và trong trạng thái có nước lưu thông, đúng là sen cung đình thiệt”.
Để lưu giữ và nhân giống sen quý, trung tâm đã cải tạo hồ Điện ở trước di tích điện Voi Ré và hồ lớn nằm ở di tích Văn Thánh với tầng đáy cát sỏi sạch sẽ và có dòng nước chảy.
Hồ Tịnh Tâm và một số ao hồ khác được giao cho tư nhân trồng sen, khuyến khích trồng giống sen “ngự” đã được phục hồi. Kế hoạch lâu dài của trung tâm chính là đầu tư cải tạo tất cả ao hồ, trồng lại các giống sen trắng để tôn thêm vẻ quý phái và sang trọng của các di tích triều Nguyễn.
“Sen giống cổ cung đình hoa nhỏ, hạt nhỏ, năng suất thấp, lại sơ chế, chế biến rất khó, giá thành hạt sau thu hoạch cao gấp 2, thậm chí 3 lần loại sen thường nên người dân ít chọn trồng. Tuy nhiên, dù hoa nhỏ nhưng hương thơm dịu, tinh khiết, không đậm mùi, không hắc như loại sen khác.
Đặc biệt là hạt khi ăn cảm giác mềm tan trong miệng, kèm một làn hương thơm dịu, tuyệt ngon. Chúng tôi phục hồi sen trắng ở hồ Tịnh Tâm không quá đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà chủ yếu để làm thương hiệu. Được phục hồi một hồ sen rất quý, rất nổi tiếng của Huế thật vui và hạnh phúc” – bà Nguyễn Thị Huệ tâm sự.
Theo Tuổi trẻ