Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh – người gìn giữ dòng tranh dân gian Đông Hồ

Hồng Đào 166 lượt xem 18 Tháng Năm, 2021

Bén duyên với tranh dân gian Đông Hồ từ khi 14 tuổi, đến nay đã hơn 50 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn không ngừng học hỏi, gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian của dân tộc.

nghe nhan nguyen thi oanh 1
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cặm cụi vẽ tranh Đông Hồ.

Đón chúng tôi vào một buổi sáng đầu mùa Hạ, căn nhà của nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) với những nếp gấp thời gian cùng sự yên tĩnh khiến tôi quên đi sự ồn ào, tấp nập của hàng dài xe tải chở đồ vàng mã. “Nghề làm tranh Đông Hồ vất vả nhưng thu nhập không cao, trước sức ép thị trường nay chỉ còn 2 dòng họ là Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng giữ nghề, mỗi dòng họ chỉ có 1 gia đình làm tranh”, Bà Oanh chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời cùng với xuất thân từ gia đình có mẹ làm tranh Đông Hồ nên lòng yêu nghề và khát khao phát triển nghề được nuôi dưỡng từ tấm bé. Tình yêu với dòng tranh dân gian của nghệ nhân bắt nguồn từ việc cảm nhận được sức sống đặc biệt qua việc in tranh thủ công từ ván gỗ, phối hợp màu sắc tự nhiên từ màu đỏ của đất, màu vàng hoa hoè, màu trắng từ vỏ sò điệp,…và hơn cả là những câu chuyện đậm tính nhân văn đằng sau những bức tranh ấy. Chính sự mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo khiến dòng tranh này vẫn được gìn giữ từ thế kỷ 17 đến nay.

Bắt đầu từ việc vào Hợp tác xã Làng nghề tranh Đông Hồ, ngày mà bố chồng bà – Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làm chủ nhiệm đến nay đã hơn 50 năm. Bên cạnh việc trân trọng, làm theo, sưu tầm phục chế nghề truyền thống của ông cha để lại, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh còn sáng tác, sáng tạo nhiều chủ đề mới cho tranh dân gian Đông Hồ được phong phú hơn. Một trong số đó phải kể đến tác phẩm “Chùa Bút Tháp” được Ban tổ chức triển lãm sản phẩm Làng nghề truyền thống tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, chào mừng Chương trình Festival Bắc Ninh 2014 tặng giải Vàng.

“Ngày xưa các cụ không có những bức tranh to bởi nhà bé chỉ hợp bức tranh nhỏ, ngày nay để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách hàng, tôi sáng tạo từ bức tranh cổ của các cụ hoặc sáng tạo những chủ đề mới trên khổ giấy to hơn. Với cách làm này, tranh Đông Hồ được mọi người biết đến rộng rãi hơn.” Nghệ nhân Oanh bộc bạch.

Chia sẻ về công đoạn làm tranh, nghệ nhân Oanh cho biết công đoạn nào cũng phải dồn hết tâm huyết và lòng yêu nghề thì mới làm tốt được. Tuy nhiên điều làm nên hồn cốt của bức tranh là ý tưởng sáng tác. Nguồn cảm hứng sáng tác của bà luôn xuất phát từ tình yêu quê hương, là những di tích lịch sử Quốc gia của tỉnh Bắc Ninh, sau cùng mới đến đề tài khác.

Trong nỗ lực cố gắng bảo vệ, phát huy giá trị văn hoá của tranh dân gian Đông Hồ, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tranh dân gian Đông Hồ gia đoạn 2014 – 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định hiện trạng và nguy cơ mai một, đồng thời nâng cao nhận thức, hành động”. Đây là dấu hiệu tích cực sự hồi sinh của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Với sự quan tâm Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt Sở Văn hoá & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã quảng bá tranh đến những triển lãm trong và ngoài nước, truyền thông trên nhiều phương tiện đại chúng thu hút sự quan tâm không chỉ người dân trong nước mà bạn bè quốc tế.

Theo đó, tranh của gia đình nghệ nhân Oanh đã được quảng bá tại nhiều liên hoan, lễ hội lớn trong nước như “Không gian di sản văn hóa Việt Nam-ASEAN, “Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội”, “Liên hoan văn hóa các dân tộc Bắc Giang”, “Festival Bắc Ninh”, nhiều lần được vinh danh tại các sự kiện lớn, nhỏ trong nước, tiêu biểu là UBND TP.Hải Phòng cấp “Chứng nhận tranh dân gian Đông Hồ là sản phẩm được yêu thích nhất” tại Hội chợ Du lịch đồng bằng sông Hồng tại TP.Hải Phòng năm 2013.

Chính vì những nỗ lực cống hiến bảo tồn, phát triển tranh dân gian Đông Hồ, năm 2020 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kí quyết định số 1886/QĐ- CTN về việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 72 cá nhân trong đó có nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh. Bà là nữ nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được phong tặng nghệ nhân ưu tú. “Là nữ nhân đầu tiên của 62 làng nghề thủ công mỹ nghệ của tỉnh Bắc Ninh, tôi không cảm thấy áp lực mà cảm thấy tự hào, phấn khởi. Tôi lấy đó làm động lực để mình luôn luôn trau dồi, tìm tòi, khám phá thêm nhiều chất liệu cũng như nguồn cảm hứng để có thể sáng tạo nhiều tác phẩm để dòng tranh dân gian mãi phát triển với người con đất Việt”. Nghệ nhân Oanh chia sẻ.

Trong đợt dịch Covid vừa qua, nền kinh tế nhiều ngành nghề trì trệ, nghề làm tranh cũng không tránh khỏi. Không có du khách đến thăm, giao thương buôn bán bị ảnh hưởng song nghệ nhân Oanh không lấy làm buồn bởi trong thời gian này, bà có thời gian để dồn tâm huyết sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới. Hy vọng trong tương lai, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn giữ mãi tình yêu nghề để truyền cho lớp trẻ ngọn lửa ấy, càng thêm trân quý hơn những giá trị văn hoá ông cha ta đã gây dựng nên./.

Theo quehuongonline

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm