Tìm điểm nhấn cho không gian công cộng

Trần Lâm 109 lượt xem 8 Tháng Tư, 2021
noi cong cong 1
Vẽ trên tường đã như một “phong trào”, tuy nhiên giá trị thẩm mỹ nơi công cộng vẫn là điều phải bàn.

Chung sức vì cộng đồng

Sau một thời gian triển khai, mới đây mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” và Think Playgrounds (doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố) đã khánh thành không gian công cộng tại tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, phục vụ đời sống tinh thần trẻ em và người dân nơi đây.

Đặc biệt, hoạt động này cũng tạo được dấu ấn khi huy động được sự tham gia đóng góp của người dân, chính quyền địa phương và các bên yêu mến Hà Nội thực hiện. Đáng chú ý, không gian công cộng Phúc Tân được biến đổi thành khu vui chơi từ khu vực vốn là bãi rác. Hiện nay, phần đất này đã mang một diện mạo mới, sạch sẽ, đa chức năng; được trang bị ghế, đồ chơi trẻ em, dụng cụ tập thể dục… trở thành một địa điểm để hội họp, gặp gỡ cộng đồng.

Một trong những điểm nhấn của không gian này là bức tường tranh rực rỡ, ấn tượng do ông Diego Cortizas – người sáng lập thương hiệu thời trang Chula tài trợ và trực tiếp đến vẽ trong nhiều ngày liền cùng nhân dân. Nhiều chậu cây, hoa, vật liệu tái chế như lốp xe, gỗ… được sử dụng để góp phần cải tạo khu vực.

Theo ông Lê Quang Bình – điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cho biết, khi chúng ta nghĩ về không gian công cộng chúng ta hay nghĩ đến công viên, hồ nước, quảng trường hoặc phố đi bộ ở các khu trung tâm thành phố. Chúng ta ít để ý đến các không gian công cộng nhỏ khu ven đô hoặc kẹt giữa khu dân cư. Trên thực tế, các không gian này cần cho các hoạt động giao lưu tập thể, tăng kết nối và gắn kết mọi người với nhau. Nếu được Nhà nước đầu tư, chỉnh sửa, cộng đồng tham thực hiện và quản lý thì các không gian cộng đồng này sẽ góp phần làm Hà Nội đáng sống cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người sống ở vùng xa trung tâm.

Có thể thấy, với những thành công ban đầu của các dự án việc xây dựng các không gian công cộng giờ đây không còn là trách nhiệm của các nhà quản lý mà có sự chung tay từ cộng đồng. Ở đó, các không gian đã trở thành “đất diễn” của các họa sĩ, nghệ sĩ mỹ thuật đương đại, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật. Chính nhờ tài năng của những người nghệ sĩ đã làm nên góc phố Phùng Hưng nhếch nhác trở nên hấp dẫn và sinh động. Hay không gian bên cạnh sông Hồng, nơi đổ rác tự phát trở thành nơi chụp ảnh ấn tượng rực rỡ sắc mầu cho cư dân Thủ đô và là niềm tự hào của bà con dân phố Phúc Tân.

Theo KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận, không gian sáng tạo trong không gian công cộng, vườn hoa sân chơi thì cần kể đến nhóm Think Playground. Các bạn làm ra các sân chơi rất hấp dẫn bằng các vật liệu thân thiện, mầu sắc chọn lọc và các hoạt động luôn tạo sự tò mò, kích thích trí tưởng tượng, hơi “mạo hiểm” (nhưng an toàn) để các bạn nhỏ thử sức. Cũng là sân chơi, nhưng sân chơi sáng tạo luôn tạo ra năng lượng mạnh mẽ, khác hẳn các đồ chơi “mậu dịch” do các đơn vị sản xuất hàng loạt, vứt chỏng chơ khắp các sân trường (do ngành Giáo dục đào tạo bỏ ngân sách ra mua cấp về các trường) nhưng không đứa trẻ nào ngó tới.

Tạo tính đột phá

Cùng với những thành công thì thực tế cho thấy các không gian công cộng hiện nay vẫn chưa thực sự tạo nên những bản sắc riêng. Đáng buồn hơn sự “nhếch nhác” này lại rơi vào những công trình của Nhà nước thực hiện. Đơn cử như công trình “Con đường gốm sứ” ngay sau khi xuất hiện được xem như là một biểu tượng mới của Hà Nội, nơi phô diễn khá đầy đủ những sắc thái đặc sắc của Hà Nội trong quá khứ và hiện tại.

Tuy nhiên, do được thiết kế bên sườn con đê nhỏ, không có đủ một không gian thuận lợi để ngắm nhìn và thưởng thức. Vì thế “Con đường gốm sứ” đã nhanh chóng xuống cấp, gây phản cảm, lãng phí tiền của và công sức của nhiều người, nhiều tổ chức xã hội đã tâm huyết dành cho công trình này. Cùng với đó, với sự phát triển của nghệ thuật công cộng đang tạo nên một trào lưu phát triển ồ ạt của tranh tường. Ở đó do thiếu sự quản lý đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa cùng nở” từ ngõ nhỏ đến phố lớn đều thấy xuất hiện tranh tường.

Không những vậy chính sự “xô bồ” này đang tạo ra những lo lắng bởi nguy cơ những nơi cổ kính, trang nghiêm sẽ bị nhuốm toàn những bức tranh màu sắc rực rỡ, phong cách hiện đại. Chưa kể đến, các bức vẽ tranh tường không đẹp, không đúng chỗ sẽ gây nên hiệu ứng ngược, làm phiền thị giác, gây cảm giác bức bối cho người qua lại những con đường, tuyến phố ấy.

Với thực tế trên, đã đến lúc vấn đề xây dựng và quản lý không gian công cộng cần được đẩy lên một tầm mức mới, đòi hỏi một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà quản lý cho đến người dân. Mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn mỹ thuật, cho dù diễn ra nhỏ lẻ trong một cộng đồng dân cư hay rộng hơn là cả một cung đường đô thị, cũng cần được xây dựng trên một nền tảng ý thức và quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn. Vì tác động của các công trình nghệ thuật công cộng có tác động rất lớn tới môi trường và nhận thức thẩm mỹ của nhiều tầng lớp người dân trong xã hội. Hơn bao giờ hết rất cần có các kế hoạch thực hiện bài bản thay vì chỉ tự phát với cái nhìn hạn hẹp trước mắt.

Việc xác định vai trò kiến tạo và phong cách đô thị sẽ giảm tối thiểu nguy cơ biến các không gian công cộng tở thành đống rác thải thẩm mỹ. Như họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển cũng là nghệ sĩ trực tiếp tham gia một số dự án nghệ thuật công cộng khu vực phố cổ Hà Nội bày tỏ, muốn có những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng không đơn giản chỉ là cách đa số người Việt quan niệm cứ vẽ hay trang trí lên tường là thành nghệ thuật công cộng. Trách nhiệm của các nhà quản lý đô thị khi đưa mỹ thuật đến nơi công cộng ngoài phải đẹp, có thẩm mỹ, có văn hoá thì cũng phải chỉ ra chỗ nào được trang trí, chỗ nào không được phép; về nội dung trang trí có những giới hạn như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường văn hoá của không gian chứa tác phẩm ấy.

Theo Đại đoàn kết

Bài viết cùng chủ đề:

    10 1

    Làng Tà Lài đẹp như phim của Ká Tuyền mang giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa ở Đồng Nai

    Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng. Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần...
    5 1

    Nét đẹp buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài

    Phác họa nét đẹp cuả buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài, triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” của hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa...
    1 8

    Ghé thăm làng nón Tây Hồ – Biểu tượng đậm chất thơ

    Chiếc nón bài thơ xứ Huế là biểu tượng tinh tế của vùng đất cố đô, nơi giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật được gìn giữ trọn vẹn. Khi nhắc đến Huế, làng Tây Hồ nổi bật lên với nghề làm nón bài thơ truyền thống, không chỉ là công việc mà...
    1 2

    Làng chuyên nghề đảo nước, lọc ruột tại Quảng Nam

    Làng hến Tân Phú (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) nằm bên dòng sông Trường Giang thơ mộng, bao đời nay gắn liền với nghề khai thác và tách ruột hến, tạo việc làm cho hàng trăm người dân. Thôn Tân Phú có hơn 330 hộ dân nhưng có trên 150 gia...
    1 1

    Đẩy nhanh dự án bảo tồn, phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn

    Việt Nam đang tích cực phối hợp với phía Ấn Độ triển khai dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản giao Sở VHTT&DL, UBND huyện Duy Xuyên có ý kiến về đề nghị của Bộ VHTT&DL về việc...

Được quan tâm