Xuất nhập khẩu nhộn nhịp những ngày đầu Xuân 2024

Huyền Linh 143 lượt xem 11 Tháng Hai, 2024

Những ngày đầu Xuân hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp trên cả đường bộ và đường biển báo hiệu sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Xuất nhập khẩu nhộn nhịp trên cả đường bộ và đường biển

Ngày 11/2 (mùng 2 Tết), theo kế hoạch điều động tàu biển của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải tiếp tục đón nhiều chuyến tàu container chở theo hàng hóa cập cảng. Trong đó có tàu Zephyr của hãng tàu CMA CGM với chiều dài 366m, trọng tải 16.285 TEU.

1 4
Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (nguồn ảnh Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trước đó, sáng mùng 1 Tết (ngày 10/2), Cảng Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải gây ấn tượng khi siêu tàu ONE ONE INFINITY màu hồng bắt mắt cập cảng làm hàng.

Trong thời gian cập cảng Gemalink, tàu xếp dỡ 3.807 container hàng hóa xuất nhập khẩu, sau đó tiếp tục hành trình tới cảng Singapore và Rotteram.

Theo lịch điều động tàu biển của Cảng vụ Hàng hải, trong 2 ngày 30 và mùng 1 Tết, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã đón 7 chuyến tàu container cập cảng.

Trước thời khắc chuyển giao năm cũ, lúc 22 giờ đêm 30 Tết, Cảng SSIT nằm trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã đón tàu MSC Ameera “xông đất” làm hàng đầu năm. Tàu này đã xếp dỡ hơn 1.100 container và rời cảng an toàn lúc 8 giờ sáng mùng 1 Tết.

Tàu MSC Marina với trọng tải 86.000 DWT cũng đã cập Cảng SSIT, xếp dỡ hơn 3.000 container và rời cảng trước thời điểm giao thừa.

Còn tại Cảng Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, trong đêm phát lệnh làm hàng đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tối 9/2 (tức 30 Tết), cảng đón 7 chuyến tàu container, lô hàng được xếp lên tàu Uni Perfect của hãng tàu Ever Green tải trọng 19.308 tấn, sức chở gần 1.618 teu là lô hàng sản phẩm linh kiện điện tử. Tổng sản lượng xếp dỡ trong đêm phát lệnh làm hàng đầu Xuân Giáp Thìn tại cảng Tân Cảng Cát Lái khoảng 7.500 teus (tương đương 105.000 tấn hàng).

Trên lĩnh vực đường bộ, theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai), ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) đã có gần 800 tấn hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn, tăng mạnh so với mọi năm, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Theo đó, các doanh nghiệp đã mở 30 tờ khai hải quan xuất khẩu với khối lượng 772,2 tấn hàng, gồm các loại trái cây của Việt Nam như chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 triệu USD.

Cùng với đó, doanh nghiệp mở 1 tờ khai hải quan nhập khẩu quả lê, với khối lượng 28,8 tấn, với giá trị 0,1 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trong ngày đầu tiên của năm Giáp Thìn tại Cửa khẩu Kim Thành, đạt gần 2,3 triệu USD.

Trong ngày đầu năm mới 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới tại cửa khẩu Lào Cai diễn ra khá sôi động và thuận lợi do các lực lượng chức năng hai bên biên giới đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho các hoạt động này. Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, có 40 doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tăng mạnh so với mọi năm.

Cũng trong tháng 1/2024, đơn vị chức năng của tỉnh Lào Cai đã cấp CO cho hơn 16.000 tấn hàng hóa, bao gồm các mặt hàng thanh long, dưa hấu, chuối, mít, tinh bột sắn, sắn lát khô, tinh dầu quế, sầu riêng, càphê hạt, khoai lang tím với giá trị đạt 24 triệu USD. Trung bình mỗi ngày có trên 300 xe hàng xuất nhập khẩu được làm thủ tục qua biên giới. Hiện có khoảng 600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu

Theo Bộ Công Thương, kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 tăng tới 42%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 01/2024 với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Để tạo đà cho các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất.

Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các Bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Công Thương đã đề nghị các hãng tàu duy trì tuyến, nhanh chóng đưa container rỗng về, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí, đồng thời nghiên cứu, xem xét thêm phương thức vận tải đa phương thức kết hợp với đường sắt, đường biển và đường hàng không…

Đối với Hiệp hội doanh nghiệp vụ logistics, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị phối hợp với các doanh nghiệp, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước để giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có những thuận lợi lớn nhất trong việc đảm bảo hoạt động thương mại quốc tế.

Theo Công thương

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm