Xuất khẩu sang EU: Thêm nhiều tiêu chí an toàn khác

Huyền Linh 102 lượt xem 4 Tháng Ba, 2024

Ngoài các quy định chung, rau quả xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) còn đòi hỏi thêm những điều kiện khắt khe từ khi sản xuất, chế biến tới bao bì.

1 1
Hàng năm EU nhập khẩu khoảng 70 tỷ USD rau củ quả từ ngoài khối, cho thấy tiềm năng khổng lồ cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Ngoài việc kiểm soát những độc tố trước khi xuất sang thị trường EU, các doanh nghiệp rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang EU cần chú ý thêm các điều kiện an toàn sau:

Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu

EU đã thiết lập mức dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Nếu sản phẩm chứa dư lượng thuốc trừ sâu bất hợp pháp hoặc dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép sẽ bị loại khỏi thị trường.

Đây là vấn đề không chỉ chính phủ quan tâm mà cũng là chủ đề được người dân và các tổ chức phi chính phủ thường xuyên kiểm tra và đánh giá. Nếu vi phạm, thương hiệu hoặc công ty sẽ được nêu công khai và chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường cho công việc kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên thường xuyên kiểm tra Chỉ thị Châu Âu về Mức dư lượng Tối đa của Thuốc trừ sâu và danh sách các loại thuốc trừ sâu đã được EU phê duyệt và được phép sử dụng, vốn thường xuyên được cập nhật.

EC đã thông qua quy định mới về Sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật (PDF). Quy định này là một phần của chiến lược Từ trang trại tới bàn ăn. Mục tiêu của chiến lược là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Doanh nghiệp cần lưu ý về mức độ của thuốc trừ sâu chlorpyrifos và dimethoate – những loại thuốc trừ sâu bị cấm ở EU nhưng vẫn được sử dụng ở các nước khác. Đối với hàng nhập khẩu, có MRL là 0,01ppm. Hay một điểm quan trọng khác là thuốc diệt cỏ glyphosate trên toàn thế giới – đã bắt đầu bị cấm ở Châu Âu từ sau ngày 15 tháng 12 năm 2023.

Có một số chất gây ô nhiễm khác cũng được EU lưu ý khi chúng có thể ngấm vào sản phẩm thông qua các quy trình vật lý hoặc chế biến ít được quan tâm. Ví dụ, chất clorat và perchlorate có thể tiếp xúc với thực phẩm nếu sử dụng hóa chất để khử trùng nước. Hay kim loại nặng và kim loại có thể tồn tại dưới dạng dư lượng trong thực phẩm từ ô nhiễm môi trường.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý độ nhiễm phóng xạ khi một số nước đã sử dụng chiếu xạ để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật. Hay Este Glycidyl – các sản phẩm gốc Glycerol là chất gây ô nhiễm được tìm thấy trong dầu thực vật; Hydrocacbon thơm đa vòng (PAH), Acrylamide (chất gây ô nhiễm có thể được hình thành trong thực phẩm ở nhiệt độ 120°C trở lên) cũng là các yếu tố cần quan tâm.

Minh bạch về thành phần sản phẩm

Chính quyền châu Âu có thể từ chối các sản phẩm nếu chúng có hàm lượng thành phần cải tiến thực phẩm không được công bố, trái phép hoặc quá mức. Có luật về các chất phụ gia (ví dụ như chất bảo quản, màu sắc, chất làm đặc), hương liệu và enzyme liệt kê số lượng và chất được phép. Các chất phụ gia được phép sử dụng được liệt kê trong Phụ lục II của Quy định về Phụ gia Thực phẩm.

Việc cố ý đưa sản phẩm khai báo sai vào thị trường EU bị coi là vi phạm pháp luật, với cáo buộc chính là gây hiểu nhầm về lợi ích cho người tiêu dùng. Vấn đề là nhiều người vi phạm còn không biết rằng việc đặt các thành phần không được khai báo có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Sử dụng bao bì an toàn và ghi nhãn đầy đủ thông tin

Bao bì xuất khẩu – một yếu tố tưởng chừng đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp để đáp ứng luật pháp châu Âu. Chúng phải phù hợp về trọng lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, ví dụ như làm từ nguyên liệu gỗ hoặc thực vật có thể cần kiểm dịch thực vật. Đồng thời, nhãn sản phẩm đóng gói phải chứa thông tin quan trọng đối với người tiêu dùng.

2 1
Một số nhãn dinh dưỡng trên bao bì thông dụng tại thị trường Châu Âu mà doanh nghiệp xuất khẩu cần áp dụng

Hiện nay, việc sửa đổi các quy định về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm đang được tiến hành ở EU. Nhà sản xuất cần lưu ý các chất là Bisphenol A (BPA), phthalates và MOSH/MOAH, khi các cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu hiện đang thực hiện đánh giá mối nguy đối với các chất này.

Đây cũng đang là thời điểm EU nghiên cứu nhiều điều kiện mới để đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Trong đó, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất sửa đổi luật pháp của EU về Bao bì và Chất thải Bao bì. Chỉ thị hiện tại sẽ được thay đổi thành quy định và đặt ra các mục tiêu mới về thu gom bao bì, tái chế bao bì và giảm thiểu rác thải bao bì. Mục tiêu hướng đến của châu Âu là tất cả bao bì ở EU đều có thể tái sử dụng hoặc tái chế theo cách hiệu quả về mặt kinh tế vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với ảnh hưởng đáng kể tới các nhà cung cấp bao bì và doanh nghiệp xuất khẩu vào EU. 

Sản phẩm đóng gói phải đảm bảo đầy đủ thông tin cho cơ quan hải quan và người tiêu dùng cuối cùng. Hiện tại, sản phẩm đóng gói bán lẻ được phép ghi xuất xứ “ngoài EU”. Việc ghi nhãn xuất xứ hiện đang được EC thảo luận và có một đề xuất mới về định nghĩa chính xác hơn về xuất xứ. Đề xuất mới muốn liệt kê rõ ràng quốc gia xuất xứ đối với trái cây và các loại hạt sấy khô hoặc nhiều quốc gia hơn trong trường hợp sản xuất hỗn hợp.

Để cung cấp thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng về các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, một số chương trình dán nhãn dinh dưỡng tự nguyện đã được phát triển ở châu Âu. Nổi tiếng nhất là Nutri -score, nhưng còn có các chương trình khác như Nutriform pin (Italia) hay Keyhole (Thụy Điển). EC đang nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn hóa việc ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì như một phần của kế hoạch hành động.

Môi trường pháp lý mới về tính bền vững

Môi trường pháp lý về sản phẩm của EU đang có xu hướng thắt chặt hơn khi EU đang đẩy nhanh quá trình trung hòa các-bon vào 2050. Một số luật và quy định pháp lý mới liên quan đến tính bền vững môi trường và xã hội (ESG) đã được đưa vào Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EGD), dự kiến sẽ tạo tác động rộng khắp lên toàn bộ nền kinh tế châu lục, bao gồm cả xuất nhập khẩu. 

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong các ngành bị ảnh hưởng cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Đặc biệt cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm