Trong quá trình người Việt tràn xuống khai mở đồng bằng, xứ Đoài vẫn còn lưu dấu là một trong bốn cái nôi văn hóa của các cộng đồng cư dân đồng bằng Bắc bộ.
Bắc, Nam, Đông, Đoài là “tứ xứ” của kinh đô Thăng Long xưa. Nói đến xứ Đoài là nói đến cửa ngõ phía tây với đặc trưng nổi bật là bản anh hùng ca trong buổi đầu dựng nước qua truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tinh thần ấy được khẳng định trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tên tuổi Phùng Hưng, Ngô Quyền mãi mãi rạng ngời “đất hai vua”…
Xứ Đoài hôm nay, với những đặc điểm cơ bản của điều kiện tự nhiên và xã hội vẫn là vùng đất phía tây – một cửa ngõ “yết hầu” đối với Hà Nội.
Vùng văn hóa nông nghiệp cổ và tích “ruộng đực”
Vốn là một vùng đất dốc mà sông suối ở xứ Đoài hầu như đều bắt nguồn từ Tản Viên Sơn nên tốc độ dòng chảy rất lớn. Chỉ cần một trận mưa núi thì vài giờ sau mực nước ở các sông suối đều dềnh lên.
Con sông đáng kể nhất trên vùng đất này là sông Tích (Tích Giang). Sông Tích là hợp lưu của trăm ngàn con suối chằng chịt trên sườn đông của núi Tản. Sông Tích chảy ngoằn ngoèo qua mấy chục xã, rối rắm như một mớ lòng cò.
Trên bản đồ Việt Nam có thể sông Tích nhỏ đến mức không có tên, có tuổi trong hệ thống sông ngòi của đất nước nhiệt đới gió mùa có lượng mưa tương đối lớn này, nhưng sông Tích đã đi vào đời sống, thành ca dao cổ tích và đặc biệt gắn liền với những huyền thoại trị thuỷ của Đức Thánh Tản. Cho đến tận ngày nay con sông và những thánh tích vẫn được lưu giữ rất bền vững trong các làng quê xứ Đoài qua mỗi kỳ lễ hội.
Khu vực huyện Ba Vì, xuôi xuống Sơn Tây, Phúc Thọ rồi Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… Đây có thể coi là đất trung tâm của xứ Đoài cổ xưa, nơi theo thống kê còn có đến 116 điểm thờ Đức Thánh Tản với những ngôi đình cổ nhất Việt Nam hiện còn tồn tại…
Do địa hình trung du điển hình nên việc canh tác lúa nước gặp rất nhiều khó khăn. Chỗ ghềnh thì cao quá, chỗ trũng thì thấp quá. Việc thiếu nước và thừa nước là căn bệnh triền miên buộc con người phải thích nghi. Hầu như ruộng ở đây chỉ làm được một mùa, chẳng biết từ ai và từ đâu mà những ruộng chỉ làm được một mùa người ta gọi là “ruộng đực”. Đã là “ruộng đực” thì còn mong đợi được ở sự sinh đẻ nữa!
Các làng quê xứ Đoài hình thành bên dòng sông Tích đã từ rất lâu đời nhưng hầu hết vẫn là những làng quê nghèo, nguyên nhân chủ yếu vẫn là nông nghiệp không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Cuộc sống người nông dân trải năm tháng thời gian, biết bao nhiêu thế hệ vẫn tồn tại hồn nhiên theo câu hát:
Ơn trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to…
Những hồ nước lớn giữa vùng đồi khô khát
Gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Đó là việc hình thành những hồ nước khổng lồ, điều tiết việc tưới tiêu cho cả một vùng rộng lớn. Việc xây dựng những hồ nước ở xứ Đoài là sự ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học. Đó là chu trình tưới nước từ trên cao xuống thông qua các cống cửa đập. Hiện nay trên địa bàn Xứ Đoài có rất nhiều hồ lớn, hồ đầu tiên phải kể đến là hồ Đồng Mô – Ngải Sơn. Hồ Đồng Mô có dung tích nước trên 80 triệu m3 chủ động tưới cho hàng vạn hec-ta hoa màu. Bên cạnh đó còn có các hồ như Suối Hai, Mèo Gù… (hồ Suối Hai có dung tích hơn 40 triệu m3) và một loạt hồ nhỏ trên sườn núi Tản như Hốc Cua, Suối Tối, Vống, Bưởi… Tất cả các hồ đã giảm thiểu được tác hại khi xảy ra lũ rừng ngang, nước lũ được dồn vào các hồ, hồ trên địa bàn xứ Đoài đóng vai trò là hồ điều hành góp phần tích cực cho sản xuất nông nghiệp trên một địa bàn rộng lớn.
Hồ Đồng Mô và hồ Suối Hai nhiều năm nay đã trị thuỷ được sông Tích, dòng sông hiền lành như “con mương thuỷ lợi”. Vài năm trở lại đây nước không còn là một thứ “giời cho” nữa, sông Tích không tự nhiên rì rào chảy như ngàn đời nay thường vẫn thế.
Chỗ ngã ba sông, nơi sông Tích hợp lưu với sông Bùi ở cầu Tân Trượng (trên quốc lộ số 6) thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, năm 1999, năm mà lượng mưa trên toàn lãnh thổ Việt Nam giảm 40% so với cùng kỳ hàng năm, người ta đã dùng 13 nghìn bao cát đắp một con đập giăng ngang. Nước sông Hồng qua các cống Bất Bạt, Trung Hà, thủy nhập điền Phù Sa (xây dựng từ thời thuộc Pháp)… chảy vào sông Tích, cả một vùng rộng lớn phía bắc tỉnh Hà Tây (cũ) thoát khỏi một năm trời làm… đại hạn!
Gần đây, thay thế cho những bao cát là một con đập bê tông cốt sắt với những cửa cống điều chỉnh thuỷ trình, việc tưới tiêu thuận tiện hơn rất nhiều.
Không phải chỉ đúng với những người xa xứ, mà ngay cả với những người cả đời gắn bó với quê nhà, đôi khi nghĩ đến những con đập vẫn cứ thảng thốt giật mình vì đã… đánh mất một dòng sông. Dòng sông bên cuộc đời họ, chảy vào ký ức bao thế hệ những kỷ niệm buồn vui. Chẳng biết có ai tự đặt câu hỏi với chính mình, nếu như cuộc sống này vắng mặt những dòng sông!?
Nghịch lý của địa hình
Những hồ nước lớn tồn tại ở xứ Đoài là điều có thật và, nhưng nghịch lí mang tính hệ quả bên cạnh các hồ nước này điều không ai có thể phủ nhận. Xây dựng hồ lợi dụng vào nguồn nước tự chảy phục vụ cho lợi ích con người là ít tốn kém nhất. Song việc chống lại sự khô khát cho các quả đồi là điều nhiều năm nay chưa khắc phục được. Làm được điều này phải có các trạm bơm cấp II và cấp III, ngân sách chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thành ra những quả đồi hứa hẹn tiềm năng kinh tế vẫn chỉ là những quả đồi đứng trong khô khát, bên những hồ nước đầy ăm ắp ngay dưới chân mình.
Xứ Đoài còn một nguồn nước khổng lồ nữa nhưng là… nguồn nước “giả”. Giả nhưng không thể không tính đến cho dù có thể mấy chục năm trời mới có “thật” một lần. Đó là công trình xả lũ sông Hồng xây dựng trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ. Công trình có tên Cống xả lũ Ba Xuân! Trên thực tế xả lũ chính là một vụ vỡ đê chủ động.
Phải tạo ra một cuộc vỡ đê chủ động, đó là năm 1971, khi 26 cửa cống Ba Xuân mỗi cửa rộng 9m được nhấc lên khi đỉnh lũ đạt +12,80m tại Hà Nội, tương đương với +15,20m ở đê Vân Cốc – Phúc Thọ. Cống Vân Cốc được mở trước để nước tràn vào bụng chứa Vân Cốc (làm đệm). Khi ở Hà Nội đỉnh lũ đạt +13,60m chính phủ sẽ ra lệnh cho xả lũ sông Hồng vào sông Đáy.
Xả lũ đập Đáy sẽ có 108 xã gồm nhiều huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) bị chìm trong nước. Bên cạnh thiệt hại về mặt vật chất lên đến hàng nghìn tỉ đồng thì việc nước phá đi các tài sản khác như các công trình văn hóa sẽ là một con số không thể thống kê một cách cụ thể được.
Song, xả lũ là giữ an toàn không để xảy ra thảm hoạ vỡ đê, xả lũ là để đảm bảo an toàn cho thủ đô Hà Nội. Người dân vùng lũ nhiều năm nay tự giác nhận phần gian khổ về mình, vì lợi ích quốc gia, 1/3 tỉnh Hà Tây trước đây với gần 1 triệu dân phải chịu cảnh tàn phá của lũ lụt. Xứ Đoài – cửa ngõ phía Tây, vùng đất nơi “đầu sóng mũi gió” vẫn chưa hết vai trò là vùng đất phên dậu của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Chính vì cửa xả lũ sông Hồng nằm trên địa bàn huyện Phúc Thọ nên đối với huyện này, hầu như không có một công trình nào từ kinh tế đến văn hoá mang tính lâu dài được xây dựng. Cả huyện thuần nông, nhiều năm nay huyện Phúc Thọ luôn luôn là đơn vị lá cờ đầu của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tây trước đây và nay là Hà Nội.
Đầu mùa mưa lũ đặt chân đến xứ Đoài, nhìn người nông dân cắm những dảnh mạ đầu tiên xuống cánh đồng. Cả khách lẫn chủ thỉnh thoảng lại nhìn trời, nhìn đất, ai cũng thầm tự hỏi: Bao giờ thì có hạt thóc vàng nằm yên trong bồ? Quả là “một nắng hai sương”. Song nỗi lo ấy không chỉ nằm trong một vạt ruộng, một cánh đồng, một địa phương… Nỗi lo ấy là nỗi lo của tất cả chúng ta?
Sự được thua, còn mất không chỉ nằm trong tính cần cù, chăm chỉ hay lười nhác của mỗi cá nhân, bởi nguyên nhân có thể không bắt đầu từ họ, nó được bắt đầu từ một nguyên nhân khách quan không thể lường trước được. Đó là thiên tai, hiện tượng tự nhiên mà sự khắc phục của con người bao giờ cũng là hữu hạn.
Theo nongnghiep.vn