Xót xa thành cổ Diên Khánh ngập rác, bốc mùi

Thuỷ Tiên 397 lượt xem 7 Tháng Mười Một, 2023

Di tích thành cổ Diên Khánh có niên đại 230 năm được công nhận là di tích quốc gia, đang xuống cấp trở thành nơi xả rác, phóng uế, cỏ dại mọc um tùm.

Di tích thành cổ thành nơi xả rác

Tại cửa Đông, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đây là cổng khách du lịch rất hay ghé chụp ảnh mỗi khi tham quan di tích. “Đa phần họ đến rồi đi ngay vì rác rất nhiều, mùi xú uế nồng nặc. Thấy mất vệ sinh, tôi nhiều lần dọn dẹp nhưng cứ qua một đêm, rác lại tràn ngập. Người ta lên trên cổng ăn nhậu xong xả rác, tiểu tiện, dọn không xuể” – chị T, một người buôn bán ở ngoài cổng, xót xa.

Xót xa thành cổ Diên Khánh ngập rác, bốc mùi - 1
Di tích lịch sử thành cổ Diên Khánh là điểm đến của nhiều du khách khi đến Khánh Hòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Cách cửa Đông khoảng 700 m là cửa Tây. Khi chúng tôi đến nơi đang có hai du khách nước ngoài tham quan, chụp ảnh. “Tôi đến Việt Nam chơi được bốn ngày, muốn tìm hiểu về văn hóa của các bạn. Lúc đi qua đây thấy công trình nhìn rất cũ, tôi đoán nó mang ý nghĩa lớn với người dân địa phương nên ghé chụp ảnh” – bà Justin, du khách đến từ Úc, chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Justin và bạn đồng hành chỉ lưu lại cửa Tây khoảng 5 phút, chụp vài kiểu ảnh rồi đi. “Rác thải bừa bãi, tường bị đục, vẽ nhiều chỗ, vệ sinh không được tốt lắm” – bà Justin nhận xét trước khi rời đi. Cửa Đông và cửa Tây nhìn từ xa khá sạch sẽ, được bảo tồn tốt. Tuy nhiên, khi lại gần mới thấy nhiều rác, mùi nước tiểu nồng nặc.

Cửa Hậu gần như bỏ hoang, bốn mặt đầy cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Một vài chỗ người dân tận dụng trồng chuối, lối dẫn vào cửa tối om. “Nơi này người nghiện hay vào vì nó vắng vẻ, thấy người lạ họ mới rời đi” – một người dân sống gần cửa Hậu nói.

Xót xa thành cổ Diên Khánh ngập rác, bốc mùi - 2
Rác thải xả đầy ở cửa Hậu (cửa Bắc) của thành cổ Diên Khánh. Ảnh: XUÂN HOÁT

Kinh hoàng nhất là cửa Tiền, đối diện cổng sau một trường THCS. Ông Nguyễn Công, người dân thị trấn Diên Khánh, bày tỏ: “Lâu lắm rồi chúng tôi không dám lên trên thành vì quá ô nhiễm. Nhiều lần người dân kiến nghị với chính quyền nhưng không thấy ai đến dọn dẹp, bảo vệ”.

Địa phương cũng… bất ngờ

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết di tích thành cổ Diên Khánh được phân cấp giao cho UBND thị trấn Diên Khánh quản lý. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh không có trách nhiệm về vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở nơi này.

“Trung tâm thường xuyên cử người giám sát, kiểm tra việc bảo tồn, giữ gìn di tích thành cổ. Mỗi tháng hỗ trợ 6 triệu đồng để thị trấn cử người trông coi ba cổng Đông, Tây và Tiền. Còn cửa Hậu, do không có đường đi, ít người qua lại nên không hỗ trợ kinh phí trông coi” – ông Dũng thông tin.

Chiều 2-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Ny, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh, thừa nhận có việc cỏ dại mọc um tùm ở di tích và tình trạng người nghiện hay vào đó tụ tập, hút chích. Tuy nhiên, bà Ny bất ngờ khi xem hình ảnh, clip PV ghi lại cảnh mất vệ sinh, rác thải tràn ngập…

“Việc cắt cỏ, thị trấn đã có buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí hoặc cử người dọn dẹp. Còn tình trạng người dân ăn nhậu xả rác bừa bãi, phóng uế tôi chưa nghe phản ánh nên sẽ tiếp nhận thông tin, đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan kiểm tra, dọn dẹp ngay. Không thể để di tích như thế được!” – bà Ny khẳng định.

Bà Ny cũng cho biết sẽ yêu cầu giải trình về việc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng để bảo vệ ba cổng thành. Vì nếu có kinh phí, việc bảo vệ phải tốt hơn chứ không thể như hiện nay.

Trùng tu bao giờ mới xong?

Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa cho biết từ năm 2003-2004, UBND tỉnh đã trùng tu, sơn sửa bốn cổng di tích, gia cố những nơi bị nứt tường, dột nước mưa và phục hồi 400 m tường thành bằng đất.

Năm 2012, dự án trùng tu, tôn tạo thành cổ Diên Khánh được triển khai. Tuy vậy, dự án bị người dân và giới khảo cổ học phản ứng vì đơn vị thi công cho máy đào phá ụ đất nằm ở góc cửa Đông.

Đến năm 2018, dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua lần đầu với kinh phí gần 76 tỉ đồng. Dự án do Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và đã được xem xét, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Vì nhiều lý do nên dự án chưa thể thực hiện.

Ngày 7-4-2022, dự án tiếp tục được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 6. Theo đó, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí đầu tư hơn 166,8 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết dự án đang trong quá trình thẩm định tổng mặt bằng, song song với niêm yết, lập báo cáo khả thi. Đơn vị đang làm việc với Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) xin góp ý. Dự kiến trong tháng 11-2023 dự án sẽ được phê duyệt, tháng 7-2024 sẽ khởi công và hoàn thành một năm sau đó.

Theo báo Pháp Luật

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm