Đây là quý đầu tiên chuỗi nhà thuốc chính thức “vượt mặt” chuỗi FPT Shop (doanh thu quý 4 khoảng 4.000 tỷ đồng) để đóng góp chính cho Tập đoàn.
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) vừa thông báo thưởng cho khối nhà thuốc Long Châu.
Năm qua bên cạnh thưởng bán hàng, thưởng chỉ tiêu hàng tháng, đội ngũ dược sĩ 4T của Long Châu cùng đồng đội có hơn 20.000 lượt/cá nhân còn nhận thưởng từ các chương trình: Thưởng Gold cá nhân tập thể, thưởng thị đua bán hàng từ ngành hàng, thưởng nâng size shop… với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Về kế hoạch thưởng Tết, các nhân sự làm việc trên 1 năm sẽ được hưởng tháng lương thứ 13. Bên cạnh đó, công ty thưởng hiệu quả kinh doanh tính trên 1 tháng lương với hệ số 100% cho vị trí bảo vệ, quản lý kho và hệ số từ 120% trở lên với vị trí khác khối nhà thuốc. Thu nhập trung bình của dược sĩ Long Châu năm 2023 được biết tiếp tục tăng so với năm 2022.
Công bố thưởng cho Long Châu dựa trên kết quả kinh doanh mà chuỗi này đạt được trong năm 2023.
Theo công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 của FPT Retail, doanh thu hợp nhất đạt 8.690 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Động lực chính đến từ FPT Long Châu với doanh thu tăng trưởng khoảng 60% lên gần 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là quý đầu tiên chuỗi dược chính thức “vượt mặt” chuỗi FPT Shop (doanh thu quý 4 khoảng 4.000 tỷ đồng) để đóng góp chính cho Tập đoàn.
Luỹ kế cả năm, Long Châu vượt gần 1.900 tỷ doanh thu và mở thêm khoảng 100 nhà thuốc so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Với kết quả trên, FPT Retail chi thưởng mạnh cho Long Châu.
Về việc này, phía Long Châu cho biết năm nay do số lượng nhân viên tăng mạnh do mở thêm shop, đặc biệt số lượng nhân viên có kinh nghiệm, thâm niên và chất lượng tăng cao nên tổng chi thưởng tăng mạnh so với năm ngoái (mức thưởng được xem xét dựa trên thâm niên, nhân sự càng có thâm niên, kinh nghiệm thì mức thưởng cao hơn).
Thực tế, Long Châu được ví là “con cưng” của FPT Retail khi doanh thu tăng trưởng bằng lần qua các năm, quy mô cũng phát triển nhanh như vũ bão. Năm qua, Long Châu thậm chí được xem là yếu tố “gánh team” cho kết quả kinh doanh của FPT Retail và cũng là mảng được kỳ vọng là sức bật cho trong tương lai.
Khởi nguồn với chuỗi cửa hàng bán điện thoại FPT Shop, song phân khúc bán lẻ đồ điện tử điện thoại ngày càng khó khăn, tốc độ bão hòa nhanh và mức độ cạnh tranh gay gắt khiến FPT Retail quyết định rẽ sang hướng đi mới với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu trong năm 2019. Tới năm 2021, chuỗi nhà thuốc này đã ghi nhận có lãi, “về đích” sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu là có lãi vào năm 2023.
Tính đến hiện tại, Long Châu tiếp tục mở rộng khi mở mới 560 cửa hàng trong năm 2023, nâng số lượng nhà thuốc phát sinh doanh thu lên đến 1.497 nhà thuốc. Đáng chú ý, doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng vẫn duy trì được mức gần 1,1 tỷ đồng trong cả năm qua.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo FPT Retail, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành. Điều này giúp Long Châu giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác. Cùng với đó, Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện khi 25-30% doanh thu đến từ thuốc kê đơn.
Trong báo cáo phân tích mới đây, chuyên gia MBS đánh giá Long Châu là chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn có mô hình hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Chỉ sau 2 năm về với FPT Retail, Long Châu đã ghi nhận tốc độ mở cửa hàng mạnh mẽ, trở thành chuỗi dược phẩm có số lượng cửa hàng lớn nhất với gần 1.600 cửa hàng, doanh thu tăng trưởng trung bình 174,7% trong giai đoạn 2020-2022.
Tính từ năm 2020 đến tháng 12/2023, Long Châu đạt tốc độ tăng trưởng 23,4%/quý, bỏ xa các đối thủ cùng phân khúc. Với thế mạnh về công nghệ và mô hình kinh doanh, MBS kỳ vọng đến hết 2023, Long Châu đạt 1.617 cửa hàng, tăng 72% so với cùng kỳ.
Về thị trường dược phẩm, theo MBS, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam được ước tính khoảng 6-7 tỷ USD vào năm 2022 với hơn 70% là doanh thu từ kênh ETC. Trừ đi doanh thu của kênh ETC, hiện nay đang có khoảng gần 60.000 nhà thuốc cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dược phẩm với quy mô gần 2 tỷ USD. Trong đó chỉ có hơn 2.400 cửa hàng bán theo mô hình chuỗi hiện đại (khoảng 4% tổng số nhà thuốc).
MBS đánh giá thị trường bán lẻ thuốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn bởi 3 lý do:
Thứ nhất, chưa có đơn vị dẫn đầu thị trường về thị phần;
Thứ hai, cơ cấu già hóa dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu quan tâm về sức khỏe tăng mạnh sau đại dịch COVID-19;
Và thứ ba, Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia có nồng độ PM2.5 trung bình cao nhất thế giới (μg/m³), thấy được môi trường sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khỏe.