Vua chúa Việt xưa dùng vật gì để cho dân được kêu oan?

Trần Lâm 121 lượt xem 5 Tháng Năm, 2023

 

f1

Để giúp dân thấu tỏ được sự tình oan khuất của mình với bề trên, một số triều đại như nhà Lý, nhà Nguyễn đã có những biện pháp ngoài luật thành văn cho dân được kêu oan.

Xét trong lịch sử nước ta riêng ở lĩnh vực luật pháp, cha ông trước đây có những hành động liên quan tới vấn đề thể hiện sự công bằng của pháp luật rất đáng để hậu thế chú ý.

Ngoài việc nuôi hổ dữ, đặt vạc dầu để răn đe kẻ phạm tội thời vua Đinh Tiên Hoàng, đời sau chế định luật thành văn như Hình thư, Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ… để làm căn cứ xét xử.

Bên cạnh đó, có thời còn thực hiện những biện pháp thể hiện sự quan tâm đến dân tình, tạo được sự công bằng trong xã hội ở mức độ nhất định. Cụ thể có thể điểm một vài điển hình như dưới đây.

Thời Lý, vua Lý Anh Tông trị vì năm Mậu Dần (1158), Việt sử tiêu án cho hay “Vua cho đặt các hộp bằng đồng ở sân điện, cho người nào có việc gì thì bỏ thư vào trong”.

Hòm đồng này là đề xuất của Nguyễn Quốc (Việt sử lược ghi là Nguyễn Quốc Dĩnh), được nhà nước dạo ấy thực hiện “để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy” theo lời Đại Việt sử ký toàn thư có dẫn. Tiếc là sau đó hòm đồng này bị bỏ vì quyền lực của Đỗ Anh Vũ.

 

f2
Chuông từng được dùng để dân tỏ bày sự oan ức với vua ở thời Lý. Ảnh: Mapio.

Cũng ở thời Lý, trước đó vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) thời vua Lý Thái Tông, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết vua đã lệnh cho “đúc chuông lớn để ở sân rồng điện Thiên An, cho dân hễ ai có điều gì oan ức không thông đạt được lên trên thì đánh chuông để thấu đến nhà vua”. Chuông này đặt ngay ở Long Trì (thềm rồng).

Sau này ở thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng vào năm Nhâm Thìn (1832), ghi chép trong Đại Nam thực lục cho hay đình thần đã đề xuất việc đặt một chiếc trống, gọi là trống đăng văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe) ở Tam pháp ty. Loại trống đăng văn này thời nhà Minh bên Tàu đã có.

Với việc đặt trống đăng văn, ai có việc oan khuất thì đánh lên, trình bày nỗi oan để được xét lại. Vua Minh Mạng sau đó chuẩn y và cho thực hiện.

 

f1
Vợ Bùi Hữu Nghĩa đánh trống đăng văn kêu cứu cho chồng. Ảnh: PLO.

Rải rác trong sử nhà Nguyễn và các tài liệu sau này có ghi lại việc liên quan đến trống đăng văn. Trong đó có việc vợ Bùi Hữu Nghĩa đi ghe bầu vượt biển ra kinh đô Huế đánh trống đăng văn để kêu oan cho chồng, nhờ đó mà ông được minh oan mà Biên Hòa sử lược toàn biên có thuật lại; hoặc vụ trọng án năm Tân Hợi (1851) cũng nhờ tiếng trống đăng văn mà làm sáng tỏ.

Cũng thời phong kiến, vua không chỉ là người có quyền hành tối cao đối với quốc dân về mặt vương quyền, mà còn là một đại diện tiêu biểu cho thế lực siêu nhiên nắm giữ thần quyền (vua được gọi là “thiên tử” (con trời)). Về mặt vương quyền, vua Việt là người nắm giữ cả quyền lập pháp, hành pháp và cả tư pháp nữa. Vua là chủ tể tối cao của nước, đứng cao hơn cả luật.

Nhiều vụ án liên đới đến quan lại, việc xét xử nặng nhẹ tùy vào sự yêu ghét, tâm tính của vua. Những vụ án liên quan đến án tử, vì xem tính mạng con người làm trọng, nên vua cũng là người định đoạt, đưa ra cái lý chủ quan cuối cùng mà xét.

Sử hay tổng hợp

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

    1 14

    Nhớ về thời hoàng kim của ‘băng video’, ‘đầu video’

    Các hàng cho thuê băng video hồi ấy có đủ mọi thể loại phim như chưởng Tàu, hành động Mỹ, tâm lý xã hội, hoa hậu áo tắm, thậm chí… “phim con heo”. Trong thập niên 1990, nói đến văn hóa phim ảnh ở các gia đình Việt Nam là nói đến những cuốn “băng...
    1 10

    Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn – Ga xe lửa Sài Gòn

    Tọa lạc trong Vườn Bách thảo Sài Gòn. Thời Pháp gọi là Viện bảo tàng Blanchard de la Brosse, đặt theo tên thống đốc Nam kỳ, người đã cho khởi công xây bảo tàng. Bảo tàng Blanchard de la Brosse – Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn Bảo tàng thành lập vào năm 1929, còn...
    11 1

    Chuyện làm đẹp của chị em thời bao cấp

    Những chuyện làm đẹp thời bao cấp như dùng đũa cả để quấn xoăn tóc, bắt chấy bằng dầu hỏa… luôn là những ký ức khó quên của chị em phụ nữ Việt một thời. Làm đẹp thời bao cấp là một đề tài buôn chuyện thú vị của nhiều người thế hệ trước. Buồn...
    29

    Sài Gòn du lãm: Tính cách, trang phục và trang sức của người An Nam

    […] Cuộc chinh phục xứ sở rộng lớn này không phải không tốn nhiều xương máu. Chiến dịch ấy đã rất tàn khốc và khó khăn. Thời kỳ đó người ta chưa có xu thế bành trướng, chưa bóp méo các kế hoạch thực dân và chưa trì hoãn những cuộc chinh phục dứt khoát vì lý...
    5 2

    Một thời xe điện lang keng

    Nếu không có gì thay đổi thì khoảng năm 2021, người Sài Gòn được đi tàu điện ngầm. Xe điện ngày xưa khác với tàu điện ngày nay nhưng có thể nói sau gần 70 năm ngừng hôạt động, xe điện mới lại có mặt ở Sài Gòn. Xin lưu ý, người Sài Gòn xưa...

Được quan tâm