Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành “thủ phủ” về công nghiệp ô tô, xe máy

Huyền Linh 144 lượt xem 7 Tháng Hai, 2024

Điểm nhấn trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.

Trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của cả nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

1 5
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng từ 10,5 – 11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh. Tỷ lệ huyện đạt huyện nông thôn mới đạt 100%…

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế – xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt mục tiêu, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế – xã hội.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 1/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 535 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD. Trong số các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều dự án của các tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy như Honda, Toyota, Piaggio… Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy cũng đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

2 4
Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Để đạt được mục tiêu trên, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: Sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại: Phát triển trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp,…

Chế biến thực phẩm, đồ uống: Thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại như bò, lợn,… và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lợn thịt ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng – Sản phẩm khác biệt – Hiệu quả bền vững”: vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân gôn, dịch vụ thể thao, giải trí,…

Để hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch, nghỉ dưỡng, những năm qua, Vĩnh Phúc quan tâm, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng lên rõ rệt. Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc có 517 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 48 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 435 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009.

Theo Công thương

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm