Giữa lòng thành phố đang chuyển mình sôi động, những buôn làng người Êđê vẫn trân trọng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Bằng tình yêu, sự nỗ lực của nghệ nhân cùng nhiều người trẻ miệt mài bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên bao đời nay.
Hồn riêng buôn cổ
Buôn Ako Dhông nằm cuối đường Trần Nhật Duật (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thanh bình, yên tĩnh. Thấp thoáng sau những nếp nhà dài là nhà bê tông kiểu biệt thự, nhà xây mái bằng, tạo thành một nét riêng hài hòa giữa hiện đại và truyền thống ngay trong lòng thành phố. Ngoài nhà dài, người dân nơi đây vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm, cách làm rượu cần…
Nhiều người già trong buôn chia sẻ, tiếng Êđê “Ako” là “đầu nguồn”, “Dhông” là “suối”. Ako Dhông là “đầu nguồn suối”. Vùng đất này bắt nguồn từ 6 con suối: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và đặc biệt là Ea Nuôl – con suối lớn nhất ở Buôn Ma Thuột. Nằm ở thành phố nhưng buôn vẫn giữ được khung cảnh yên tĩnh khác xa với sự nhộn nhịp, náo nhiệt bên ngoài. Vẻ thơ mộng, êm đềm không kém phần hoang dã, hấp dẫn của Ako Dhông nhờ vào khu rừng nguyên sinh rộng gần 3ha với nhiều loại động, thực vật. Hiện nay, nhiều gia đình Êđê trong buôn đã nhạy bén, biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để làm du lịch, dịch vụ đem lại nguồn thu nhập cao.
Căn nhà sàn dài cuối buôn ẩn mình dưới tán cây tĩnh lặng. Chị H’Tít Aliô (SN 1992), Bí thư chi đoàn buôn Ako Dhông – một cô gái Êđê với làn da nâu, đôi mắt đen rợp mi, chất giọng trong veo: “Đặc trưng chiêng của người Êđê dồn dập, mạnh, vang. Chiêng của người Gia Rai thanh thoát, nhẹ nhàng…”. Chị đắm đuối giới thiệu hết chiêng, ché, gùi, trống, cây nêu….
H’Tít tự hào vì được sinh ra và lớn lên tại buôn còn mang đậm văn hóa truyền thống. Ký ức tuổi thơ cứ thế ùa về. Ngày ấy, bố mẹ H’Tít tham gia vào đoàn văn công của tỉnh. Cô gái Êđê nhỏ nhắn được nghe mẹ hát, cha múa, người già biểu diễn cồng chiêng. Những thanh âm ấy ngấm dần vào máu cô tự bao giờ để rồi cô mê đắm cái hồn của buôn làng. Rồi cô mon men quan sát mọi người biểu diễn. Năm 13 tuổi, H’Tít được tham gia vào đội cồng chiêng của buôn với nhiệm vụ hát, múa. H’Tít trải lòng, là cô gái Êđê, chị tự nhủ bản thân phải tiếp tục gìn giữ và phát triển văn hóa của người Êđê. Thuận lợi của chị là Bí thư chi đoàn buôn, thường tổ chức sinh hoạt Đoàn gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện, trong buôn thành lập một nhóm gồm 11 người (những nghệ nhân cao tuổi và thanh niên). Ở đó, bằng cách truyền tải giữa những người trẻ với nhau, các giá trị văn hóa truyền thống đã dần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng, họ thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng về du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức.
H’Tít chia sẻ, qua học hỏi, thanh niên trong buôn hiểu được giá trị và cách để phát triển du lịch tại buôn, mọi người không được lãng quên văn hóa dân tộc, phải yêu mến, thổi bùng ngọn lửa và truyền cảm hứng đến thanh niên khác trong và ngoài buôn. Với những cách tiếp cận, cách làm khác nhau, những người trẻ đang làm cầu nối lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của đồng bào mình.
Đa dạng sản phẩm
Dưới sương chiều bảng lảng, tiếng lách cách khung cửi trong ngôi nhà sàn của hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) đều đều vang lên.
Nở nụ cười hiền, dõi mắt qua khung cửa sổ, bà H’Yam Bkrông -Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, bà biết dệt thổ cẩm từ thời con gái. Ban đầu H’Yam tự mày mò, tìm tòi học hỏi rồi được bà, mẹ truyền nghề. Sáng dạ, bà nhanh biết dệt. Cái khó nhất trong dệt thổ cẩm là việc bắt chỉ, tạo ra hoa văn trên tấm thổ cẩm. Tuy nhiên, chỉ nhìn qua bà, mẹ làm đôi lần là H’Yam thành thạo. Bà là người có tiếng dệt đẹp, dệt nhanh trong buôn. Hồi xưa, người con gái Êđê nào cũng gắn bó với dệt thổ cẩm. Không kể đêm ngày, hễ rảnh là chị em lấy khung ra dệt. Tạo hoa văn trên thổ cẩm là cách để người phụ nữ thể hiện sự tự tôn, nét đẹp của mình trước cộng đồng, trước gia đình và thiên nhiên.
Trải lòng bên khung dệt, chị H’Phê Đê Bkrông (SN 1999) thành viên trẻ nhất của hợp tác xã, đã có thâm niên 4 năm làm công việc dệt thổ cẩm. Được mẹ truyền nghề từ năm 16 tuổi, ban đầu chỉ vì tò mò, học cho biết, nhưng học rồi càng yêu thích nên chị đã tham gia lớp đào tạo nghề do hợp tác xã phối hợp với trường cao đẳng nghề tổ chức. Đến năm 18 tuổi, chị thành thạo nghề và trở thành thành viên của hợp tác xã từ đó đến nay. H’Phê Đê tâm sự: “Công việc này giúp ích cho tôi rất nhiều, khiến tôi cảm thấy tự hào về sản phẩm thủ công truyền thống. Để làm được những cái này đòi hỏi sự kiên trì, siêng năng, yêu nghề và muốn gìn giữ truyền thống văn hóa, trang phục của dân tộc mình. Nếu một người không yêu nghề thì chắc chắn không làm được”.
Mỗi lần ngồi dệt, bà H’Yam Bkrông bảo, mình như sống lại những hồi ức đẹp thời thanh xuân. Dệt thổ cẩm với bà như một cách để trải lòng, một cách bà khuyên khéo lớp con cháu không để thất truyền nghề, bỏ quên nguồn cội. Dệt thổ cẩm như một cách để H’Yam gắn quá khứ với tương lai. Có lẽ vì vậy, nên bà vẫn mải mê với thổ cẩm. Giữ nghề truyền thống cũng giữ lại hồn cốt dân tộc mình. Ba thế hệ trong gia đình bà hiện nay đều biết dệt thổ cẩm, trong đó 5 người đang là thành viên của hợp tác xã.
Thời gian tới, hợp tác xã đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú gồm 3 nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Ê Đê. Khách du lịch đến buôn sẽ được thực hành dệt thổ cẩm, tham quan trải nghiệm đời sống, xem nghệ nhân tạc tượng và thưởng thức món ăn truyền thống và uống rượu cần của người Ê Đê do chính các thành viên tự làm.
Được thành lập từ năm 2003, ban đầu Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông chỉ có 10 thành viên. Đến nay, có 45 thành viên, là các chị em người Êđê từ các buôn trong xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột với mức thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Công việc tại Hợp tác như: Dệt tay, thiết kế, dệt máy, may ráp… Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã như trang phục nam nữ, túi xách, ví, áo dài, cà vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, quần áo trẻ em.
Theo Tiền Phong