Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao.
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn. Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu – lĩnh vực được coi là “trái tim” của công nghệ hiện đại, là nền tảng cho nền kinh tế số.
Tăng trưởng hơn 50% từ AI
Cập nhật xu hướng phát triển của ngành bán dẫn toàn cầu, ông KC Ang – Chủ tịch Global Foundries khu vực châu Á, Chủ tịch Ban cố vấn SEMI khu vực ASEAN nhấn mạnh: từ cú hích của trí tuệ nhân tạo, ngành chíp toàn cầu đang phát triển bùng nổ dựa trên động lực của thị trường. Đây là làn sóng thứ hai trong phát triển công nghiệp bán dẫn với tốc độ tăng trưởng hơn 50% vào năm 2030 với doanh thu hơn 1000 tỷ USD.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông KC Ang dự báo ngành bán dẫn tiếp tục đón làn sóng tăng trưởng thứ 3 từ cú hích của công nghệ lượng tử. Công nghệ này có thể tạo nên siêu xu hướng chi phối ngành bán dẫn phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có.
Cơ hội lớn nhưng ông KC Ang cũng đề cập đến những thách thức không nhỏ đang tác động đến ngành bán dẫn. Đó là sự thay đổi của kinh tế toàn cầu từ nhiều yếu tố tác động như tình hình địa chính trị, chuyển dịch chuỗi cung ứng; các yêu cầu về biến đổi khí hậu, giảm phát thải, thu hút nhân lực…
Những thách thức và cú sốc trên sẽ được giải quyết khi quan hệ đối tác công tư được xây dựng và phát triển, thúc đẩy chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo liên tục về công nghệ.
Với Việt Nam, ông KC Ang đánh giá, với doanh thu 18,3 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hơn 11%, Việt Nam đang khẳng định vị thế, tiềm năng đóng góp vào chuỗi cung ứng bán dẫn, trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo và giải quyết thách thức cho ngành bán dẫn toàn cầu.
Theo Chủ tịch Ban cố vấn SEMI khu vực ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là, Chính phủ cam kết hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn với tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình rõ ràng; Việt Nam có vị trí chiến lược nằm gần chuỗi cung ứng và thị trường lớn thế giới, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn…
“Với nhiều cải cách và chuyển đổi được thực hiện có thể đưa Việt Nam trở thành hình mẫu cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn” – ông KC Ang nhấn mạnh.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác
Tại sự kiện, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện sẵn sàng đón nhận và hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu.
Thứ nhất, với chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện ở thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên lựa chọn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược.
Thứ hai, dân số đông, nguồn nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM hứa hẹn trở thành nguồn nhân lực cho thị trường các ngành công nghệ cao đầy tiềm năng.
Thứ ba, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Việt Nam cũng đang là một “khách hàng, đối tác” lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng.
Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng với 3 khu công nghệ cao tại các thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thuận lợi.