Dẫn đầu về doanh thu trong phân khúc ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam là Louis Vuitton. Năm 2022, doanh thu thuần của Louis Vuitton đạt gần 2.400 tỷ, tăng 50% so với năm trước.
Theo Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank (Anh), số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng từ 583 người trong năm 2017 lên 1.059 người vào cuối năm 2022, tức tăng gần gấp đôi trong 5 năm.
Để được tổ chức này xếp vào nhóm người siêu giàu, cá nhân phải sở hữu khối tài sản ròng (đã trừ các khoản vay) từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả bất động sản mà họ đang cư trú.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi, đây được xem là độ tuổi tiềm năng trong phân khúc tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
Thực tế, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Chanel… đã mở các cửa hàng tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Báo cáo của Statista cho thấy thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2022 tăng 34% theo năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025. Bên cạnh việc mở cửa hàng tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn ở châu Âu đã hợp tác với các doanh nghiệp phân phối chính cho nhiều thương hiệu cao cấp trong nước.
Và mặc dù chỉ bán cho một phân khúc khách hàng nhỏ, nhưng doanh thu của các mặt hàng xa xỉ này rất lớn. Thậm chí, giai đoạn 2019-2022, loạt thương hiệu xa xỉ như Gucci, Channel, Dior… tăng trưởng bằng lần mỗi năm.
Dẫn đầu về doanh thu trong phân khúc ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam phải kể đến Louis Vuitton. Louis Vuitton chính thức đặt chân đến Việt Nam với cửa hàng đầu tiên nằm trong khách sạn Metropole Hanoi từ năm 1997 và vẫn luôn là điểm đến quen thuộc của các tín đồ thời trang.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Louis Vuitton giai đoạn 2020-2022 khá ổn với mức doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần của Louis Vuitton đạt gần 2.400 tỷ, tăng 50% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này cũng tăng trưởng cao và đạt 330 tỷ đồng.
Kế đến là Chanel, cũng là một trong những thương hiệu nổi tiếng đến từ Pháp với các dòng sản phẩm thời trang, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp bậc nhất. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2011, Chanel đã phát triển mạnh mẽ, trở thành thương hiệu cao cấp uy tín và được lòng người tiêu dùng Việt Nam.
2 năm đầu trong giai đoạn 2020-2022 tình hình kinh doanh của Chanel không có quá nhiều thay đổi. Đến năm 2022, khi thị trường các sản phẩm xa xỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ doanh thu của Chanel tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, doanh thu của thương hiệu này đạt 2.186 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 57% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Chanel cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cũng nằm phân khúc xa xỉ, Christian Dior được biết đến là thương hiệu thời trang và làm đẹp sang trọng, xa xỉ, uy tín, cao cấp nhất thế giới được thành lập năm 1946. Dior được ưa chuộng bởi rất nhiều người yêu thời trang bởi sự tinh tế, độc đáo trong từng mẫu thiết kế sản phẩm.
Hoạt động kinh doanh của Dior tại Việt Nam đang phát triển rất tốt. Doanh thu của thương hiệu có xu hướng tăng dần qua từng năm. Đến năm 2022, doanh thu của thương hiệu này đã đạt mức 1.718 tỷ, tăng 833 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của Dior trong năm 2022 cũng tăng mạnh, cao gấp đôi so với năm 2021.
Hay Gucci, thương hiệu thời trang được thành lập tại Ý vào năm 1921 chuyên về các mặt hàng quần áo, phụ kiện và các sản phẩm bằng da cao cấp. Tham gia vào thị trường Việt Nam năm 2007, Gucci đã tạo tiếng vang lớn trong thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam.
Dù doanh số thấp hơn so với các thương hiệu khác, song Gucci lại dẫn đầu về tăng trưởng. Năm 2022, doanh thu của Gucci tại Việt Nam đã đạt mức hơn 1.000 tỷ, trong khi con số này ở những năm trước chỉ trong khoảng vài trăm tỷ. Lợi nhuận sau thuế của Gucci cũng tăng trưởng cực kỳ tốt, đạt 282 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 239% so với năm trước.