Về thăm lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy

Hồng Đào 230 lượt xem 3 Tháng Sáu, 2021

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy, ở xã Bình Hải (Bình Sơn) có tuổi đời hơn 300 năm. Nơi đây như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của làng chài.

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy hiện đang lưu giữ hai quách gỗ chứa hài cốt của cá Ông và cá Bà. Lăng vạn này được người dân nơi đây gìn giữ như bảo vật thiêng liêng của làng.

Điểm tựa tinh thần của cư dân miền biển

lang van 1
Bảng hiệu “Hải ốc tàng linh” được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy.

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy hướng mặt ra biển bao la. Chủ lăng vạn Nguyễn Thành Tâm kể: Các bậc cao niên kể lại rằng, cách đây hơn 300 năm, cá Voi hay còn gọi là cá Ông được ngư dân miền biển tôn kính là Nam Hải đại tướng quân chi thần đã lụy vào bờ biển. Người dân đem cá Ông chôn cất. Ba năm sau thì di dời tro cốt của cá Ông vào đặt ở vị trí trang nghiêm trong lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy. Một thời gian sau đó, người dân đưa hài cốt cá Bà vào thờ cúng tại lăng vạn. 

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy được xây dựng với sự đóng góp của cư dân làng chài Thanh Thủy và cả người dân ở các xã Bình An, Bình Khương (Bình Sơn). Người dân các xã Bình An, Bình Khương đóng góp gỗ mít để làm mái, cột, kèo bằng cách thả những cây gỗ xuôi dòng trên sông Trà Bồng. Số gỗ này theo dòng chảy cập đến cảng Sa Cần (xã Bình Thạnh), người dân vớt gỗ đem về dựng cột, kèo ở lăng vạn.

Bên trong lăng vạn lưu giữ nhiều bút tích Hán tự. Trong đó có bảng hiệu được treo trang trọng ở gian giữa lăng vạn với bốn chữ hán “Hải ốc tàng linh”, có nghĩa là “Nơi chứa đựng nhiều điều linh hiển từ bao đời nay”. Bên ngoài, trên các cây cột ghi những liễn văn, chữ viết Hán nôm nói về khung cảnh, quá trình hình thành lăng vạn.

Ở lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy hiện đang lưu giữ 6 bản sắc phong của 5 vị vua từ vua Minh Mạng đến vua Khải Định. Cụ Võ Giận (89 tuổi), người từng đảm nhiệm chức vụ chủ lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy cho hay: “Cách đây hàng trăm năm, theo lời của người đi trước, vua và cùng đoàn tùy tùng đã dừng chân, nghỉ ngơi tại lăng. Nhưng ở đây không có nước ngọt để uống nên vua đã ra lệnh tùy tùng, binh lính đào giếng nước ngọt. Từ đó, mới có tên là lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy. Thủy là nước, thanh là trong, có nghĩa là nguồn nước mát, trong lành”.

Khi đưa cá Ông, cá Bà vào lăng vạn, ngư dân miền biển Thanh Thủy có thêm chỗ dựa, niềm tin để yên tâm vươn khơi bám biển. “Mỗi chuyến vươn khơi, các hộ dân Thanh Thủy đều đến lăng vạn thắp hương xin cá Ông, cá Bà phù hộ, cầu bình yên và hải sản đầy khoang”, ông Tâm cho biết.

Gìn giữ cho đời sau

Ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ: “Năm 2017, lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Trải qua bao thăng trầm, điều kỳ lạ là lăng vạn vẫn không bị sụp đổ do chiến tranh hay mưa bão. Hằng năm, người dân đều đóng góp kinh phí để trùng tu, sửa chữa, nhưng vẫn giữ nét đẹp cổ xưa, uy nghi”. 

Kế thừa và phát huy nghi lễ từ bao đời nay, cứ vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch hằng năm, người dân làng Thanh Thủy tổ chức giỗ cá Ông, cá Bà tại lăng vạn. Vào dịp này, không chỉ người dân trong thôn xã mà nhân dân ở các nơi cũng đến tham dự và cầu mong Nam Hải đại tướng quân phù hộ những chuyến biển thuận buồm xuôi gió. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người dân ở làng biển này.

Theo baoquangngai.vn

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm