VTV.vn – “Thiên nhiên cuốn đi hơi thở cũ kỹ và thổi vào chúng ta một sức sống mới” – thông điệp từ cuốn “Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” được cảm nhận rõ nét khi về Làng Nhỏ.
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên, cơn nóng tràn vào các thành phố khiến người ta phải chạy nhanh đến những khoảng trời còn xanh để được “thở”. Đó là lý do những điểm đến gần gũi với thiên nhiên ngày càng thu hút khách du lịch tìm về. Ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, có một khu du lịch dã ngoại thiên nhiên mang tên Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt, gói gọn những điều dân dã nhưng mang lý tưởng bảo tồn thiên nhiên được thiết kế bởi vị “kiến trúc sư không bằng” có tâm và có tầm.
Hòa mình vào thiên nhiên để lội suối, tắm ta
Tôi ấn tượng với Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt bởi những bức ảnh xanh mướt có hồ, có cây, có suối,…Và khi đặt chân đến đây, tôi còn cảm nhận rõ hơn không khí trong lành, mát mẻ mà thiên nhiên mang lại. Thoáng thấy buồn ngủ, tôi nghỉ một giấc trên chiếc võng đã được tinh tế đặt sẵn dưới tán cây, khởi đầu cho những điều dễ chịu ở Làng Nhỏ.
Lấy trọng tâm là Hồ Láng Nhớt với 2 dòng suối nóng và lạnh khởi nguồn từ khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Làng Nhỏ mang đến những trải nghiệm thiên nhiên tuyệt tác, thú vị với các hoạt động dân dã đã được nâng tầm chuyên nghiệp. Đáng chú ý có thể kể đến hoạt động “Tắm Dân Dã Việt Nam” như tắm rừng – tắm suối – tắm thác, tận hưởng sự thư giãn và sảng khoái ngay trong vòng tay mẹ thiên nhiên.
Làng được thiên nhiên ưu ái cho dòng suối “Vàng Sa Khoáng”, một loại khoáng chất tích tụ nhiều năm trong tự nhiên rất giàu dưỡng chất. Tôi men theo bìa rừng, đi qua hệ thống đá bàn phiến, lội dưới dòng suối mát lắng nghe âm thanh của núi rừng và thư giãn bên dòng nước trong veo, yên ả. Những chiếc võng cũng được đặt sẵn ở nhiều vị trí dọc theo con suối. Sau khi chơi đùa với dòng nước mát lành, tôi chọn một chỗ vừa đủ bóng râm vừa có những tia nắng chiếu nhẹ để nằm đọc sách. Không gian ngập tràn sắc xanh ngỡ như mẹ thiên nhiên đang ấp ôm tôi trong lòng.
Đây cũng là cảm nhận của anh Minh Tuấn, du khách đã có trải nghiệm một ngày đáng nhớ ở Làng Nhỏ. Anh Tuấn chia sẻ: “Ngoài không gian ngập tràn mảng xanh, mình còn ấn tượng bởi con đường gỗ dọc theo bờ suối. Những chiếc cây với các tư thế ngả nghiêng khác nhau đều được giữ lại trong quá trình xây dựng. Điều đó cho thấy chủ đầu tư đã có sự tôn trọng tự nhiên.”
Trả lại thiên nhiên nhiều hơn những gì chúng ta vay
Ngồi trên bộ bàn ghế gỗ trong không gian thoáng đãng nhìn ra toàn cảnh núi non và lòng hồ, tôi được nghe tâm tư và lý tưởng của Nhà Quy hoạch Nguyễn Mạnh Bình San, cha đẻ của Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt. Những gì ông đã và đang làm cho Làng Nhỏ được Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao bởi lòng nhiệt huyết từ trái tim và sự sáng tạo từ trí óc của mình. Ông San chia sẻ: “Từ 25 năm nay tôi đã làm rất nhiều dự án về du lịch ở trong nước và cả Quốc tế. Cái khái niệm du lịch xanh, du lịch bền vững được đưa ra nhưng chưa thực sự là du lịch thiên nhiên đúng nghĩa. Cách đây 15 năm, tôi đã nghĩ mình sẽ chọn một khu và tự làm theo ý của mình, để thấy du lịch thiên nhiên bền vững phải là như thế nào.”
Vậy là Làng Nhỏ – Hồ Láng Nhớt đã được ông Bình San thiết kế và xây dựng hướng đến một mô hình chuẩn mẫu về du lịch xanh dễ làm, dễ lan tỏa, để từ đó tạo ra sự cộng hưởng của nhiều điểm như vậy trên cả nước. Ông không muốn du khách nước ngoài nhìn vào Việt Nam và chỉ thấy vài đốm xanh nhỏ.
Theo ông, để làm một khu du lịch thiên nhiên Bền vững phải có một bộ công cụ: 1/ Tiêu chí quy hoạch tận dụng điều kiện tự nhiên, bám sát địa hình, hoà mình trong thiên nhiên sẵn có (nuture & smart); 2/ Hạ tầng xanh tối đa hoá khả năng hoàn trả nước sạch cho đất, tận dụng hiệu quả năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động với môi trường (green infrastructure); 3/ Phương pháp xây dựng không tác động với môi trường. Đặc biệt, tác động của con người phải rất cẩn trọng theo 3 quy tắc: tiết kiệm, hiệu quả, hoàn trả.
Là nhà quy hoạch cảnh quan tuổi nghề đã 25 năm, từng có nhiều công trình ấn tượng tầm vóc, như Banyan Tree Lăng Cô (Huế), Hòn Tằm Ecogreen, Lagoona Resort Village,… ông Bình San cho rằng việc hoàn trả thiên nhiên là điều tối quan trọng trong làm du lịch bảo tồn. Vì bảo tồn không chỉ là giữ nguyên thiên nhiên hay văn hóa, mà còn phải làm chúng phát triển hơn. Ông quan niệm rằng, mình đang vay mượn mẹ thiên nhiên thì phải có trách nhiệm trả cả vốn lẫn lãi.
“Khi con người lấy đi những khoảng trống trong tự nhiên, thì phải bù lại khoảng khác với mật độ dày hơn. Đó là lý do Dự án của tôi có diện tích 79ha, nhưng tôi phải mở rộng vành đai tới 165ha. Mỗi năm chúng tôi dành vài tỷ đồng để phát triển rừng và bảo vệ rừng. Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã tái tạo và phát triển được thêm trên dưới 40ha rừng.” – Ông Bình San bộc bạch.
Đến nay, Làng Nhỏ đã có thêm những hàng tre xanh để bảo vệ bờ hồ Láng Nhớt, nhiều cây ăn trái được trồng thêm để tăng mật độ xanh theo định hướng kinh tế sinh trưởng. Các hoạt động xây dựng đều phải né những cây xanh bên suối, trong rừng theo đúng nguyên tắc xây dựng không tác động môi trường. Du khách không chỉ nhớ về Làng Nhỏ bởi những ứng xử tinh tế với thiên nhiên, mà còn bởi Văn hóa dân dã của miền Nam – Trung Bộ. Tôi nhớ bạn nhân viên ân cần hỏi tôi có cần mũ hay ô khi ra ngoài không, và trò chuyện mộc mạc chân tình khi đưa tôi đi tham quan Làng Nhỏ. Những trải nghiệm đi bè trên lòng hồ hay lái công nông thu hoạch nông sản theo mùa đều mang tính dân dã một cách tự nhiên trong sự tiện nghi hiện đại chứ không phải cố gắng trở nên cầu kỳ, trau chuốt, đẳng cấp màu mè mà ta thường thấy ở các khu “Resort 5 sao”.
“Không có cách truyền tải nào tốt nhất bằng cách để du khách tự cảm nhận” – với triết lý như vậy, Làng Nhỏ đã tự nhiên lan toả và xây dựng nên một cộng đồng yêu thiên nhiên một cách nhẹ nhàng, thoải mái, an toàn. Nơi mà người ta muốn đến bất cứ khi nào cảm thấy ngột ngạt, nơi người ta tìm đến khi muốn trở về với lòng mẹ thiên nhiên êm ả, bao dung.