Bên bờ sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có ngôi làng đặc biệt từ hàng trăm năm nay gắn liền với… hến. Về đây, tiếng bước chân bì bõm đan xen với những câu tán gẫu, động viên nhau làm việc tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi…
Bến Hến – địa danh hình thành từ rất lâu đời ở xã Trường Sơn, Đức Thọ như đã mặc nhiên nói đến sự gắn bó của con hến dòng nước sông La với người dân nơi đây. Đặc biệt hơn, ở đây còn có đền thờ ông tổ của nghề làm hến – đền Làng Cào.
Qua giêng, khi tiết Nàng Bân còn chưa đến, người làng Bến Hến đã kéo nhau xuống sông, vượt cái lạnh, rét mướt để đi tìm con hến. Những người đàn ông lực lưỡng, vạm vỡ trong làng thức dậy từ sớm, giong thuyền vượt sông La lên đến hạ nguồn Ngàn Sâu tít tận xã Đức Liên, huyện Vũ Quang để cào hến.
Ngày trước, hến sông La còn nhiều nên người dân không phải vất vả đi xa tìm. Nhưng, theo năm tháng, nguồn hến cạn dần nên việc đánh bắt khó khăn hơn. Để thuận lợi, nhiều phu hến chấp nhận để thuyền ở khu vực đánh bắt, rồi hằng ngày đi lại bằng xe máy vài ba chục cây số từ nhà ra “điểm hẹn”.
Dù không quá vất vả như cánh đàn ông nhưng chị em phụ nữ ở thôn Bến Đền (xã Trường Sơn) cũng có mức thu nhập tương đối khá. Khi con hến về nhiều, có người thu về hơn 500 nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/ngày từ hến thương phẩm. Dọc bờ sông La, mỗi gia đình dựng lên một cái lều nhỏ, trong đó chỉ có bếp và củi dùng để luộc hến. Cứ tờ mờ sáng hoặc chớm chiều, cả dãy lều lại nghi ngút khói, ấy là lúc bà con bắt đầu công đoạn luộc hến.
Chị Đoàn Thị Hương bước sang tuổi 37 thì cũng có đến ngót nghét 30 năm tuổi nghề. “Cả làng này đều làm hến, chúng tôi biết chao, đãi từ nhỏ để phụ giúp ông bà, cha mẹ. Lớn lên, lấy chồng cùng thôn nên tôi tiếp tục gắn bó với nghề này” – chị Hương chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, việc luộc, chao hến không khó, cũng không có kỹ thuật gì phức tạp. Hến sau khi được đánh bắt phải ngâm nước để nhả bùn, nhặt sạch sạn, rác; sau đó rửa sạch và luộc sơ để nhả ruột.
Khi luộc hến đòi hỏi lửa phải to để nước vừa sôi trong thời gian ngắn đủ để hến há miệng nhưng con không bị nhừ, nát. Cả ruột và vỏ hến đều chìm nhưng phần thịt nhẹ hơn vỏ, khi chao dưới nước, ruột sẽ nổi lên nên chỉ cần nhanh tay hất phần ruột hến sang rổ khác. Công việc cứ tiếp tục nhiều lần cho đến khi tách ruột và vỏ hến .
Một người phụ nữ trong ngày có thể đãi 10 mớ hến (tương đương khoảng 1 tạ hến vỏ hoặc 1 yến hến thương phẩm). Giá hến hiện tại dao động từ 120 – 150 nghìn đồng/kg, ngoài ra, giá con dắt (giống con hến nhưng nhỏ hơn) khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg. Người đãi hến thường làm vào thời gian rạng sáng hoặc đầu buổi chiều.
Vừa đều tay chao hến, chị Duyên vừa nói, hôm nay khách đặt trước hơn 3 yến hến nhưng chỉ được khoảng 1/3. Hến chúng tôi giờ đã trở thành đặc sản nhưng lại ngày càng hiếm nên không lo về đầu ra. Làm được chừng nào khách lấy hết chừng đó. Hến Đức Thọ được nhiều người khắp nơi biết đến, khách hàng không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn cả những tỉnh khác, đặc biệt là Nghệ An.
Phần lớn hến được tiêu thụ tại chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ), mỗi ngày phải có đến hàng chục người buôn bán hến ở đây. Chị Xuyên – một tiểu thương cho hay, buổi sáng sẽ có đông người bán hơn buổi chiều. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được từ 20 – 30 kg hến ruột. Ngày nhiều thì khoảng 50 kg. Hến hiếm có phiên ế chợ. Thu nhập hằng ngày cũng được khoảng vài trăm nghìn đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Phan Tuấn Anh cho biết, nghề làm hến ở địa phương đã giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, nhiều hộ đã giàu lên. Hiện còn khoảng 80 hộ dân trên địa bàn đang bám nghề. Dù là nghề truyền thống lâu đời nhưng có những năm “mất mùa”, hến nguyên liệu rất ít. Hến cũng không có quanh năm mà chỉ tập trung chủ yếu vào mùa xuân và mùa hè. Do đó, chính quyền tuy đã tính đến việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu riêng nhưng lại gặp khó khăn.
Theo Báo Hà Tĩnh