Trùng tu điện Thái Hòa sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến

Huyền Linh 80 lượt xem 8 Tháng Mười, 2024

Điện Thái Hòa, ngôi điện đẹp và có vị trí quan trọng nhất Kinh thành Huế đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự kiến, tháng 11/2024 di tích này sẽ mở cửa đón khách tham quan trở lại, sớm hơn kế hoạch 12 tháng.

Đầu tháng 10/2024, rào chắn xung quanh điện Thái Hòa được tháo gỡ, mở lối đi vào phần chính điện để du khách tiện tham quan, thấy các nghệ nhân đang thực hiện công tác trùng tu.

20
Tổng thể điện Thái Hòa hiện tại. Ảnh: Nguyễn Phong.

Sau gần 3 năm trung tu, hiện công trình đã lộ diện hình hài, nhiều hạng mục quan trọng đã được hoàn thiện nhanh chóng. Dự kiến, tháng 11/2024 di tích này sẽ mở cửa đón khách tham quan trở lại, sớm hơn kế hoạch 12 tháng.

Sau hơn 200 năm, điện Thái Hòa xuống cấp và được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu tổng thể di tích cuối tháng 11/2021.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt và bố trí vốn trùng tu năm 2021 từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, với tổng mức đầu tư trên 128 tỉ đồng.

Dự án có tổng diện tích 7.100 m2, trong đó khuôn viên điện Thái Hòa có tổng diện tích 4.851,3 m2, điện Thái Hòa 1.440 m2, sân Đại Triều Nghi 1.640 m2

Đặc biệt, toàn bộ hệ thống sườn nhà của ngôi điện được làm bằng gỗ lim. Trong số 80 cột của ngôi điện, có 66 cột được sơn son, vẽ rồng thếp vàng lá 24k, một công đoạn hết sức quan trọng trong công tác trùng tu điện Thái Hòa.

Công đoạn sơn son thếp vàng bên trong cung điện phải trải qua nhiều công đoạn xử lý, từ sơn lót, mài mịn, sơn cầm, vẽ tay, thếp vàng… cùng nhiều bước kỳ công khác.

Các công trình cung điện triều Nguyễn có kiến trúc gỗ được sơn son thếp vàng, tạo nên nét đặc trưng và khẳng định vị thế của vương triều.

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế. Đây là nơi đặt ngai vàng – một biểu tượng quyền lực của triều đại. Đây cũng là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình, hoàng gia.

Điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng và là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn. Đây là một công trình nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993.

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm