Trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu: Việt Nam-Hãy bắt tay vào thực hiện

Trần Hùng 184 lượt xem 17 Tháng Năm, 2021

Việc Việt Nam cam kết trên trường quốc tế sẽ đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030 thực ra là không cần thiết và không mấy ý nghĩa để đưa nó thành một mục tiêu chính sách trong nước. Cách tiếp cận “hứa ít nhưng làm nhiều” trong ngoại giao về kiểm soát khí thải nhà kính mới là khôn ngoan. Giờ đây ta hãy bắt tay vào thực hiện. Lượng phát thải khí CO2 của Việt Nam có thể đạt đỉnh trước cả năm 2030.

Viet%20nam%20trong%20hoi%20nghi%20thuong%20dinh%20a1
Dự án trồng một tỉ cây xanh, cùng với việc lắp đặt năng lượng tái tạo rộng rãi trên toàn Việt Nam trong những năm gần đây, cho ta lí do để hi vọng. Ảnh minh họa: Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh. Nguồn ảnh:cafebiz.vn

Bốn mươi nhà lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu dưới hình thức trực tuyến trong hai ngày 22-23/4 để chào mừng nước Mỹ quay lại cuộc chiến biến đổi khí hậu. Để chuẩn bị cho hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Anh vào tháng 11 tới đây, năm năm sau Thỏa thuận Paris, những nhà lãnh đạo này nhắc lại cùng nhắc lại thỏa thuận của họ đối với tính cấp bách của thảm họa khí hậu. Họ cùng thừa nhận sự cần thiết phải giảm mức khí thải nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050 để có cơ hội duy trì nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1.50C.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày chính sách khí hậu của Việt Nam ở Hội nghị thượng đỉnh. Ông nhận thức được sự quan trọng của việc kìm hãm mức nóng lên toàn cầu không tăng quá 1.50C và sự bức thiết phải chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, có tổng mức khí thải bằng 0. Ông tuyên bố rằng, việc chuyển đổi này là bắt buộc và không loại trừ một lĩnh vực nào cả. Ông kì vọng các nước phát triển tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc giảm khí thải và hỗ trợ các nước đang phát triển. Việc theo đuổi mục tiêu khí hậu phải phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Và ông đưa ra cam kết của Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu bao gồm:

Giảm 9% khí thải nhà kính vào năm 2030 không điều kiện, với nguồn lực trong nước. Việc giảm thiểu này sẽ đạt đến 27% với điều kiện được hỗ trợ song phương và đa phương.

Giảm đáng kể các nhà máy phát điện chạy bằng than và tăng tỉ lệ điện tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia tới 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.

Giảm lượng khí thải nhà kính trên một đơn vị GDP xuống gần 15% vào năm 2030 và khí methane từ hoạt động sản xuất nông nghiệp 10%.

Trồng một tỉ cây xanh đến năm 2025, một dự án nhằm hấp thụ 2-3% tổng lượng khí thải của Việt Nam vào năm 2030.

Theo quan sát của tôi trong lĩnh vực năng lượng, sự hỗ trợ song phương và đa phương đối với Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong năm năm vừa qua. Mục tiêu giảm 27% khí nhà kính đến năm 2030 có lẽ sẽ là điều Việt Nam theo đuổi trong tương lai: Tổng thống Mỹ Joe Biden, người chủ trì hội nghị, đã tuyên bố rằng sẽ tăng cường các kế hoạch tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển về biến đổi khí hậu. Dẫu rằng những kế hoạch này chưa đủ để Mỹ bù đắp lại bốn năm vừa qua bỏ bê nhiệm vụ lãnh đạo trong vấn đề này, thì hội nghị cũng là một sự kiện ngoại giao thành công. Các thành viên hội nghị đã bàn thảo về sự cần thiết phải thống nhất một mức giá sàn chung cho carbon, trong trường hợp vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng than đá. Phần lớn các quốc gia đều đồng loạt hướng đến mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030:

Liên minh châu Âu đang luật hóa mục tiêu giảm tổng lượng khí thải nhà kính tới năm 2030 bằng 55% so với mức ở những năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050 (trung hòa carbon là lượng khí carbon thải ra bằng lượng carbon hấp thụ và sử dụng).

Mỹ cam kết sẽ giảm một nửa lượng khí thải nhà kính của mức năm 2005 trong thập kỉ này (trước đó, dưới thời kì cựu Tổng thống Obama, Mỹ cam kết đến năm 2025 giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của mức năm 2005).

Nhật cam kết sẽ cắt giảm khí thải nhà kính xuống còn 46% của mức năm 2013 vào năm 2030, tham vọng giảm một nửa so với mục tiêu họ đặt ra trước đó.

Canada cũng nâng cao tham vọng của mình, cam kết giảm 40-45% lượng khí thải của năm 2005 đến năm 2030.

Hàn Quốc cũng hứa sẽ đình chỉ việc sử dụng ngân sách để tài trợ cho những dự án than ở nước ngoài và sau đó nhấn mạnh việc sẽ nhất quán với cam kết đến năm 2050 đạt mục tiêu tổng lượng khí thải nhà kính bằng 0.

Cam kết của các quốc gia khác liên quan đến việc ngăn chặn nạn phá rừng và sản xuất năng lượng sạch hơn. Ba Lan, một quốc gia sử dụng nhiều điện than, tuyên bố rằng họ vừa kết thúc đàm phán với các hiệp hội những người lao động ở mỏ than để đảm bảo một quá trình cắt giảm điện than công bằng và xác đáng sắp tới. Ấn Độ tiếp tục khẳng định mục tiêu đạt tổng công suất điện tái tạo là 450GW vào năm 2030. Trung Quốc nhấn mạnh quy hoạch sẽ đạt mức đỉnh khí thải carbon vào năm 2030 và hứa sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060, và cam kết xa hơn nữa là dừng việc tiêu thụ than kể từ năm 2025 trở đi.

Khi các quốc gia dẫn đầu đều giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, liệu đến thời điểm đó Việt Nam đã đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính hay chưa? (để kể từ đó về sau chỉ có giảm phát thải mà không tăng nữa). Bản cập nhật của Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đối với việc chống biến đổi khí hậu (NDC) đã lí giải các mục tiêu giảm khí thải nhà kính chi tiết hơn (xem bảng 1).

Bảng 1: Khí thải nhà kính của Việt Nam trong từng kịch bản theo bản NDC cập nhật (2020)

2014 2020 2030
Kịch bản thông thường 284.0 528.4 927.9
Kịch bản cam kết không điều kiện (bằng nội lực) 284.0 528.4 844.0 (-9% kịch bản thông thường)
Kịch bản cam kết có điều kiện (với sự hỗ trợ của nước ngoài) 284.0 528.4 677.1 (-27 % kịch bản thông thường)

Đơn vị : Triệu tấn CO2

Mục tiêu giảm khí thải được xác định dựa trên kịch bản phát thải thông thường (không có hành động chống biến đổi khí hậu), cho thấy rằng lượng khí thải sẽ vẫn tăng, kể cả trong kịch bản tham vọng nhất, chỉ là tăng chậm hơn. Tuy nhiên, kịch bản thông thường này không thể quan sát được. Nó là một kịch bản phi thực tế, một kịch bản tưởng tượng. Cùng với phong cách đó, cam kết “năng lượng tái tạo sẽ chiếm một phần trong các nguồn năng lượng chính” có phần mờ ảo khi tính “lập lờ” cả thủy điện lớn và các nhà máy phát điện sinh khối truyền thống trong đó. Bởi vậy, những con số trong kịch bản NDC này không thuộc phạm trù của những mục tiêu có thể lượng hóa, theo dõi và kiểm chứng được. Những con số này chỉ mang ý nghĩa chính trị với mục đích thể hiện thông điệp rằng Việt Nam có tham gia vào quá trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bản NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện tham vọng lớn hơn bản gốc trước đó. Trong bản cập nhật nộp vào năm 2020, Việt Nam cam kết giảm lượng khí thải từ 9%-27% là lớn hơn so với cam kết gốc vào năm 2016 là chỉ giảm từ 8%-25%. Ngoài ra, ngụ ý của cam kết có điều kiện của Việt Nam là nước ta cũng kì vọng vào sự hỗ trợ của quốc tế từ các nước đã phát triển. Với điều kiện đó, lượng khí thải trong khoảng từ năm 2020 – 2030 sẽ là 150 triệu tấn thay vì 400 triệu tấn như kịch bản thông thường. Trong vòng 10 năm tới, vốn đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghiệp trong kịch bản chỉ tăng 150 triệu tấn khí thải sẽ khác với vốn đầu tư vào kịch bản 400 tấn khí thải. Trong vòng sáu năm qua, lượng khí thải của Việt Nam đã tăng 244 tấn. Giảm khí thải xuống còn 150 tấn trong 10 năm tới sẽ là một bước ngoặt lớn. Việt Nam “đặt cược” khá tham vọng và thể hiện sự cam kết với việc giảm khí thải của quốc gia. Nhưng kiểm soát đạo hàm bậc hai của đường cong là không đủ. Bước tiếp theo là làm sao để giảm lượng khí thải xuống bằng 0.

Dự án trồng một tỉ cây xanh, cùng với việc lắp đặt năng lượng tái tạo rộng rãi trên toàn Việt Nam trong những năm gần đây, cho ta lí do để hi vọng. Nền kinh tế và xã hội Việt Nam thay đổi nhanh chóng hơn phần lớn các quốc gia khác. Khả năng cao là Việt Nam không làm gì thì lượng khí thải cũng đã ở dưới mức kịch bản thông thường rồi. Kịch bản này được tính toán từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra, dựa vào bản Quy hoạch điện cũ. Nó không tính đến lượng carbon không thải ra môi trường nhờ vào sự bùng nổ gần đây của điện mặt trời và gió. Trong vòng năm năm tới, việc khởi động thị trường cho các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ điện năng là khả thi – và nó sẽ giúp tất cả các tổ chức trên khắp cả nước tiết kiệm điện và giảm lượng khí thải. Sớm thôi, EVN sẽ bắt đầu dừng hoạt động các nhà máy điện than cũ và không hiệu quả. Việc nối lưới với một số các cánh đồng điện gió ngoài khơi sẽ khả thi trong khoảng thời gian đó. Cải thiện công tác dự báo thời tiết sẽ cho phép sử dụng nhiều và hiệu quả năng lượng gió và mặt trời hơn. Sự trỗi dậy của điện mặt trời nổi, nông điện (vừa lắp điện mặt trời vừa canh tác trên cùng một nông trại), lưu trữ điện năng, điện sinh khối, công nghệ thu lại nhiệt hao phí và lĩnh vực các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ làm nhiều người ngạc nhiên.

Việc Việt Nam cam kết trên trường quốc tế sẽ đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030 thực ra là không cần thiết và không mấy ý nghĩa để đưa nó thành một mục tiêu chính sách trong nước. Cách tiếp cận “hứa ít nhưng làm nhiều” trong ngoại giao về kiểm soát khí thải nhà kính mới là khôn ngoan. Giờ đây ta hãy bắt tay vào thực hiện. Lượng phát thải khí CO2 của Việt Nam có thể đạt đỉnh trước cả năm 2030.□

Hảo Linh dịch

Theo tiasang.com.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm