Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM dự kiến có mức đầu tư 5.775 tỷ đồng sẽ giúp thành phố tăng tốc đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và giảm bức xạ nhiệt.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM vừa có Tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM.
Theo cơ quan này, Dự án còn góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách từ việc tạo, phát hành và bán tín chỉ carbon chất lượng cao (tạo ra từ giảm phát thải của dự án) trên thị trường tài chính carbon quốc tế; đảm bảo thực hiện tốt và tối ưu hóa cơ chế tài chính carbon tại Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân thực hiện các giải pháp giảm phát thải, bao gồm lắp đặt điện mặt trời mái nhà, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang xe điện… Đồng thời, giảm chi phí tiêu thụ điện năng, tăng sự hiệu quả trong chi phí vận hành trong dài hạn của các tài sản thuộc sở hữu của khu vực công và tư nhân; tăng cường việc sử dụng năng lượng sạch, xanh.
Cụ thể, Thành phố sẽ thực hiện lắp đặt tất cả đường đèn truyền thống trên địa bàn thành phố lên đèn đường LED; lắp đặt điện mặt trời cho mục đích tự sản tự tiêu, không nối lưới tại các đơn vị tòa nhà, tài sản công nhằm tối ưu hóa các chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM có tổng mức đầu tư là 5.775 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 170 triệu USD (tương đương 3.927 tỷ đồng), vốn tài trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD (1.155 tỷ đồng), vốn đối ứng của TP.HCM là 30 triệu USD (tương đương 693 tỷ đồng).
Dự án sẽ có 4 hợp phần chính: Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống đèn LED và xây dựng hệ thống điện mặt trời, tiết kiệm năng lượng (170 triệu USD); Thiết lập và triển khai vận hành cơ chế tín chỉ carbon (10 triệu USD); Thúc đẩy khối tư nhân đầu tư các giải pháp giảm phát thải thông qua tiếp cận thị trường carbon quốc tế (40 triệu USD); Hỗ trợ thực hiện ( 30 triệu USD),
Dự kiến, công tác chuẩn bị dự án thực hiện từ năm 2024 -2025; đầu tư xây dựng dự án từ năm 2026-2030; hoàn thành đưa vào sử dụng sau năm 2030.
Theo tính toán ban đầu, Dự án sẽ tạo ra lượng giảm phát thải khí nhà kính khá lớn cho TP.HCM, trong đó chỉ riêng hệ thống điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà hành chính công sẽ có tổng công suất từ 30 MWp đến 40 MWp, còn hệ thống điện mặt trời trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ có công suất từ 60-70 MWp.
Đặc biệt, Dự án sẽ góp phần triển khai thành công việc tạo, phát hành và giao dịch tín chỉ carbon chất lượng cao. Từ đó, sẽ thúc đẩy tư nhân thực hiện các giải pháp giảm phát thải thông qua việc chi trả khoản hỗ trợ tài chính cho khối tư nhân khi các đơn vị này chuyển giao lượng giảm phát thải cho Thành phố để giao dịch tín chỉ carbon tạo ra nguồn thu từ thị trường carbon quốc tế.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, trước đó, ngày 19/1/2024, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất danh mục các dự án vận động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, UBND TP.HCM đã đề xuất 02 dự án thuộc lĩnh vực ưu tiền, gồm: Dự án đầu tư quản lý rủi ron ngập lụt tại TP. Thủ Đức và Dự án đô thị carbon thấp.