Trẻ con nhà tôi từ ngày phải nghỉ học một cách bất đắc dĩ vì dịch COVID-19, ăn uống trở thành đam mê với chúng. Ngày nào chúng cũng hỏi tôi: “Sáng mai ăn gì? Tối nay ăn gì?”. Chúng hỏi và háo hức chờ tôi nghĩ ra những món ăn hấp dẫn để thay đổi khẩu vị mỗi ngày.
Cũng câu hỏi đó: “Tối nay ăn gì?”, tôi nghĩ nhiều đến những người công nhân trong nhà máy bị đóng cửa và lao động thời vụ, họ đang vật lộn với cuộc sống khó khăn bởi dịch bệnh và đang thiếu việc làm. Họ hỏi với nghĩa, tối nay không biết còn gì để ăn hay không?!
Mùa giãn cách thứ hai diễn ra ở TPHCM, cách đây hơn một năm, thành phố cũng thực hiện giãn cách cùng cả nước. Cùng với dịch bệnh, giãn cách là cuộc vật lộn với thực tế thiếu việc làm, cắt giảm thu nhập xuống tận đáy; người lao động đối mặt khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Một buổi tối, tôi đọc tâm sự của gia đình chị Hạnh, công nhân công ty may đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, khi công ty ngừng việc để thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị còn đúng một triệu đồng. Lúc này, chị phải tính toán làm sao co kéo cho đủ trong 14 ngày giãn cách? Giải pháp đầu tiên, cả nhà nhịn ăn sáng, thế cũng đỡ được một khoản. Có những ngày, vợ chồng chị ăn mì tôm cả ngày, chỉ tốn khoảng 10 nghìn đồng cho mỗi người/ngày.
Đọc những thông tin đó, tôi bị ám ảnh ghê gớm, vì chị Hạnh không phải là trường hợp duy nhất. Công nhân mất việc, thiếu việc, người bán vé số, xe ôm, lao động thời vụ, giúp việc theo giờ cũng phải tạm nghỉ việc… Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến kế sinh nhai hàng ngày của hàng triệu người.
“Ai cũng bảo ở nhà để đảm bảo an toàn, mà ở nhà thì ăn gì, tiền đâu mà ăn? Chúng tôi là lao động tự do, ăn bữa nay lo bữa mai, làm gì có nhiều tích luỹ để dành đối phó cho những ngày dịch bệnh?” chị Mậu, một giúp việc nhà theo giờ chia sẻ. Để tiết kiệm, chị cũng nhịn ăn sáng, còn trưa và tối thì trông chờ vào những bữa cơm từ thiện, đỡ được đồng nào hay đồng ấy, chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Những tưởng thời nay làm gì có mấy ai bị đói, vậy mà thời của COVID -19 bị đói là có thật. Công nhân và người lao động tự do, lao động thời vụ… vật lộn thế nào trong dịch bệnh thiếu thốn? Câu hỏi nhói lòng đó không phải là không được chính quyền, lãnh đạo thành phố tính đến. Gói an sinh xã hội thứ hai đang được UBND TPHCM trình để HĐND thành phố thông qua cuối tháng 6 này. Như vậy, hơn nửa triệu người lao động bao gồm giáo viên, bảo mẫu, xe ôm, bán vé số, hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể, hộ nghèo và cận nghèo, người có công, lao động tư do… cùng hàng nghìn đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại TPHCM sẽ được xem xét, hỗ trợ. Mức hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ, đây là một trong những thông tin tích cực nhất đối với những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Thế nhưng, ông bà xưa có câu “miệng ăn núi lở”, ngồi một chỗ mà ăn thì tiền chất thành núi cũng hết, nói chi người không có thu nhập. Các khoản phụ cấp, hỗ trợ chỉ như muối bỏ biển, so với cuộc sống phải chi tiêu hàng trăm thứ mỗi ngày. Nhưng dù sao, những người khó khăn ít nhất cũng không phải đau đáu câu hỏi “tối nay ăn gì?” nữa.
Theo Tiền Phong