Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì

Hồng Đào 354 lượt xem 19 Tháng Năm, 2021

Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt.

sonthanh 1
Tượng thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Theo truyền thuyết thì Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) đ­ược ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen nhà nghèo ở Động Lăng S­ương thuộc thôn Lăng S­ương xã Trung Nghĩa huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ sinh ra. Cha mất sớm, phải theo mẹ sang núi Ba Vì (núi Tản Viên) kiếm củi sinh sống. Năm 15 tuổi mẹ chết, Sơn Tinh được bà Ma Thị Cao Sơn (thần cai quản núi Tản Viên) cư­u mang và giao cho cả một vùng đất rộng lớn từ núi Tản Viên sang Nghĩa Lĩnh. Biết là ng­ười có trí, đức Tiên ông đã ban cho cây gậy “Đầu sinh đầu tử” và thần chú. Nhờ có gậy thiêng, Sơn Tinh đã diệt trừ thú giữ và cứu giúp nhiều ng­ười nên đư­ợc nhân dân tôn là Thần sư­. Sau này, Sơn Tinh tiếp tục cứu sống công tử con vua Thủy Tề và đư­ợc vua Thủy Tề ban cho sách ư­ớc nên đã thắng Thủy Tinh và kết duyên với công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Vư­ơng thứ 18 (Hùng Duệ Vư­ơng). Nhờ có công dẹp giặc Thục, bình yên đất nước nên đư­ợc nhà vua phong làm Nhạc Phủ Thư­ợng đẳng thần và đư­ợc nhân dân tôn phong là vị tổ của bách thần, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngư­ỡng dân gian thờ thần của ng­ười Việt. Đến thời nhà Lý, Ngài lại được phong là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”.

Non thiêng Ba Vì – Tản Viên từ xa xưa đã được nhắc đến với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Nơi đó, Sơn Tinh hiện lên như một vị anh hùng khai sơn trị thủy. Khắp vùng Ba Vì, đâu đâu cũng có những dấu tích chế ngự thiên tai của Sơn Tinh, như: Bãi Đá Chông, ngọn U Bò, dãy Gò Choi, núi Đá Chèm, tre Ngòi Lạt…; những làng mạc còn lưu thần tích, ngọc phả ghi nhớ công ơn vị sơn thần dạy dân cách tạo lửa, đánh bắt, trồng trọt và ca múa. Đặc biệt, hiện hữu dày đặc và thuyết phục hơn cả là tục thờ Tản Viên Sơn Thánh với cộng đồng nhiều dân tộc cùng thực hành tín ngưỡng.

Tưởng nhớ công đức của ngài, nhân dân ở nhiều địa phương đã lập đền thờ, xong trung tâm thờ phụng là mảnh đất xứ Đoài (vùng lõi là huyện Ba Vì). Hiện trên địa bàn huyện Ba Vì có có 300 di tích, thì trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia và cấp thành phố. Điều đó phần nào khẳng định công trạng to lớn của Ngài đối với nhân dân, đất nước. Ngài không chỉ là Vị Thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân suy tôn là Đệ Nhất Phúc Thần, Th­ượng đẳng tối linh thần và là vị Anh hùng dân tộc, anh hùng khai điền trị thủy, anh hùng khai sáng văn hoá của dân tộc ta từ thủa dựng nước. Với giá trị di sản văn hóa to lớn đó, ngày 30/01/2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL.

Thực tế này khẳng định tục thờ Tản Viên Sơn Thánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân huyện Ba Vì.

hoat dong le 1
Hoạt động tế lễ tại di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Hàng năm lễ hội tại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh thường diễn ra vào khoảng Rằm tháng Giêng và lễ tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản được thực hiện vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch. Di tích thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh lâu đời và tiêu biểu nhất là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (thuộc địa bàn hai xã Ba Vì và Minh Quang), đình Tây Đằng (thuộc thị trấn Tây Đằng), đình Thụy Phiêu (xã Thụy An), đình Khê Thượng (xã Sơn Đà)…

Ngoài lễ vật thông thường như gà, lợn, xôi, rượu, hương hoa thì mỗi nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trong các kỳ tiệc lớn lại có lễ vật riêng. Trong đó, lễ vật không thể thiếu là lợn hoặc gà phải có màu lông đen tuyền. Nếu lợn, gà cúng Thánh mà có sợi lông trắng thì năm đó cả làng làm ăn không may mắn… Tất cả những đồ lễ Thánh đều gợi nhớ thời kỳ săn bắt hái lượm và thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Tản Viên Sơn Thánh…

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì luôn có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, thủ nhang (người đại diện cho nhân dân trong vùng) sẽ đọc văn tế nhắc lại công trạng của Tản Viên Sơn Thánh trong không khí trang nghiêm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sắc phong với những mỹ hiệu tôn.

Phần hội có nhiều trò diễn mang tính truyền thống thượng võ và cần cù, sáng tạo trong lao động của nhân dân, như múa lân, múa rồng, chơi đu, đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, bắt vịt, đi cầu leo… Những hoạt động này đều nhắc lại công tích của Tản Viên Sơn Thánh trong việc dạy nhân dân làm nghề nông và luyện quân…

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội… Về giá trị lịch sử, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân.

Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương – Nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh đó, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”…

Để bảo vệ di sản, những năm qua, huyện Ba Vì đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kiểm kê và lập hồ sơ khoa học “Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh” trên địa bàn huyện. Nhóm nghiên cứu của huyện Ba Vì đã phỏng vấn, ghi âm, văn bản hóa truyền thuyết, truyền miệng về Tản Viên Sơn Thánh và tập quán thờ ngài đối với hơn 30 người đang nắm giữ và thực hành tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh…

Huyện Ba Vì phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cho việc dịch, lưu trữ, bảo quản các thần phả, sắc phong, câu đối; đồng thời, nghiên cứu, tư liệu hóa truyền thuyết, thần tích và những câu chuyện về Tản Viên Sơn Thánh và các tướng lĩnh của ngài.

Ngoài ra, huyện sẽ tổ chức một số cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, với cộng đồng, các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng bảo vệ di sản; nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản và các biện pháp bảo vệ di sản.

Theo quehuongonline

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm