Thúc đẩy hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Ngọc Thương 78 lượt xem 23 Tháng Tám, 2024

(Tổ Quốc) – Trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN lần thứ 4, phiên chuyên đề ‘Kiều bào – Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt” đã diễn ra vào chiều ngày 22/8.

Tham dự chương trình có bà Phạm Thị Kim Hoa, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tiến sĩ Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

z575635407885735f57498cc82af52c2b1c6adf28266cb 17243230541512120942580
Tại phiên chuyên đề “Kiều bào – Sứ giả Văn hóa và Ngôn ngữ Việt”.

 

Phiên chuyên đề còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp Cục/Vụ và cán bộ của các cơ quan chủ trì, các cơ quan khác và các đại biểu kiều bào.

Phát biểu tại phiên chuyên chuyên đề, ông Trần Nhất Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong xu thế hội nhập quốc tế, thời gian qua, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật không ngừng được đẩy mạnh, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hoá, hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới, đồng thời tạo sự gắn kết giữa bạn bè quốc tế với Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước.

Triển khai Nghị quyết 36-NQ/TƯ ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các cơ quan triển khai các chương trình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cơ sở có sự phối hợp rất hiệu quả của các cơ quan và đơn vị liên quan.

Trong giai đoạn vừa qua, triển khai các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì đàm phán ký kết 125 văn bản hợp tác quốc tế (điều ước, thỏa thuận quốc tế) về văn hoá, thể thao và du lịch làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế, tận dụng các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế.

“Với vai trò chủ lực, đi đầu, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, tổ chức thực hiện công tác quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, kể từ năm 2015 khi Chiến lược văn hóa đối ngoại được ban hành, đã tổ chức trên 30 chương trình, hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, củng cố tình hữu nghị với bạn bè truyền thống”, ông Trần Nhất Hoàng cho biết.

Theo ông Trần Nhất Hoàng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng chủ trì và điều phối tổ chức trên 80 sự kiện Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đến các nước có quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống, các nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn quan hệ ngoại giao giữa Việt nam với các nước.

z575635466302196a1ddba65a95717bed74d23ef87c154 17243314534501719328891

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên chuyên đề “Kiều bào – Sứ giả văn hóa và Ngôn ngữ Việt”.

 

Các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô, có trọng tâm, trọng điểm nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước, tiêu biểu như Năm chéo Pháp – Việt (2013-2014), Năm chéo Việt – Nga, Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2017 và 2020, Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2017 và 2022; chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha. Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức và tạo sức lan tỏa sâu rộng, giới thiệu các giá trị văn hóa Việt nam đến cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác truyền, vận động, xây dựng tủ sách Tiếng Việt, góc Việt Nam, thư viện Việt tại thư viện cộng đồng Việt Nam ở các nước. Hoạt động này được thực hiện thông qua việc phổ biến sách, văn hóa phẩm, phim ảnh, sản phẩm du lịch đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp nguồn tư liệu hỗ trợ tích cực, hiệu quả, chất lượng cho việc dạy và học tiếng Việt. Công tác truyền thông vận động được thực hiện lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án phát triển văn hóa trong cộng đồng, đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

z575635413439331176ddafa1466afa70afb7835095202 1724331481098770370431
Các đại biểu tham gia phiên chuyên đề.

Đặc biệt trong năm 2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Uỷ Ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phát động Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề “Sách và Khát vọng cống hiến” tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với mong muốn truyền về văn hóa đọc, phát huy việc dạy và học tiếng Việt trong cộng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhằm mục đích phát huy hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, qua đó hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, gắn kết tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương đất nước, đồng thời, khắc phụ những hạn chế, tồn tại, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất triển khai một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, không ngừng nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa kết nối trong nước với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tôn vinh tiếng Việt.

Thứ hai, khuyến khích duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình, đồng thời tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hóa Việt Nam tại các nước, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với từng địa bàn, đồng thời có sự thống nhất chung cho mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ…

Thứ tư, không ngừng nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào có thông tin và mong muốn đem khả năng, trình độ cao của mình đóng góp cho quê hương, đất nước; đề cao vai trò của công tác truyền thông, công tác khen thưởng nhằm ghi nhận, khuyến khích, truyền cảm hứng cho những đóng góp to lớn của từng cá nhân và tổ chức người Việt cho đất nước, qua đó gắn kết, thu hút nhiều hơn nữa những đóng góp có giá trị của người Việt trên khắp thế giới cho mục tiêu phát triển đất nước.

Thứ năm, tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng kênh thông tin internet, truyền hình kỹ thuật số kết nối kiều bào với quê hương; cung cấp các phần mềm dạy, học tiếng Việt và các tài liệu hỗ trợ liên quan qua cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến để kiều bào thuận tiện trong tiếp cận thông tin, tổ chức chương trình cuộc thi tìm hiểu tiếng Việt nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, nâng cao trình độ tiếng Việt của kiều bào, qua đó, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt.

Quảng bá văn hóa Việt Nam tới du khách quốc tế

Với tham luận “quảng bá văn hóa Việt Nam tới du khách quốc tế”, bà Huyền Tôn Nữ Camille – Kiều bào tại Thụy Sĩ chia sẻ: “Sống gần 40 năm ở Đức, Pháp và Thụy Sĩ, chúng tôi luôn hướng về quê hương Việt Nam – nơi có cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè và tuổi thơ của mình. Những tập tục văn hoá, cách ứng xử và thơ ca đẹp của Việt Nam từ thuở thơ ấu đã đi theo tôi ra nước ngoài”.

z57563540858979a6805ba8739839ba29ca58c0e4d8d1e 17243314760671090332735
Bà Huyền Tôn Nữ Camille – Kiều bào tại Thụy Sĩ phát biểu tại Phiên chuyên đề

“Đây là yếu tố quan trọng làm mọi cánh cửa tiếp xúc của tôi được mở ra dễ dàng”, bà Huyền Tôn Nữ Camille nói.

Bà Huyền Tôn Nữ Camille cũng nhận định, các nước văn minh trên thế giới rất thích tìm hiểu văn hóa khác nhau của thế giới, họ cho rằng sự đa dạng văn hóa của người ngoại quốc là đóng góp quý báu làm giàu thêm cho đất nước.

Với vai trò là nghệ sĩ gốc Việt, bà luôn tâm niệm sống xứng đáng để lan tỏa nét hay và đẹp của Việt Nam qua tranh, nhạc, ẩm thực, đặc biệt là làm thế nào để quê hương Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến, ngưỡng mộ và yêu mến.

“Tôi rất tin tưởng vào giá trị của âm nhạc dân tộc Việt Nam nên khi quyết định hồi hương, chúng tôi đã xây dựng Nhà Hát Bến Xuân tại Huế với mục đích lấy khả năng của mình tiếp tục quảng bá cái đẹp-lạ-khác biệt trong âm nhạc và thơ ca Việt Nam cho du khách thế giới đến Việt Nam”, bà Huyền Tôn Nữ Camille cho biết, đồng thời nói rằng không gian văn hóa hội họa và âm nhạc tại Nhà hát Bến Xuân là cửa sổ cho du khách nhìn vào tâm hồn Huế.

Phát huy vai trò của Kiều bào trong hoạt động văn hóa tại châu Âu

Chia sẻ tại phiên chuyên đề, ông Phạm Gia Hậu – Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc cũng cho biết, ông định cư tại Séc đến nay là 26 năm và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã 15 năm.

z5756354122788c851b82e0a11a600e6bcc1ce0bbdc220 17243314848681697128093

Ông Phạm Gia Hậu – Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc

Theo ông Phạm Gia Hậu, ở khu vực châu Âu, một số cá nhân rất thích tổ chức các chương trình nghệ thuật văn hóa nhưng thiếu kinh nghiệm và không có uy tín nên là điều đáng ngại cho hình ảnh cộng đồng.

Ông cho rằng cần sự hỗ trợ sát sao, tham mưu cố vấn của cơ quan đại diện hay các tổ chức trong cộng đồng. Ở các nước lớn, nếu chúng ta không có chế tài, không có biện pháp ngay từ đầu thì vô hình chung các hoạt động tự phát của những cá nhân chưa có kinh nghiệm và có mục đích tư lợi thì sẽ rất nguy hại cho hình ảnh chung của cộng đồng.

“Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện hỗ trợ cộng đồng các nước nên kịp thời phát hiện và có các biện pháp xử lý đúng đắn, không để một số cá nhân tự phát móc nối với các đơn vị kinh doanh văn hóa trong nước tổ chức các hoạt động văn hóa với mục đích lợi nhuận là chính và không đem lại ý nghĩa cho cộng đồng”, ông Phạm Gia Hậu nhấn mạnh.

Theo Tổ Quốc

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm