Thu hút khách du lịch nhờ ‘Cụ gạo’ di sản gần 750 tuổi

Hoàng Thơ 108 lượt xem 29 Tháng Mười, 2023

Sức hút của cây gạo di sản cùng câu chuyện về ‘Bà chúa Mõ’ giúp xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng đón hơn 30.000 lượt du khách mỗi năm.

295a934bb7075e590716.jpg

“Cụ gạo” gần 750 năm tuổi vẫn tươi tốt

Bao thế hệ người dân địa phương, cây gạo cổ thụ trước cửa đền Mõ như người thân, được họ gọi bằng cái tên trìu mến “cụ gạo”. Hằng năm, cứ đến dịp đầu Xuân, cây lại nở hoa đỏ rợp trời thu hút nam thanh, nữ tú dập dìu tìm đến chụp ảnh giữ lại khoảnh khắc thanh xuân.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Minh Việt – Phó Ban Khánh tiết đền Mõ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, cây gạo do chính tay “Bà chúa Mõ” là Quỳnh Trân công chúa thời Trần trồng một năm sau ngày bà về đây lập am tu hành (năm 1284).

Trải qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, dưới bao mưa bom bão đạn của kẻ thù cũng như thiên tai, bão lũ, “cụ gạo” vẫn hiên ngang đứng đó, sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đến nay, cây có chiều cao hơn 30 mét, đường kính gốc hơn 2,5 m, tán lá bao phủ trên diện tích hàng trăm m2. Nhìn “cụ gạo” đền Mõ bốn mùa xanh tốt, ít người nghĩ cây đã gần 750 tuổi.

fa815f907bdc9282cbcd
“Cụ gạo” gần 750 tuổi ở đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, vẫn tươi tốt quanh năm.

Từ khoảng cách 2 – 3 km, vẫn quan sát thấy cây gạo. Lại gần, cây có thân chính và thân phụ giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, vỗ về con nhỏ. Vì thế, người dân trong vùng tin rằng, những cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái, chỉ cần cũng nhau đến chạm vào phần vỏ nơi gốc hay khấn xin “Bà chúa Mõ” và lấy một chút vỏ cây về đem gối đầu giường, sẽ nhanh chóng thụ thai như ý.

Còn một điều cũng kỳ lạ không kém, gần 750 năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá xum xuê tỏa ra tứ phía, nhưng tịnh không có một cành, một lá nào phạm phải một viên ngói nơi đền Mõ gần đó. Nếu có cành nào đó “nghịch ngợm” mọc tràn ra phía trên mái đền, tự nhiên sẽ bị khô héo, mục nát.

Năm 2011, cây gạo đền Mõ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam (xếp thứ 65 trong 70 cây được tổ chức này vinh danh và là cây gạo duy nhất trong danh sách đến thời điểm đó). Năm 2012, cây gạo này tiếp tục được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.

Ghi ơn “Bà chúa Mõ”

Lý do nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến thăm quan và vãn cảnh ở đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, ngoài cây gạo gần 750 năm tuổi, còn có tục lệ “cầu đảo” (cầu mưa) độc đáo.

Theo các bậc cao niên trong vùng, xưa kia, mỗi khi trời hạn hán, đất ngoài đồng nứt nẻ, cây cối khô héo, vạn vật ủ rũ, người dân địa phương lại chọn ngày 12/2 Âm lịch hò nhau khênh long đình bát biểu và bài vị của vị phúc thần được thờ trong đền Mõ ra trường đảo (đàn cầu mưa) mà phơi nắng. Mục đích chính của việc làm này là để các ngài thấu hiểu nỗi khổ vì hạn hán của trăm họ mà ban mưa.

Người dân nơi đây kể rằng, năm nào cũng vậy, nhanh thì vài giờ sau, chậm thì dăm ba hôm sau khi cầu đảo, trời lập tức mưa. Có năm mưa như trút nước, nhiều năm lất phất mưa phùn dù trước đó bầu trời chẳng có dấu hiệu báo trước có mưa. Đến nay, tục lệ này đã được bỏ trong lễ hội đền Mõ.

c16867794335aa6bf324.jpg
Đền Mõ thờ công chúa Quỳnh Trân thời Trần có nhiều công lao với địa phương.

Theo cuốn “Trần triều A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Thượng đẳng thần ngọc phả lục” (Thần tích đền Mõ) do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, được Nhà sử học Ngô Đăng Lợi dịch, vị phúc thần được thờ trong đền Mõ là công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức dưới thời nhà Trần.

Do chán cảnh cung cấm, dù sống trong nhung lụa, nhưng đầy nỗi cô đơn, phiền muộn, công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã.

Một hôm, khi qua vùng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là gồm các xã: Du Lễ, Kiến Quốc và Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng), thấy mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hình con nhạn đang bay, có núi non, sông nước mênh mông, công chúa Quỳnh Trân liền xin với vua cha cho lập am tu hành. Thương con chẳng nỡ xa, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, vua cha ngậm ngùi mà gật đầu đồng ý.

Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Để điều hành công việc hằng ngày, công chúa Quỳnh Trân nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc, mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm.

Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ ở xã Ngũ Phúc đã ra đời và truyền đến ngày nay. Công chúa Quỳnh Trân được mọi người trong vùng gọi với tên trìu mến “Bà chúa Mõ”. Khi mất, bà được người dân trong vùng lập đền Mõ để thờ phụng, hương khói quanh năm. Năm 1992, đền Mõ được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Sỹ Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, cho biết, Lễ hội đền Mõ tưởng nhớ, tri ân công chúa Quỳnh Trân được tổ chức vào 3 ngày, từ 12 đến 14/2 Âm lịch hằng năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài huyện. Dự kiến năm 2023, Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia đền Mõ thu hút hơn 30.000 lượt khách du lịch, người dân địa phương đến vãn cảnh, thắp hương, dâng lễ.

Để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích đền Mõ cũng như cây gạo di sản gần 750 năm tuổi, trên cơ sở đề xuất của xã, UBND huyện Kiến Thụy đang nghiên cứu, xem xét kế hoạch mở rộng khuôn viên khu di tích từ hơn 1,2 ha hiện tại lên hơn 2,8 ha. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo du khách gần xa để phát triển hơn nữa loại hình du lịch văn hóa – tâm linh.

Ngô Quang Thái

Nguồn: Người Đưa Tin

Bài viết cùng chủ đề:

    1 10

    Sài Gòn độc đáo qua ảnh tô màu thời Pháp

    Những công trình biểu tượng của Sài Gòn xưa được tái hiện trong bộ bưu ảnh tô màu bằng tay thời Pháp của nhà sưu tập Bùi Bằng Giang. Thương xá Eden nằm ở góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, là biểu tượng trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa. Ngoài những quầy...
    6 5

    Luỹ tre, cây đa, giếng nước, cổng làng

    Trong quá trình đô thị hóa, người ta phải chấp nhận nhiều sự thay đổi cho phù hợp với nhịp sống chung của xã hội. Nhưng chắc chắn một điều, các biểu tượng văn hóa làng quê Việt như cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình cổ kính… đã ăn sâu vào tiềm thức,...
    3 16

    Cổng làng trong phố: di sản kiến trúc cần được gìn giữ

    Giữa nhịp sống hối hả của phố phường, giữa những tòa nhà cao tầng, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Nhắc đến cổng làng là nhắc đến một biểu tượng độc đáo của văn hóa làng quê Việt. Báu vật của thời gian Đi giữa...
    2 13

    Thảm thực vật đẹp mê mẩn trên đường trekking đỉnh Lùng Cúng

    Chọn lối trekking leo đỉnh Lùng Cúng ít người biết tới, đoàn khách du lịch bao gồm nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cung hết sức bất ngờ với cảnh sắc xuyên suốt cung đường mòn.  Lùng Cúng (thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là điểm cao nhất trong dãy Hoàng Liên...
    9d6f8fb2 b00f 4932 ad4d 367cc2ca12e4

    Kiến trúc điêu khắc độc đáo của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi ở Nam Định

    Nam Định – Mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện có giá trị kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan tiêu biểu và hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật lịch sử quan trọng. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện...

Được quan tâm