Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, hoạt động mua sắm tại các kênh bán hàng trực tiếp như chợ truyền thống, siêu thị… vẫn khá chậm chạp. Trong khi đó, thị trường mua sắm Tết trực tuyến lại cho thấy dấu hiệu sôi động hơn hẳn.
Báo cáo của Metric (nền tảng số liệu E-Commerce) về thị trường đồ trang trí Tết Giáp Thìn 2024 cho thấy từ ngày 25/11 đến 24/12/2023, tổng doanh thu thị trường đồ trang trí Tết Nguyên đán trên 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023.
Kênh thương mại trực tuyến chiếm ưu thế
Có 1.763 shop có phát sinh đơn hàng trên 4 sàn thương mại điện tử nói trên với 427,2 ngàn đơn vị sản phẩm được giao thành công, tăng 56% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023.
Với mặt hàng đang tăng trưởng âm trên kênh mua sắm trực tiếp là bia, lượng đặt hàng trên thương mại điện tử cũng tăng khá. Cụ thể, Metric thống kê được trong tháng 12-2023, doanh thu mặt hàng bia trên các sàn thương mại điện tử đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023.
Khảo sát ý kiến một số người tiêu dùng cũng cho thấy, họ sẽ ưu tiên lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến cho mùa Tết Nguyên đán năm nay.
Chị Nguyễn Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Về đồ sắm Tết, mình sẽ đặt trước qua sàn thương mại điện tử. Mình sẽ sắm dần từ bây giờ và săn mã giảm giá để tiết kiệm được thêm 1 chút”.
Nguyên nhân lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến được chị cho biết là sẽ chủ động tham khảo được giá cả, cân đối kế hoạch chi tiêu trước khi mua, đồng thời tận dụng được các chương trình giảm giá, khuyến mại sâu.
TS Lê Thị Hải Yến, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM) cho biết, hành vi mua sắm của người Việt đang có những thay đổi rõ rệt theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là xu hướng nhiều người đã chuyển sang mua sắm trên các nền tảng, live stream và mạng xã hội như Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VnShop, Sendo…
Năm 2023 ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến khoảng 59-62 triệu người, tức là chiếm hơn một nửa tổng dân số. Thống kê của Cục thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng giá trị thương mại điện tử của thị trường Việt năm 2023 đạt khoảng 20,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2022 (tương đương tăng hơn 4 tỉ USD).
Việc người tiêu dùng dần chuyển hướng sang mua sắm online, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán được cho là do tình hình kinh tế năm nay tương đối khó khăn, người dân cần cân nhắc kĩ hơn khi mua các mặt hàng và ít có nhu cầu mua sắm nhiều hàng hóa hoặc mua các mặt hàng cao cấp. Mặt khác, mua sắm online cũng sẽ giúp người tiêu dùng có thể thoải mái so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tiết kiệm chi phí hơn so với mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị,… nhờ áp dụng được nhiều mã khuyến mãi.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam về xu hướng tiêu dùng hàng Tết cũng đã cho thấy, người tiêu dùng có thể không cắt giảm những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết trong giỏ chi tiêu mà có xu hướng chuyển dịch thứ tự, ưu tiên hàng hóa sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop hiện nay cũng đang triển khai đồng loạt nhiều khuyến mãi cùng các chính sách, dịch vụ giúp khách hàng mua sắm thuận lợi hơn. Ngoài các đợt siêu giảm giá ngày lễ, mã khuyến mãi cho từng ngành hàng, hoạt động livestream diễn ra liên tục… các sàn này cũng đưa ra những ưu đãi tính năng cụ thể như: Giá cước vận chuyển 0 đồng, đổi hàng trong 5 – 7 ngày, hủy đơn hàng dễ dàng, quét mã QR nhận thưởng, săn hàng đồng giá, kiểm tra hàng trước khi nhận, tư vấn, tương tác với khách hàng, đóng gói sản phẩm kỹ lưỡng…
Cẩn trọng hàng giả hàng nhái
Dịp Tết cận kề, nhu cầu tiêu dùng lên cao, thị trường thương mại điện tử lên ngôi cũng là lúc vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng… cũng theo đó diễn biến phức tạp hơn và người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.
Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ hàng loạt các vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đăng bán thông qua các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng,… nhưng vẫn như “muối bỏ bể”, bởi tình trạng công khai bán hàng nhái, hàng giả trên không gian mạng vẫn rất khó kiểm soát. Các sàn lớn như Lazada, Shopee và đặc biệt là Tik Tok shop mặc dù đã ký kết cam kết với Bộ Công Thương “Nói không với hàng giả trong TMĐT” nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Minh chứng cho điều này rất dễ thấy, chỉ cần gõ từ khóa “hộp quà tết” trên sàn TMĐT Shopee, người tiêu dùng sẽ thấy hàng trăm sản phẩm với mức giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/sản phẩm, trong khi giá niêm yết tại website chính hãng của các thương hiệu khoảng từ 230.000 – 250.000/sản phẩm. Trên sàn Tiktok Shop hiện cũng rầm rộ rao bán hàng trăm sản phẩm thịt trâu gác bếp với giá chỉ 160.000 – 500.000 đồng/sản phẩm, trong khi giá các mặt hàng đặc sản này thường luôn ở mức khá cao, khoảng từ 400.000 – 1 triệu đồng/sản phẩm.
Theo đó, các cơ quan chức năng nhận định, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng khi mua sắm online vì dù rất tiện ích nhưng nếu không cẩn thận người tiêu dùng rất dễ bị lừa mua phải các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo: “Người dân cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân”.
Về phía các sàn thương mại điện tử, đại diện của các đơn vị này cho biết sẽ tăng cường truy quét các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, đồng thời có nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng như cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận, bảo hiểm hàng hóa, cho phép đổi trả hàng miễn phí khi hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, chức năng đánh giá, tố cáo hàng hóa kém chất lượng,…