The La, khắc khoải bảo tồn

Huyền Linh 22 lượt xem 24 Tháng Mười, 2024

The lụa La Khê từng được coi là tinh hoa Thăng Long, một di sản đã đi vào ca dao, tục ngữ từ hàng trăm năm qua. Thế nhưng di sản ấy đang chìm dần vào quên lãng, người nắm giữ di sản phải đối mặt với thực trạng cầm cự, giữ nghề từng ngày. Thiếu người thực hành, thiếu người trao truyền, the La Khê đứng trước nguy cơ chỉ còn là hoài niệm.

Người La lạ lẫm với the La

Giữa tháng 10 vừa qua, hàng nghìn người đến với triển lãm “The La – Ngàn năm canh cửi” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được tận tay sờ chạm vào những sản phẩm the lụa chính gốc làng La. Khách Tây thì “mắt tròn mắt dẹt” lạ lẫm với chiếc máy dệt bằng gỗ cổ xưa, chạy hoàn toàn bằng sức người, nhưng cho ra một loại vải mềm và có hoa văn đẹp mắt.

Khách trong nước, nếu là người trẻ, dường như chỉ quan tâm đến thành phẩm, họ so sánh độ dày, độ bóng, độ mềm với các loại lụa ngoại nhập, bởi họ nghĩ rằng, đây chỉ đơn thuần là một loại sản phẩm của làng nghề nào đó. Nhưng nhiều người lớn tuổi không giấu được sự ngạc nhiên, bởi trong tâm trí họ, the La từ lâu đã thất truyền. Nay những thước the lụa được giới thiệu do chính người làng La làm ra, theo đúng công thức truyền thống, khiến cho họ không khỏi bán tín, bán nghi.

Sự hồ nghi đó cũng dễ hiểu, bởi mấy chục năm qua, không mấy ai biết đến sự hiện diện của the La (làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội) trên thị trường. The lụa làng La ngày xưa được coi là tinh hoa Thăng Long, đã đi vào tâm thức của người dân đất kinh kỳ. Câu ca “The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn” để chỉ về những sản vật nức tiếng này. Nhưng giờ đây, hầu hết các làng làm nghề dệt này đều mai một, duy chỉ có làng lụa Vạn Phúc là còn giữ được nghề. Mừng vì sản phẩm the La vẫn tồn tại giữa đời sống đương đại, song cũng có điều nuối tiếc, đó là làng La chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đăng Toản theo nghề.

4 6
Nghệ nhân Lê Đăng Toản – người duy nhất còn nắm giữ đầy đủ các bí quyết của nghề dệt La Khê. Ảnh: VOV

Nhưng điều ngạc nhiên hơn là không ít người dân làng La Khê không biết đến một nghề cổ đã làm nên “thương hiệu” của làng vẫn đang tồn tại. Nghệ nhân Lê Đăng Toản cho biết, có người cùng làng đến triển lãm chia sẻ với anh rằng, ban đầu họ nghe loáng thoáng đến triển lãm the La thì nghĩ rằng đó chỉ là một gian hàng kiểu hội chợ. Khi thấy truyền hình, báo chí đưa tin nhiều thì họ mới đến xem triển lãm và bất ngờ bởi sự “độc lạ” trong trưng bày và biết đến việc gia đình anh vẫn duy trì nghề cổ.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, vợ anh Toản kể lại, trong ngày cuối của triển lãm, một đoàn học sinh của trường làng đến Văn Miếu sinh hoạt ngoại khoá, các em có mang theo bánh đậu xanh. Khi được hỏi, bánh đậu xanh là đặc sản ở đâu, các em đồng thanh trả lời rất dõng dạc là ở Hải Dương. Nhưng khi hỏi các em rằng, ở quê hương ta có thứ gì nổi tiếng thì tất cả đều không trả lời được!

“Rất nhiều bậc cao niên quê gốc La Khê sống tại Hà Nội nghe tiếng triển lãm đã tìm về, mỗi người đều có câu chuyện riêng. The La sau hàng chục năm vắng bóng, chỉ còn lại trong hồi ức và những câu chuyện kể, nay được họ nhắc lại một cách tự hào. Xúc động nhất là có cụ già đã rất cao tuổi, thấy có triển lãm the La, nhất định đòi con cháu đưa tới thăm. Cầm tấm the trên tay, cụ rưng rưng như thấy một kỷ vật quý giá bị mất lâu ngày. Cụ bảo, ông nội cụ chính là người được vua Minh Mạng vời vào Huế để phụ trách dệt the lụa cho triều đình. Nay được thấy the La vẫn đang tồn tại, cụ bảo vậy là mãn nguyện lắm rồi”.

5 3
Du khách nước ngoài tìm hiểu cách thức chuyển động của khung dệt làng La.

Còn đó nỗi lo “mất nghề, mất tên”

Nghề dệt the lụa ở La Khê chính thức được ghi nhận từ thế kỷ XVII. Sản phẩm truyền thống của làng là the lụa, vân, sa, quế, băng, xuyến… bằng tơ tằm, phục vụ từ trang phục của vua chúa đến đồ mặc thường ngày của người dân. Người làng La dùng sợi chập nhưng đặt sợi thưa để tạo nên những tấm vải dày mà lại thoáng. Đặc biệt, một trong những bí quyết làm nên sự khác biệt của the lụa La Khê là việc sử dụng bộ go võng, khiến sợi được đan vặn xoắn, rất chặt mặt. Sản phẩm the lụa dệt bằng cách này không chỉ mềm, mát về mùa hè, giữ nhiệt về mùa đông mà còn có ưu điểm là bền, không bị co giãn hay xô dạt sau một thời gian sử dụng.

Chính vì vậy, the La từng được chọn là vật phẩm tiến vua, làng La từng là xưởng dệt riêng cho kinh thành Huế, khi ấy người làng La không làm ruộng mà chỉ làm nghề dệt. Lại có thời kỳ dài, trai làng La được chính quyền phong kiến miễn đi lính, miễn các loại phu phen tạp dịch để chuyên tâm vào dệt lụa cung cấp cho triều đình. Thời hưng thịnh, sản phẩm dệt của làng La xuất hiện tại các hội chợ lớn của thế giới và rất được ưa thích. Đến nay tại nhiều bảo tàng ở Pháp và một số nước châu Âu vẫn trưng bày những chiếc áo dài cung đình Việt, được may trên nền the lụa làng La.

6 3
Người dân tìm hiểu sản phẩm the lụa La Khê.

Tuy nhiên, do biến thiên của thời cuộc, nghề dệt những mặt hàng cao cấp ở La Khê dần mai một khi người dân chuyển sang sử dụng các loại vải làm từ sợ hoá học giá rẻ. Cách đây chừng hai chục năm, chính quyền đã tổ chức phục hồi lại nghề dệt nhưng không thành công vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Trong số hàng chục người được nghệ nhân Nguyễn Công Toản dạy nghề hồi ấy, nay còn sót lại mỗi mình anh Lê Đăng Toản theo nghề.

Bà Bạch Hồng Ân – nguyên Chủ nhiệm HTX La Khê, cũng chính là người “gọi” anh Toản về học lại nghề cổ, khi anh còn lang thang đi “dựng” máy dệt ở các làng nghề nhận xét, có lẽ là nghề đã chọn đúng người. Bởi anh Toản có thể làm mọi công đoạn của nghề, từ việc đóng dựng máy, thiết kế hoa văn, nhuộm đến chuốt tơ và đứng dệt. Nếu không phải là một con người “đa di năng” như vậy, có lẽ nghề dệt La Khê đã mất rồi. Nối nghiệp người xưa, hiện đã có 9 mẫu the lụa cổ được anh Toản phục dựng như: Tứ linh, tứ quý, chữ thọ, hoa sen, song hạc… với sự cầu kỳ, tinh xảo như “thời các cụ”.

Còn riêng anh Toản, từ triển lãm trở về, khi những náo nhiệt, ồn ào lắng lại thì mối âu lo vẫn còn nguyên đó. Khi không có sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành thì nhiều vấn đề sẽ vượt ra ngoài tầm với của anh và gia đình. Bởi vậy, dù đã được nhiều người biết đến hơn, nhưng anh vẫn xác định “âm thầm” làm nghề như quãng thời gian suốt hai chục năm qua.

“Hiện nay, tuy có thêm hai người phụ việc nhưng chỉ có một mình tôi là nắm được các “tuyệt kỹ” của nghề. Nhiều người trong làng còn không biết đến tôi đang làm gì thì nói sao được chuyện có người theo nghề, học nghề. Bảo tồn ở đây chỉ là chuyện cầm cự, giữ nghề từng ngày thôi”, anh Toản nói.

7 3
Du khách tham quan triển lãm “The La – Ngàn năm canh cửi”.

Anh Toản cũng trăn trở khi sản phẩm anh làm ra vẫn chưa có kênh tiêu thụ chính thức. Ngoài một số ít khách biết tiếng đến mua trực tiếp thì phần lớn phải gửi bán ở một cửa hàng bên Vạn Phúc. Mà ở đó, giữa muôn vàn thứ lụa là bắt mắt, the La dù có tốt, có đẹp cũng không thể nổi bật trong mắt khách hàng. Đáng tiếc hơn, khi có người hỏi, chẳng ai giới thiệu đó là the La, là sản phẩm làng La. Họ nói chung chung đó là sản phẩm cao cấp của làng nghề Vạn Phúc. Chẳng ai đi quảng cáo cho sản phẩm của người khác cả, thế nên, ngoài nỗi lo mất nghề, người nghệ nhân La Khê còn lo mất cả tên.

Dù vậy, cả anh Toản, chị Quỳnh đều tin tưởng có thể bảo tồn được nghề dệt quý của cha ông khi được hỗ trợ về mặt bằng để cải tạo nhà xưởng khang trang hơn. Đã có vài công ty du lịch tìm đến, bày tỏ hợp tác đưa khách về tham quan, trải nghiệm xưởng dệt. Có cả doanh nghiệp may rất lớn muốn hợp tác đào tạo nghề, mở rộng sản xuất…

“Trách nhiệm của chúng tôi phải kiên trì giữ gìn và phát triển di sản này, bởi nếu muốn kiếm tiền, đã có nhiều cách làm khác dễ dàng hơn. Chúng tôi muốn giữ nguyên nét tinh tuý của the La truyền thống nhưng cũng sẵn sàng hợp tác để lan toả vẻ đẹp của một biểu tượng văn hoá, để cùng nhau góp phần gìn giữ một di sản quý gia đang dần mai một”, chị Quỳnh nói.

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

    1 8

    Khám phá làng chài cổ giữa lòng di sản Vịnh Hạ Long

    Khi nhắc đến Vịnh Hạ Long, nhiều người nghĩ ngay đến những dãy núi đá vôi trùng điệp nổi lên giữa làn nước xanh ngọc, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng giữa lòng vịnh kỳ vĩ này còn ẩn giấu một “viên ngọc văn...
    2 5

    Những người ‘giữ lửa’ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Kon Tum

    Bên mái nhà sàn, trong bộ trang phục truyền thống những người phụ nữ DTTS ở Kon Tum ngày ngày miệt mài bên khung cửi. Không chỉ tạo ra các sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc, họ còn cùng nhau chỉ dạy cho con, cháu lưu truyền nghề dệt qua...
    15

    Danh thắng Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản thế giới

    Hồ sơ di sản Yên Tử đang được gấp rút hoàn thiện theo yêu cầu của UNESCO, với thời hạn nộp báo cáo vào ngày 8/11/2024, để chính thức được công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, sau 3 năm, Hồ sơ khoa học quần...
    12

    Nam Định – vùng đất thấm đẫm văn hóa, lịch sử

    Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều lễ hội đặc sắc gắn với các di tích lịch sử. Nơi đây có tới hơn 200 lễ hội truyền thống, tập trung tại thành phố và các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu… Nơi có...
    30 1

    Quảng Nam sẽ tổ chức lễ hội quốc tế lớn nhất về sâm Ngọc Linh

     Quảng Nam sẽ tổ chức lễ hội quốc tế lớn nhất về sâm Ngọc Linh góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang với Hàn Quốc. Theo kế hoạch, các hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/8/2025 tại thành phố...

Được quan tâm