Thế giới chuộng quần áo tái chế, dệt may Việt Nam phải thay đổi

Huyền Linh 134 lượt xem 18 Tháng Mười Hai, 2023

Những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn xanh sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức để giữ vững vị trí top đầu thế giới.

Bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc quốc gia FairWear Foundation (FWF) tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là thị trường quan trọng của nhãn hàng dệt may. Tổ chức này có khoảng 30 nhãn hàng đã được kết nối với 300 nhà máy tại Việt Nam.

Ưu tiên quần áo tái chế, tái sử dụng

Cách đây 10 năm, chỉ có 5-6 nhãn hàng, họ cũng không biết nhiều về doanh nghiệp Việt Nam nhưng giờ số nhãn hàng tăng nhanh, đồng nghĩa số doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhãn hàng cũng ngày càng lớn.

1 7
Những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn xanh sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức.

Tuy nhiên, một trong những thách thức trong thời gian tới được bà Việt Anh chỉ ra là các nhãn hàng đã chính thức tích hợp các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm vào hợp đồng mua bán.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, bắt đầu từ tháng 10/2023, Chính phủ Pháp đã trao những khoản tiền viện trợ để khuyến khích người dân sửa chữa giày dép và quần áo hỏng để tiếp tục sử dụng thay vì bỏ đi và mua đồ mới. Theo đó, người dân Pháp sẽ được nhận 7 Euro để sửa giày và từ 10 đến 25 Euro để sửa chữa quần áo. Số tiền này lấy từ quỹ 154 triệu Euro, được dành cho chương trình này giai đoạn 2023 – 2028.

Theo thống kê, mỗi năm nước Pháp có khoảng 700.000 tấn quần áo bị vứt bỏ, 2/3 trong số đó được đưa đến các bãi rác. Theo ước tính, thị trường quần áo, giày dép và đồ vải gia dụng của Pháp trong năm 2022 là 3,3 tỷ Euro.

Việc khuyến khích sửa chữa thay vì mua mới có thể giúp Pháp giảm lượng rác thải thời trang, vốn là một trong những vấn đề đau đầu hiện tại. Được mô phỏng theo chương trình hỗ trợ sửa chữa thiết bị gia dụng, khoản viện trợ này là một phần của cuộc cải cách lớn đối với ngành dệt may do Chính phủ Pháp khởi xướng từ cuối năm 2022. Mục tiêu của chương trình bao gồm việc buộc các thương hiệu phải truy xuất nguồn gốc nhiều hơn và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức chuyên tái sử dụng và tái chế quần áo.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Quản lý Chương trình nước bền vững (WWF – Việt Nam), ngành thời trang đã có lượng nước, không khí và chất thải rắn khổng lồ. Theo đó, dệt may là 1 trong 10 ngành cần phải ưu tiên phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Vừa qua, Châu Âu quy định cấm nhãn hàng tiêu hủy quần áo thừa trong kho. Đồng thời, trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều nền tảng triển khai dịch vụ cho thuê lại quần áo thay vì sở hữu. Đây sẽ là thách thức với dệt may Việt Nam.

Chủ động để tránh lúng túng

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại TP. HCM, nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

Còn theo bà Lành Huyền Như, Business Scout – Quản lý dự án Chuỗi Cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK Việt Nam), cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

Chủ tịch Vitas – ông Vũ Đức Giang nhìn nhận, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời các doanh nghiệp Việt cũng cần đẩy mạnh truyền thông để các nhà mua hàng biết đến. Ông kể vừa rồi có đoàn của Vitas đi sang thăm Bangladesh và thấy công tác truyền thông của họ rất tốt. Bangladesh có trên 4.000 doanh nghiệp dệt may và chỉ có 200 doanh nghiệp phát triển bền vững nhưng truyền thông tốt nên cả thế giới nghĩ rằng ngành dệt may Bangladesh xanh hóa, vì vậy họ có đơn hàng.

Trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu không còn quá chú trọng đến yếu tố “giá rẻ”, mà yêu cầu quá trình sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon… Điều này buộc các doanh nghiệp dệt may phải thích ứng nếu không muốn bị mất vị trí top đầu thế giới.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, quản lý chương trình cấp cao, Chương trình dệt may và sản xuất IDH, dẫn chứng như Hiệp định EVFTA yêu cầu các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin môi trường, đảm bảo hợp tác về chống rác thải, phát thải khí nhà kính. Theo đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu từng bước triển khai tránh lúng túng trong thời gian tới.

Theo VNBUSINESS

 

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm