Thăm làng nghề làm bún ‘tiến vua’ ở Bình Định

Huyền Linh 63 lượt xem 4 Tháng Ba, 2025

Có thể nói, Bình Định là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất tại Nam Trung Bộ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Bình Định là “đất hai vua”, có điều kiện để quy tụ nghệ nhân giỏi khắp nơi, hình thành những làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm năm qua. Trong đó, có nghề làm bún Song Thằn “tiến vua” nổi tiếng.

Những năm gần đây, khi nhiều làng nghề truyền thống dần mai một, các làng nghề tại Bình Định vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với nhiều đổi mới. Theo đó, Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu loạt bài “Những làng nghề ven sông Kôn”, mang đến cho độc giả góc nhìn sâu sắc hơn về vùng đất này, đặc biệt là những cách làm của Bình Định trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

36
Làng nghề truyền thống bún Song Thằn nằm bên bãi bồi sông Kôn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái

An Nhơn – “vùng đất hai vua”, từng là vương triều Vijaya Champa từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15; là kinh kỳ phồn hoa đô hội – kinh đô của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn… Từ xa xưa, An Nhơn được mệnh danh là đất trăm nghề với sự phát triển của các làng nghề đã có từ hàng trăm năm. Qua thời gian, nhiều nghề đã mai một, nhưng hiện An Nhơn vẫn là nơi lưu giữ và tập trung nhiều làng nghề nhất các tỉnh Nam Trung Bộ với hơn 20 làng nghề.

Những làng nghề ven sông Kôn đã nuôi sống biết bao gia đình, qua bao thế hệ. Ngày nay, làng nghề truyền thống ở Bình Định tiếp tục góp phần phát triển du lịch Bình Định.

Tìm hiểu làng nghề Bình Định không chỉ là tìm hiểu những câu chuyện về nghề thủ công cha truyền con nối, mà còn là hành trình khám phá nét giản dị, hồn hậu của những người thợ lặng thầm bên sông Kôn, hiến dâng cho đời những di sản được kết tinh trong lao động…

Trong bài viết này, Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến độc giả làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái – mà cụ thể là nghề làm bún Song Thằn, nằm ở phía bắc thôn An Thái, xã Nhơn Phúc.

An Thái là thủ phủ của huyện Tuy Viễn xưa, nơi người Minh Hương cư ngụ và kinh doanh sản xuất – thương mại đông đúc. Vị thế địa lý thuận lợi nằm dọc trên hữu ngạn sông Kôn, nên ghe bầu từ cửa Thị Nại, cảng Nước Mặn và cảng Gò Bồi lên mua bán tấp nập. Xưa kia, đây là một vùng thị tứ sầm uất, nơi trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa từ Tây Sơn xuống và từ các tỉnh khác qua đầm Thị Nại lên. Phía bắc An Thái bên tả ngạn sông Kôn là những làng nghề truyền thống, nên ghe thuyền đoạn sông Kôn này đông vui, kẻ trên bến người dưới thuyền trao đổi, mua bán nông thủy sản, thực phẩm và hàng thủ công.

37
Phơi bún Song Thằn trên bãi bồi sông Côn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Chạy dọc làng An Thái là sông Kôn với bãi cát vàng rộng lớn, nước sông trong ngần, tạo điều kiện rất tốt cho nghề làm bún và bánh tráng phát triển. Các cơ sở sản xuất bún được hình thành nhiều trên bãi cát, chủ yếu là các láng trại vì chỉ làm trong mùa khô, còn mùa mưa lũ thì tạm ngưng, bởi không thể sản xuất bún trong điều kiện thời tiết không có nắng.

Làm bún ‘tiến vua’

Nói đến bún, bánh An Thái, không thể không nhắc đến bún Song Thằn – đặc sản nổi tiếng của vùng đất võ Bình Định. Đây là loại bún khô làm bằng đậu xanh, nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và hàm lượng dinh dưỡng cao, sản xuất nhiều ở vùng An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn.

38
Ông Nguyễn Phi Hổ, 63 tuổi, thâm niên trên 40 năm nghề, đang phơi bột làm bún Song Thằn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Theo dân gian, bún Song Thằn có từ thế kỷ thứ 18, thời điểm người Hoa đến An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định sinh cơ lập nghiệp và phát triển nghề làm bột đậu xanh cũng như nghề làm bún. Dưới thời phong kiến, các quan địa phương khi ra kinh thành đều mang theo bún Song Thằn như một đặc sản của Bình Định để tiến vua. Vì loại bún này sản xuất có hạn, nên rất hiếm và quý. Trong thời kỳ chiến tranh, bún Song Thằn từng mai một trong một thời gian dài nhưng ngày nay đã được phục hồi trở lại.

Cơ sở sản xuất bún Song Thằn Lý Thị Hương là thương hiệu bún lâu đời và nổi tiếng nhất tỉnh Bình Định. Gia đình cụ Lý Thị Hương là truyền nhân đời thứ ba của nghề làm bún Song Thằn. Nhiều tư liệu cho biết bún Song Thằn có nguồn gốc từ người Hoa. Tuy nhiên, cụ Lý Thị Hương khẳng định bún Song Thằn hoàn toàn do người Việt làm nên, mà đích danh là bà ngoại của cụ – một người phụ nữ thông minh, giỏi giang có tiếng ở làng An Thái, tỉnh Bình Định.

Cả làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái chỉ có năm cơ sở sản xuất bún Song Thằn. Các cơ sở này đều là con cháu của cụ Lý Thị Hương. Do là nghề gia truyền, có bí quyết sản xuất riêng nên ít người làm được. Để có một kilôgam bún Song Thằn, người làm phải bỏ ra rất nhiều công sức.

Đậu xanh phải đem phơi nắng cho thật khô, sau đó ngâm nước lạnh cho nở đều rồi mới xay. Bột xay xong được lọc qua nhiều lần và phân loại theo chất lượng thành bột loại nhất và bột loại nhì. Tinh bột cũng phải phơi thật khô trước khi đem làm bún. Thông thường, 1,2 kg tinh bột đậu xanh sẽ làm được 1kg bún.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra 1kg bún Song Thằn, người thợ phải thức dậy từ 2:00 giờ sáng để làm bột đậu xanh. Qua nhiều công đoạn xay, chắt, lọc mới có được tinh bột rồi đem phơi dưới nắng cả ngày. Hôm sau mới có thể làm bún. Như vậy, để có thành phẩm, người thợ phải mất ít nhất từ hai đến ba ngày.

39
Nụ cười người thợ làng nghề An Thái c với sản phẩm vừa ra lò. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Bún Song Thằn đang được tiêu thụ mạnh không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, TPHCM và Hà Nội. Hiện nay, 1kg bún Song Thằn có giá trên dưới 200.000 đồng, tùy thời điểm. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có lúc không đủ hàng để cung cấp. Sở dĩ bún Song Thằn khan hiếm như vậy là do nghề này không thể sản xuất hàng loạt và việc làm bún còn phụ thuộc vào thời tiết.

Ngoài bún Song Thằn, làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái còn sản xuất nhiều loại bún khác như bún số 8, bún gạo vắt tròn, bún dong, bún gạo giả mì, bún bột mì ta, bánh phở… Cả làng An Thái có hơn 50 hộ gia đình chuyên làm nghề bún, bánh. Hầu hết lao động trong làng đều có đời sống ổn định với nghề này.

Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái vẫn mãi tồn tại theo thời gian. Bên dòng sông Kôn, đặc sản bún Song Thằn cùng nhiều loại bún khác vẫn đều đặn ra lò dưới sự tảo tần của những người mẹ, người chị. Từ ngôi làng nhỏ bên dòng sông Kôn này, làng nghề bún bánh An Thái đã góp thêm hương vị cho ẩm thực Việt.

Những người con đi xa luôn tự hào về một làng nghề truyền thống với những bí quyết mang tính gia truyền có một không hai trên vùng “đất võ trời văn” Bình Định.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ muốn lập kỷ lục Guinness thế giới

    Ban tổ chức chương trình ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ đang kêu gọi khán giả cùng nhau xác lập kỷ lục Guinness về sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống đông nhất thế giới. Ở concert 3 ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’, dự kiến diễn ra vào...
    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...

Được quan tâm