Đằng sau ánh hào quang chói chang mang tên cung đình, còn có những người mang số phận bi ai, buồn tủi như những Thái giám trong Hoàng cung Việt xưa.
Nếu nói đến chốn cung đình Việt xưa, người ta chỉ biết đó là nơi lầu son gác tía với những ông Chúa bà Hoàng được ăn ngon mặc đẹp, sống trong nhung lụa. Nhưng đằng sau ánh hào quang chói chang mang tên Cung đình là những phận người bi ai, buồn tủi. Và Thái giám trong Hoàng cung Việt xưa, chính là một nhân vật có số phận buồn như thế.
Chấp nhận làm Thái giám để mang vinh dự, bổng lộc về cho họ tộc
Ở Việt Nam, nhân vật Thái giám trong cung đình được ghi nhận xuất hiện bắt đầu từ thời nhà Lý. Và đặc biệt ở chỗ, Thái giám trong cung đình Việt này không hẳn là những người đàn ông bị “hoạn” như ở Trung Hoa xưa, mà còn bao gồm cả những người sinh ra có vẻ bề ngoài là đàn ông nhưng lại bị khiếm khuyết về bộ phận sinh dục (Thái giám tự nhiên). Những người này, sử liệu Việt Nam gọi họ là những “ông Bộ”.
Sử sách còn chép rõ, làng nào có được một ông Bộ mang tiến cho triều đình làm Thái giám thì làng đó sẽ được ban cho rất nhiều bổng lộc và bản thân ông Bộ khi tiến cung làm việc thì cũng được hưởng nhiều đãi ngộ như các quan trong triều. Trái lại, nếu làng nào có ông Bộ từ 10 tuổi trở xuống mà giấu, không tâu trình cống Vua thì đến lúc phát hiện sẽ bị phạt nặng, cho ở tù.
Tuy nhiên, việc một cậu bé từ nhỏ đã bị khiếm khuyết bộ phận nhạy cảm để trở thành ông Bộ thì tương đối hiếm, vì vậy đa số các Thái giám trong cung cấm Việt Nam xưa là những người có gia cảnh nghèo khó. Các gia đình này chấp nhận để con trai mình vượt qua quá trình tịnh thân đầy đau đớn để nhập cung làm hoạn quan. Bởi khi làm Thái giám trong cung, họ cũng có kha khá lương bổng để giúp đỡ cả họ tộc của mình, thậm chí là cả làng nơi họ sinh ra. Chưa kể, họ còn nhận được nhiều sự tôn trọng ở nơi quê nhà vì… biết hy sinh.
Quá trình “tịnh thân” đầy đau đớn ngay từ khi còn nhỏ và công việc của Thái giám trong cung đình Việt xưa
Quay lại chuyện tịnh thân của Thái giám trong cung đình Việt xưa, quy trình thực hiện việc này cũng rất cầu kỳ ngay khi họ còn là một bé trai. Khi “hoạn”, người ta buộc chặt bụng và đùi của các bé trai vào một cái bàn. “Bộ phận nhạy cảm” sẽ được rửa bằng nước hồ tiêu để sát trùng. Sau đó, các bé trai sẽ được cho uống một thứ thuốc gây mê được bào chế từ thuốc bắc. Tiếp đó, người thực hiện công việc “hoạn” này sẽ hỏi lại lần cuối cùng: “Có bằng lòng thiến không?”.
Và sau khi nghe các bé trai nói bằng lòng, ngay lập tức người “hoạn” hạ dao cắt toàn bộ “bộ phận nhạy cảm”, rồi đặt ống thông hơi vào chỗ tiểu tiện, xong sẽ dùng một số dược liệu để cầm máu. Về “bộ phận nhạy cảm” sau khi bị cắt cũng sẽ được sao tẩm để cất giữ lâu dài, bởi “thứ ấy” rất quan trọng. Sau này nếu Thái giám được thăng chức, họ sẽ phải trình ra làm vật chứng. Song, một điều quan trọng khác nữa là họ mong muốn sau này qua đời, “thứ ấy” sẽ được chôn theo quan tài, bảo đảm đến khi được chôn cất, thân thể họ sẽ toàn vẹn.
Khoảng 3 tháng sau khi tịnh thân, vết thương sẽ lành. Lúc này cũng là lúc các tiểu Thái giám phải từ biệt gia đình để nhập cung, học lễ nghi phép tắc rồi sau đó bắt đầu làm việc, gắn cả phần đời còn lại của mình trong cung. Công việc của Thái giám trong cung Việt xưa cũng tương đối giống với Thái giám ở thời Trung Hoa phong kiến, từ lao động chân tay cho tới các công tác hầu hạ chuyện sinh hoạt thường ngày cho Vua, hoặc các phi tần trong hậu đình.
Thậm chí chuyện ân ái của Vua với các phi tần cũng được giao cho các Thái giám đảm nhận trong âm thầm vào ban đêm, tránh khinh suất sẽ làm những phi tần khác nổi lòng ghen tuông đố kị. Theo đó, hằng đêm, Thái giám lặng lẽ đến phòng người cung nữ, phi tần được vua chọn để hộ tống nàng đến cung Vua. Trong lúc Vua và cung nữ, phi tần ân ái, Thái giám đứng canh gác. Khi cuộc vui đã tàn, Thái giám lại hộ tống các nàng về cung. Công việc trong đêm được các Thái giám làm một cách lặng lẽ và mọi hoạt động trong cung cấm diễn ra bình thường vào sáng sớm hôm sau.
Tuy nhiên, đến thời nhà Nguyễn, cụ thể là đời Vua Bảo Đại thì Thái giám không còn phải đảm nhận công việc này nữa, công tác tuyển Thái giám cũng được bãi bỏ hoàn toàn. Lúc này, trong cung cấm chỉ còn lại những vị Thái giám của đời trước, họ chỉ việc quét dọn sân vườn, chơi cây cảnh chứ không làm gì khác, công việc phải nói là vô cùng nhàn tản.
Phận đời cô quạnh khi Thái giám về già và nương nhờ cửa Phật khi chết đi
Khi về già hoặc đau ốm bạo bệnh hoặc hết thời gian phục vụ, các Thái giám không được ở trong nội cung nữa. Lúc này, họ sẽ nhận lương của triều đình và chuyển ra khỏi cung, cư trú tại một căn nhà gọi là Cung Giám viện. Đây cũng là thời gian mà họ phải đối diện với nỗi cô quạnh, buồn tủi của cả phần đời làm Thái giám của mình bởi họ không có con, không có vợ, không có một ai săn sóc khi già cả ốm đau. Vì vậy, họ chọn kết nghĩa anh em với nhau, hoặc cũng có người nhận con nuôi.
Một số ít may mắn hơn thì được cho về quê sống với người thân. Cũng có Thái giám chọn cách lấy vợ, tất nhiên họ lấy vợ không phải vì lý do trai gái, mà chỉ để có được một người tri âm tri kỷ. Đa số những người phụ nữ mà họ lấy là những phụ nữ già, quá lứa lỡ thì, cũng sống trong cảnh hiu quạnh tương tự phận đời của họ.
Hoặc ở đời Vua Tự Đức, nhiều Thái giám già vì biết số phận buồn của mình cho đến chết cũng sẽ sống trong bốn bức tường thành vững chãi, tuy song hành cùng lịch sử của vương triều nhưng danh phận không có, đúng hơn là bị chối bỏ nên họ đã thỉnh cầu Vua một ân huệ, đó là khi họ nhắm mắt xuôi tay thì xin cho thân xác họ được chôn cất ở chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, thành phố Huế ngày nay), để có người lo nhang khói đàng hoàng. Cảm thông với ước nguyện chính đáng này, vua Tự Đức đã xuống chỉ dụ chấp thuận.
Sau đó, các Thái giám đã chung tay nhau đóng góp công đức vào ngôi chùa để sau khi chết họ sẽ có được một lễ mai táng, cũng như là có một tấm bia mộ chỉn chu, có người phục tự và cúng giỗ hằng năm. Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu có đến 25 ngôi mộ của Thái giám triều Nguyễn. Trước mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi rõ tên họ và chức vụ của từng người. Và theo tục lệ, cứ đến rằm tháng 11 hàng năm, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có Thái giám triều Nguyễn.
Trong số các tấm bia mộ đó, có một tấm bia ghi lại nội dung khiến hậu thế ngày nay không khỏi chạnh lòng, nội dung trên tấm bia đã được một số sư cụ trong chùa dịch lại như sau: “Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy được ở đây sự yên bình”.
(Nguồn: Tập sách ‘Những người bạn cố đô Huế)