Tăng quyền lợi khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc

Hồng Đào 118 lượt xem 12 Tháng Tư, 2021
Từ bỏ quyền lợi vì thủ tục nhiêu khê
Bảo hiểm bắt buộc TNDS không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới, mà nhằm giúp chủ xe trong trường hợp chẳng may gây tai nạn, đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khoản tiền cho nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người chấp nhận từ bỏ quyền lợi này, vì trình tự thủ tục phức tạp.
tai nan 1
Ảnh minh họa
Điển hình như trường hợp của anh N.V.V, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Khoảng giữa năm 2020, anh V điều khiển xe máy lưu thông trên đường, va quẹt vào một người đi cùng chiều, khiến người đó bị thương ở chân, phải điều trị ở bệnh viện, xe máy hư hỏng nhẹ. Anh V có mua bảo hiểm bắt buộc TNDS, nên quyết định làm thủ tục để có thể được bảo hiểm bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi được biết phải chuẩn bị hàng chục loại giấy tờ, như giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường, chứng từ xác định và chứng minh thiệt hại do tai nạn, bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, hoặc của nhân viên bảo hiểm liên quan đến xe và lái xe, bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của công an nơi thụ lý tai nạn), sơ đồ hiện trường tai nạn, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông, biên bản giám định thiệt hại, các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn… “Chỉ được nhận vài triệu đồng, mà phải làm từng đó giấy tờ, nên tôi và nạn nhân đã tự thỏa thuận với nhau về việc đền bù thiệt hại, như vậy còn nhanh hơn”, anh V cho biết.
Năm 2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, trong đó, ngoài việc đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, còn có việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ phương tiện, kiểm tra bảo hiểm xe máy bắt buộc TNDS… đã dấy lên những lo ngại cho người tham gia giao thông, khi việc mua bảo hiểm xe máy chỉ mang tính hình thức và hầu như không mang lại quyền lợi đáng kể nào cho họ.
Thay đổi tích cực
Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3.2021, đã có những thay đổi phù hợp hơn. Trong đó, nổi bật là nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra lên đến 150 triệu đồng/người/vụ (mức cũ là 100 triệu đồng/người/vụ). Đồng thời, hồ sơ bồi thường được đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm. Theo đó, nếu tai nạn không gây tử vong, các bên không cần thu thập tài liệu từ cơ quan công an, doanh nghiệp, chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại trước khi tiến hành chi trả bồi thường, với sự thống nhất của bên mua bảo hiểm. Nếu tai nạn gây tử vong, doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm thu thập tài liệu của cơ quan công an. Các loại tài liệu liên quan cũng được cắt giảm đáng kể.
Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày thông báo về vụ tai nạn, nạn nhân được tạm ứng bồi thường từ 10 – 70%, tương ứng từ 15 – 105 triệu đồng, tùy theo trường hợp. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, để đóng vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Quỹ này sẽ chi cho các hoạt động góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bao gồm chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra.
Không chỉ vậy, bảo hiểm có thể mua trực tuyến và doanh nghiệp phát hành giấy chứng nhận điện tử, gồm đầy đủ thông tin theo quy định của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp tích hợp tính năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử để chủ xe/lái xe trình cho lực lượng chức năng.
Những quy định của Nghị định mới có tác động tích cực đối với người tham gia giao thông, cũng như đối với xã hội. Tất cả các bên liên quan đến vụ tai nạn đều được hỗ trợ kịp thời, trong đó, nạn nhân tai nạn giao thông được khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh giảm được áp lực về các khoản đền bù.
Theo báo Quãng Ngãi

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm