Sao nỡ thu tiền cách ly đồng bào?

Trần Hùng 175 lượt xem 4 Tháng Mười, 2021

Dòng người tự phát về quê những ngày qua hầu hết đều không còn tiền bạc, mất việc; họ sẽ lấy tiền đâu chi trả phí cách ly, xét nghiệm theo yêu cầu của các địa phương?

sao no thu tien cach ly dong 551633282702

Chiều 3/10, chị Lê Thị H. chia sẻ một status ngắn trên mạng xã hội, cho biết chị đã đến Huế, được CSGT phát cơm và đang chờ để được dẫn tiếp ra Quảng Trị. “Cảm động quá. Em đói quá trời”, chị H. viết. Một ngày trước, chị H. xuất phát từ Đắk Nông. Không còn tiền bạc, chị phải xin mỗi người giúp một ít cho hành trình chạy xe máy vượt hơn 1.200km tìm về quê nhà Thanh Hóa.

Cũng trong chiều 3/10, đoạn livestream của ca sĩ Thái Thùy Linh ghi nhận hình ảnh một người đàn ông đẩy xe đẩy cùng hai đứa con trai độ chừng 4 – 6 tuổi đi bộ tìm đường về Trà Vinh. Họ xuất phát từ Đồng Nai và với quãng đường hơn 200km ấy, nếu đi bộ không ngừng nghỉ, họ sẽ mất hơn 45 giờ. Đôi chân trẻ con nào chịu nổi? Đến đêm, theo tường thuật của Thái Thùy Linh từ cửa ngõ TPHCM về miền Tây là những người già, em bé cũng đi bộ, mong mỏi sớm được về quê.

Không tiền bạc, không công việc, không nơi cư trú… sau những tháng ngày “khóa chặt, đông cứng”, những đôi chân tha phương cầu thực ở khắp các tỉnh thành đang mạo hiểm cả sức khỏe, an toàn của bản thân, gia đình lẫn cộng đồng để trở về. Thật khó nói hết được những khó khăn, nguy hiểm họ có thể gặp trên đường đi. Điều đáng buồn là, tại một số địa phương, nơi họ sẽ trở về, đã có lệnh chờ sẵn: cách ly thu phí.

Tại Đắk Lắk, tuy Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị xác nhận với Báo Phụ Nữ TPHCM là “thực tế địa phương cũng không thu ai đồng nào” nhưng văn bản 9533/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đắk Lắk, do Phó chủ tịch H’Yim Kđoh ký ngày 2/10 lại xác định rõ những người chưa tiêm vắc xin, khi trở về địa phương sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày và phải trả 120.000đ/ngày (bao gồm 80.000đ tiền ăn và 40.000đ phí phục vụ sinh hoạt). 120.000đ/ngày/người cho 14 ngày. Giả sử một gia đình với vợ chồng và hai con thì tổng số tiền phải đóng là 6,72 triệu đồng. Những người đã không còn đồng nào trong suốt mấy tháng qua lấy đâu ra tiền mà đóng?

Tại An Giang, theo công văn 3159/SYT-NVY ký ngày 2/10 của Sở Y tế thì với những người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều thì phải cách ly tập trung 7 ngày, thực hiện đủ 3 lần xét nghiệm và toàn bộ chi phí này người dân phải tự chi trả. Ngày 3/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cũng ký văn bản gởi các huyện, thành phố trực thuộc chỉ đạo cách ly tập trung 7 ngày những người đã tiêm 1 mũi vắc xin, cách ly 14 ngày đối với người chưa tiêm và cũng yêu cầu cá nhân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly, xét nghiệm. Văn bản số 6161/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Định xác định: những người tự phát đến/về tỉnh sẽ phải cách ly y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm, cách ly.

Đúng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, năng lực y tế của các địa phương còn yếu, nhiều tỉnh thành chưa đủ vắc xin để tiêm phủ cho người dân thì việc ở lại TPHCM theo lời mời gọi của thành phố để được tiêm chủng, tìm việc làm được xem là giải pháp tốt nhất; nhưng một khi người dân đã quyết liệt, sẵn sàng mạo hiểm để trở về thì việc buộc họ phải trả phí cách ly, xét nghiệm (dù đúng quy định) vẫn là điều quá xót xa. Cần hiểu rằng quy định được đưa ra trong bối cảnh các nơi đang siết chặt giãn cách trên tinh thần “Zero F0” – điều chúng ta đã từ bỏ để chuyển sang phương thức thích ứng an toàn, linh hoạt thì những quy định cũng cần điều chỉnh theo chủ trương mới.

Ngoài ra, trước cảnh những người con của quê hương đang khốn khổ trở về, phần lớn sẽ không đủ tiền chi trả, các địa phương rất nên thể hiện sự bao dung. Đó là cái nghĩa, cái tình của quê nhà và của các lãnh đạo địa phương.

Theo phunuonline

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm