Rạp chiếu bóng Hòa Bình và tuổi thơ một thời

Trần Thư 146 lượt xem 31 Tháng Năm, 2021

Hồi đó rạp Hòa Bình chiếu phim thiếu nhi vào ban ngày, khán giả đa phần là trẻ con nên suốt buổi chiếu đều ồn ào, ít khi yên tĩnh mà coi phim.

Tuổi thơ của chúng tôi – người thế hệ 50, 60 của thế kỷ trước sống đơn giản sau lũy tre làng, nơi hữu ngạn sông Tô Lịch, ngoại thành Hà Nội. Khi ấy, chúng tôi chỉ đi học nửa ngày, thời gian còn lại giúp nhà việc nhà nông, rảnh rỗi thì chơi đủ trò như đáo lỗ, đẽo quay, đánh khăng, pháo đất…

Mỗi tối, chúng tôi lập tổ nhóm cất đèn dầu hỏa để học. Khi ấy, đêm về làng xóm tĩnh lặng lắm, thỉnh thoảng mới nghe tiếng đài ga len, sau có loa truyền thanh với nhiều tin thời sự, báo động “Máy bay địch cách Hà Nội xyz km”, kể chuyện cảnh giác, hay sân khấu truyền thanh tối thứ bảy hàng tuần…

Đa số chúng tôi là con em nông dân, từ bé đã biết bắt cua, kéo te, mò trai ốc cải thiện bữa ăn; nếu thừa thì mang ra chợ Mọc, Ngã Tư Sở hay chợ Cầu Giấy để bán, tiền thu được sẽ nhét một nửa vào lợn đất, còn lại để đi tàu điện ra Bờ Hồ ăn kem que và nộm thịt bò khô, rồi xem phim ban ngày tại rạp Hòa Bình, gần bến tàu điện Bờ Hồ.

Cũng không hiểu sao thời đó đam mê xem phim đến thế. Thậm chí, chúng tôi chẳng quản đường xa vào nội thành chỉ để ăn chiếc kem que giá 5 xu, đĩa nộm thịt bò khô 1 hào mà tiếng kéo giòn tanh tách nhiều hơn cả món ăn, mất 1 hào cho hai lượt tàu điện đi – về.

Trong khi món tiền ấy phải đổi từ các buổi sớm tinh sương còng lưng mò cua, mỏi nhừ tay tát nước be bờ bắt tôm cá, nhiều công sức đóng xóc cua mang đi bán…

Lũ chúng tôi thường đi xem vào ban ngày để thuận tiện cho việc đi tàu điện, sau khi cuốc bộ từ làng Giàn ra bến tàu điện Ngã Tư Sở hoặc Cầu Giấy.

Nghe nói rạp Hòa Bình (địa chỉ 57B phố Đinh Tiên Hoàng) vào thời Pháp năm 1932 là Hội Âm Nhạc, sau được làm thành rạp chiếu phim. Tên cũ của rạp trước ngày chính quyền ta tiếp quản thủ đô là Philharmonique (rạp Tháng Tám là Majestic, rạp Kim Đồng là Cireus, rạp Công Nhân là Eden).

b17
Rạp chiếu bóng Hòa Bình nay là Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Nguồn: wikimapia

Rạp Hòa Bình có hai tầng nhỏ thó với bức tường trát vữa vảy ốc xù xì để cách âm. Ba cửa ngách vào phòng chiếu y như rạp Kim Đồng mạn Hàng Bài, chỉ có vị trí đặt màn ảnh là ngược nhau.

Quầy bán vé kiểu rạp xưa, có lưới sắt thưa trên bàn gạch xây chữ U, có loa gỗ trên trần ở gian tiền sảnh phát âm thanh trong phim và giọng thuyết minh phim đang chiếu trong rạp, kích thích người ta bỏ hầu bao mua vé chờ xem buổi chiếu kế tiếp.

Buồng chờ ở tầng một treo khung gỗ nền bọc vải xanh cũ kĩ, trên đó ghim dán đầy ảnh đen trắng cỡ nhỏ là hình ảnh trích đoạn trong phim đang chiếu và sắp chiếu (nom bắt mắt đáo để). Có tờ giấy khổ lớn in màu giới thiệu cụ thể một bộ phim gồm thông tin đạo diễn, diễn viên, hãng phim sản xuất, ảnh trong phim…

Sân khấu rạp Hòa Bình có mái vòm cong, sâu khoảng 3m, tường trắng đóng đinh màn ảnh thường viền xanh tỷ lệ 4:3, kích thước phông như phông chiếu bóng của các đội chiếu bóng ngoại thành thuở ấy.

Ngoài chiếu phim nhựa 35 mm, rạp thi thoảng có biểu diễn rối que. Đầu hồi của rạp Hòa Bình, phía phòng chiếu, là ba ban công tầng hai kiểu biệt thự Pháp, ban công bên phải đặt hai máy chiếu; lấp ló hai ống khói bằng tôn gò dùng để thoát nhiệt và dãy mái tôn hai lớp che nắng mưa.

Trong khi chờ giờ vào xem, chúng tôi miệng mút kem que Long Vân, ngước nhìn lên thấy ánh sáng hồ quang lấp lóa xen lẫn tiếng “xè xè” phim chạy vui mắt lắm. Còn bác thợ máy thì chống hai tay vào ban công nhìn đám đông nhốn nháo trước cửa rạp.

[…]

Hồi đó rạp Hòa Bình chiếu phim thiếu nhi vào ban ngày, khán giả đa phần là trẻ con nên suốt buổi chiếu đều ồn ào, ít khi yên tĩnh mà coi phim.

Cái cảnh ông soát vé, tay cầm đèn pin, tay kéo tai chú nhóc trốn vé, rồi lôi xềnh xệch ra cửa chẳng còn là điều gì lạ trong các buổi chiếu hàng ngày.

Thế hệ sau này sẽ không biết tiếng người thuyết minh phim, không biết cảm giác hẫng hụt khi vừa xem xong phim hoạt họa màu sắc rực rỡ (chiếu trước phim chính) vụt chuyển sang phim đen trắng, gây tức mắt mất vài phút mới quen được.

Họ cũng không hiểu giữa các buổi phim truyện sẽ có buổi chiếu ngắn (chiếu một, hai cuộn phim hoạt họa, một cuộn phim thể thao, xiếc nghệ thuật), thời lượng chừng 30 phút với giá 1 hào.

Buổi chiếu này thường dành cho trẻ nhỏ nhịn ăn sáng để dành tiền vào coi phim, vì thuở ấy còn “đói” văn hóa nghe nhìn. Ngày xưa các trường ở Hà Nội hay tổ chức cho học sinh xem phim tại rạp này và đứa nào cũng thích mê. Sau mỗi buổi xem phim là đầu tóc và áo quần ướt đẫm mồ hôi, ra cửa rạp bắt gặp ngọn gió cái từ Hồ Gươm thổi về, ôi chao là sướng!

Buổi chiếu nào cũng đông khách, cửa rạp khóa bằng dây xích, quạt trần quay trên nóc trần cao lờ đờ… nom vui mắt giúp quên đi cái ngột ngạt hơi người. Được xem phim đã thích rồi, muốn xem phim hay thì phải mua vé từ các ngày trước, hoặc nghiến răng mua lại “vé phe” trước rạp.

Những phim tôi đã xem vào buổi chiếu 9 giờ sáng ở đây thì nhiều lắm: Hãy tìm Tôi nhé Aliona, Người Mễ tây cơ, Ông già Khotabit, Chiếc thuyền biết bay, Chiếc cối xay thần kỳ, Tôi đến rạp xiếc, Trên chiến xa của Rích ca, Chuyện cổ Rustam, Chuyện cổ Rustan và Lútmila… Nhiều trường đoạn phim vẫn còn in trong trí nhớ tới tận bây giờ, cũng như tiếng ồ đồng loạt khi bị đứt phim hay tiếng ồn ào của đám trẻ con chờ phim.

Sau thập kỷ hiếm phim nhựa, các rạp đều chiếu phim video thay thế… Rạp Hòa Bình cũ bị phá hủy để xây nhà hát múa rối nước Thăng Long, chủ yếu phục vụ khách du lịch ngoại quốc. Rạp chiếu phim ngày xưa chỉ còn trong ký ức của lứa tuổi 197x trở về trước, là hoài niệm của lứa tuổi U60, U70 chúng tôi bây giờ.

Theo zing.vn

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm